✴️ Trường hợp nào cần mổ nội soi hông lưng lấy sỏi tiết niệu?

Nội dung

1. Mổ nội soi hông lưng lấy sỏi là gì?

Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp và cần điều trị sớm nếu không sẽ gây tắc nghẽn làm ảnh hưởng đến chức năng thận. Hiện nay, phẫu thuật mổ mở điều trị sỏi tiết niệu đã được thay thế bằng các phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi ngược dòng hoặc lấy sỏi qua nội soi hông lưng. Trong đó, phương pháp mổ nội soi hông lưng lấy sỏi là phương pháp điều trị ít xâm hại, có ưu thế hơn với sỏi niệu quản 1/3 trên, sỏi bể thận mà các phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống cứng và ống bán cứng không thực hiện được.

 

Mổ nội soi hông lưng lấy sỏi thích hợp với sỏi niệu quản 1/3 trên và sỏi bể thận

Mổ nội soi hông lưng lấy sỏi thường được chỉ định cho các trường hợp sỏi niệu quản 1/3 trên và sỏi bể thận

 

2. Chỉ định

  • Sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên, vùng thắt lưng.

  • Sỏi bể thận đơn thuần, có kích thước > 2cm, ở vị trí trung gian hoặc ngoài xoang.

  • Sỏi bể thận đi kèm với tình trạng hẹp khúc nối bể thận – niệu quản hay niệu quản nằm sau tĩnh mạch chủ dưới, tiến hành mổ nội soi lấy sỏi kết hợp tạo hình lại bể thận- niệu quản.

  • Sỏi có kích thước lớn mà các phương pháp tán sỏi không thực hiện được.

 

3. Chống chỉ định

  • Người bệnh có chống chỉ định với gây mê nội khí quản; suy tim, bệnh mạch vành, tâm phế mạn,..

  • Sỏi bể thận nằm ở vị trí trong xoang.

  • Người bệnh có chít hẹp đường tiết niệu dưới sỏi do hẹp niệu quản, lao tiết niệu, u niệu quản,..

  • Sỏi bể thận đi kèm với dị dạng đường tiết niệu khác nhau phình to niệu quản, trào ngược bàng quang – niệu quản

  • Thận ứ nước do sỏi.

  • Người bệnh có tiền sử thực hiện phẫu thuật ở khoang sau phúc mạc: mổ sỏi thận, niệu quản; tạo hình khúc nối bể thận.

  • Người bệnh đang bị nhiễm khuẩn thành bụng, nhiễm khuẩn tiết niệu chưa được điều trị dứt điểm.

 

4. Các bước tiến hành mổ nội soi hông lưng lấy sỏi

4.1 Vô cảm

Người bệnh được gây mê nội khí quản và đặt ống thông niệu đạo trước mổ

Đặt bệnh nhân nằm nghiêng 90 độ về phía đối diện có sỏi, có kê gối dưới hông lưng.

4.2 Đặt trocar và tạo khoang sau phúc mạc

Thường tiến hành đặt 3 trocar để thuận tiện cho thao tác:

  • Trocar 1 (10mm): đặt ở vị trí trên mào chậu trên đường nách giữa để dùng camera quan sát.

  • Trocar 2 (10mm): đặt ở vị trí đầu dưới xương sườn 12, trên đường nách sau.

  • Trocar 3 (5mm): đặt trên đường nách trước sau cho 3 trocar tạo thành tam giác cân.

Tại vị trí đặt trocar 1, tách cân cơ tạo khoang sau phúc mạc. Đưa bóng vào khoang phúc mạc qua trocar, bơm 400-600ml khí để nong rộng khoang.

4.3 Phẫu tích lấy sỏi

  • Bác sĩ dùng móc và kẹp nội soi phẫu tích niệu quản, bể thận khỏi mạch sinh dục, tách bể thận khỏi dính vào các mạch máu cuống thận.

  • Bộc lộ niệu quản hoặc bể thận vị trí có sỏi, lấy sỏi ra qua lỗ trocar 10. Bơm hút rửa bể thận, niệu quản và lấy mảnh sỏi nhỏ.

4.4. Đặt ống thông niệu quản và khâu phục hồi

Đặt ống thông JJ qua niệu quản xuống bàng quang và đưa 1 đầu lên trên thận. Khâu phục hồi niệu quản- bể thận bằng chỉ tiêu chậm vicryl 4.0 hoặc 5.0. Trong trường hợp bệnh nhân có hẹp khúc nối bể thận – niệu quản thì sẽ tiến hành tạo hình lại bể thận qua nội soi sau khi đã lấy sỏi.

4.5 Kiểm tra lại

  • Kiểm tra lại vùng mổ, cầm máu kỹ, lấy hết máu cục, kiểm tra đủ sỏi, bông gạc.

  • Rút trocar, đặt dẫn lưu hố thận.

  • Khâu chân trocar và băng ép đóng vết mổ.

4.6 Theo dõi sau mổ nội soi hông lưng lấy sỏi

  • Theo dõi chảy máu sau qua qua số lượng và màu sắc nước tiểu (dịch) của ống thông niệu đạo và dẫn lưu hố thận.

  • Rút dẫn lưu 2-3 ngày sau mổ nếu không còn ra dịch. Phát hiện rò nước tiểu sau mổ nếu lượng dịch qua ống dẫn lưu > 50ml/ngày và kéo dài.

  • Sau 5 ngày, rút ống thông niệu đạo và cho người bệnh xuất viện.

 

5. Tai biến trong và sau mổ

5.1 Tai biến trong phẫu thuật

  • Rách phúc mạc do đặt trocar hoặc khi phẫu tích: để xử trí có thể đặt thêm trocar để đẩy phúc mạc hoặc khâu lại phúc mạc bị rách.

  • Rách màng phổi, thủng cơ hoành do chọc trocar cao sát bờ tường hoặc khi phẫu tích thì cần khâu lại màng phổi, cơ hoành qua nội soi, đặt dẫn lưu màng phổi. Cần thiết có thể phải chuyển sang mổ mở

  • Chảy máu do tổn thương  động mạch tĩnh mạch thận, tĩnh mạch chủ, tĩnh mạch sinh dục: nếu không xử trí được qua nội soi phải chuyển mổ mở để cầm máu.

  • Tổn thương các tạng xung quanh: ruột non, tá tràng, đại tràng thì cần chuyển sang mổ hở để xử trí tổn thương.

5.2 Tai biến sau mổ nội soi hông lưng lấy sỏi

  • Chảy máu sau phúc mạc nhiều, không cầm máu được: phải phẫu thuật lại ngay.

  • Tụ dịch hoặc áp xe sau phúc mạc: nếu khối tụ dịch, áp xe lớn cần phải trích dẫn lưu hoặc phẫu thuật để làm sạch ổ áp xe.

  • Rò nước tiểu sau mổ: Lưu ống thông niệu đạo và điều trị nội khoa 1-2 tuần.

 

6. Chăm sóc sau mổ nội soi hông lưng lấy sỏi

Sau khi mổ, bệnh nhân cần có kế hoạch chăm sóc và nghỉ ngơi khoa học để cơ thể sớm phục hồi và đề phòng sỏi tái phát:

 

Chế độ dinh dưỡng sau mổ nội soi hông lưng lấy sỏi

Sau mổ, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng và luyện tập khoa học.

  • Tập thể dục thường xuyên: Sau khi vết mổ đã lành, người bệnh có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe . Đi bộ, yoga sẽ giúp cải thiện chức năng thận và tăng cường tuần hoàn máu.

  • Ăn  nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung chất xơ và vitamin giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm gánh nặng cho thận.

  • Bổ sung đủ canxi: Nhiều người lo sợ bổ sung canxi sẽ tăng nguy cơ tạo thành sỏi. Nhưng thực tế, có thể thiếu canxi sẽ khiến oxalat được hấp thu nhiều hơn ở ruột, làm tăng nồng độ chất này trong nước tiểu và hình thành sỏi.

  • Uống nhiều nước: Nước giúp hệ bài tiết hoạt động hiệu quả hơn giúp đào thải được các cặn sỏi sau phẫu thuật. Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh nên uống khoảng 2.5 lít nước mỗi ngày và chia thành nhiều lần trong ngày.

  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm cay nóng, khó tiêu hay lên men. Tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác.

Ngày nay, với sự phát triển của y học, nhiều kỹ thuật hiện đại khác cơ thể thay thế mổ nội soi hông lưng lấy sỏi. Người bệnh hoàn toàn có thể làm sạch sỏi nhanh chóng mà rất nhẹ nhàng, đơn giản, thậm chí không cần phải mổ như tán sỏi ngoài cơ thể. Đo đó nên chủ động điều trị càng sớm càng tốt để tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top