1.Tán sỏi thận là gì?
Trước hết, chúng ta cần hiểu sỏi thận là gì? Có thể nói đây là một căn bệnh rất phổ biến với cuộc sống hiện đại ngày nay. Sỏi hình thành từ những chất cặn bã có trong nước tiểu đọng lại thận hoặc bàng quang. Nếu không can thiệp và điều trị sớm, sỏi thận sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như thận ứ nước, viêm nhiễm đường tiết niệu, suy thận, mất chức năng thận…
Thông thường với các trường hợp sỏi thận có kích thước nhỏ và đường niệu thông thoáng, người bệnh có thể điều trị nội khoa với một số loại thuốc thích hợp, uống nhiều nước và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để đẩy sỏi ra ngoài. Tuy nhiên nếu sỏi đã quá lớn, bệnh nhân cần được can thiệp ngoại khoa bằng các phương pháp như tán sỏi để có thể loại bỏ sỏi ra nhanh chóng, ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm.
Hiện tại có 3 phương pháp tán sỏi thận được áp dụng phổ biến nhất:
– Tán sỏi thận ngoài cơ thể
– Tán sỏi thận nội soi qua da
– Tán sỏi thận nội soi ống mềm bằng laser
Tùy vào kích thước, vị trí, số lượng của viên sỏi và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn phương pháp tán sỏi phù hợp.
Tán sỏi thận ngoài cơ thể được đánh giá là đột phá công nghệ trong điều trị sỏi thận vì không cần mổ, không đau, tán xong về nhà ngay
Đây là phương pháp sử dụng sóng xung kích tác động từ bên ngoài vào cơ thể. Các bước sóng sẽ đi vào cơ thể, tập trung tại các vùng có sỏi, khiến sỏi vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Sau tán, người bệnh không đau, không khó chịu, chỉ cần nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 15 – 30 phút là có thể về nhà. Sỏi vụn sẽ từ từ trôi theo đường tiểu ra ngoài. 1 – 2 tuần sau đó bệnh nhân quay trở lại tái khám, thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đảm bảo đã loại bỏ sạch sỏi.
Một số lưu ý:
– Áp dụng cho các trường hợp sỏi thận có kích thước <1.5cm.
– Chống chỉ định với những bệnh nhân đang mắc bệnh lao niệu, nhiễm khuẩn niệu,…chưa được điều trị dứt điểm. Người cao tuổi có nhiều bệnh nền, phụ nữ đang mang thai cũng sẽ không được áp dụng phương pháp này. Đặc biệt đối với những bệnh nhân bị rối loạn đông máu, tuyệt đối không được áp dụng phương pháp tán sỏi thận ngoài cơ thể khi chưa được điều trị hoàn toàn.
– Ưu điểm: có tới 90-96% sỏi được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể nếu thực hiện phương pháp này. Thời gian điều trị cũng khá ngắn, sau khi tán người bệnh được về nhà ngay, không cần phải nằm viện, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
– Nhược điểm: hiệu quả sẽ không cao nếu sỏi quá lớn và rắn chắc, đặc biệt với những viên sỏi lớn hơn 2 cm sẽ không thể áp dụng được phương pháp này.
Những sỏi có kích thước lớn hơn 1.5 cm sẽ được chỉ định tán sỏi bằng phương pháp tán sỏi qua da
Đây là phương pháp được áp dụng với những khối sỏi lớn, phức tạp như sỏi san hô…thay thế hoàn toàn cho mổ mở. Theo đó, trông quá trình tán, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ chỉ 5mm để tạo lập đường hầm tiếp cận với vị trí có sỏi ở thận, sau đó đưa ống nội soi chạy từ ngoài da vào thận, tới viên sỏi. Tiếp đến là sử dụng tia laser được kích hoạt để phá vỡ khối sỏi và sẽ có dụng cụ chuyên dùng để hút các khối sỏi vụn ra ngoài.
Một số lưu ý:
– Được áp dụng với trường hợp sỏi thận có kích thước >1.5cm.
– Đặc biệt, phương pháp này không lo sót sỏi, với sự hỗ trợ của máy nội soi, bác sĩ có thể quan sát được toàn bộ đài bể thận và niệu quản.
– Ít ảnh hưởng đến chức năng thận. Trong khi đó nếu mổ mở để lấy sỏi, thận có nguy cơ bị tổn thương.
– Bảo toàn quả thận: trước đây nếu sỏi ở những vị trí “khó” như ở giữa quả thận, bệnh nhân có thể phải mổ mở để cắt bán phần hoặc toàn vẹn quả thận. Tán sỏi thận nội soi qua da giúp xử lý sạch sỏi đồng thời ít gây tổn hại đến thận.
Đây là phương pháp đưa ống soi từ niệu đạo của bệnh nhân, rồi đi lên bàng quang, qua niệu quản, lên đài bể thận và tiếp cận được vào viên sỏi có trong thận. Sau đó, tia laser sẽ phá vỡ các viên sỏi thành các mảnh nhỏ, sau đó sẽ có dụng cụ chuyên gắp để gắp các mảnh sỏi vụn ra ngoài. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ được bơm rửa để loại bỏ hoàn toàn các mảnh nhỏ của sỏi ra khỏi thận.
Một số lưu ý:
– Phương pháp này không thể thực hiện với bệnh nhân bị hẹp niệu đạo, viêm đường tiết niệu.
– Phương pháp này không để lại sẹo, giảm thiểu được tai biến, tỷ lệ sạch sỏi cao. Đặc biệt, phương pháp này diễn ra rất nhanh, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, khoảng 3-6 tiếng bệnh nhân có thể ăn nhẹ, sau 24 tiếng bệnh nhân có thể xuất viện. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chi phí cao.
Các phương pháp tán sỏi thận sẽ cực kỳ an toàn và hiệu quả nếu như bệnh nhân tìm đến đúng địa chỉ uy tín, có bác sĩ chuyên môn giàu kinh nghiệm và máy móc, thiết bị tân tiến. Nếu không sẽ có một số ảnh hưởng như sau tới người bệnh:
– Trong quá trình tiếp cận với thận, các dụng cụ y tế có thể gây tổn thương dẫn đến tình trạng chảy máu và cần truyền máu gấp. Có thể làm tắc mạch thậm chí phải cắt thận.
– Có nguy cơ bị viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.
– Thủng đại tràng nếu tiếp cận sỏi sai vị trí của viên sỏi.
– Có thể bị tràn khí, tràn dịch màng dịch trong những trường hợp phải tạo đường vào đài bể thận thông qua phía bên bờ sườn.
– Xảy ra tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.
– Bệnh nhân có thể bị tổn thương đài bể thận và niệu quản nếu tia laser hay năng lượng khí nén tác động quá mức hoặc sai vị trí của sỏi.
Chế độ ăn uống khoa học là rất cần thiết với những người sau tán sỏi, bởi chúng góp phần giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát. Một số lời khuyên trong chế độ dinh dưỡng như:
– Uống nhiều nước để cơ thể đào thải tốt hơn.
– Nên sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như súp, cháo, rau củ quả,…
– Bổ sung thực phẩm giàu canxi khoảng 1000-1200mg/ngày
– Nên sử dụng các thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn như: gừng, mật ong,…
– Tránh các thực phẩm nhiều muối để hạn chế việc sỏi tái phát.
– Không sử dụng thực phẩm chứa các chất kích thích và các loại thực phẩm chứa oxalat như socola, khoai lang,…
Trên đây là một số phương pháp tán sỏi thận hiệu quả nhất hiện nay. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp độc giả có thêm những kiến thức về tán sỏi thận.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh