Sự khác biệt không nhất thiết phải dẫn đến mâu thuẫn. Mâu thuẫn chỉ phát sinh khi một bên cố gắng áp đặt quan điểm của mình lên đối phương, yêu cầu sự phục tùng một cách mù quáng. Và mâu thuẫn sẽ không biến thành xung đột trừ khi bên muốn áp đặt quyền lực sử dụng bạo lực – dù là thể chất hay lời nói – để đạt được mục đích của mình. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể hòa giải những xung đột này? Có lẽ công thức để hóa giải xung đột chính là đi ngược lại tiến trình đã tạo ra nó. Trước hết, chúng ta cần từ bỏ mọi hình thức bạo lực, kể cả bạo lực ngôn từ, vốn được sử dụng để bắt người khác phục tùng. Sâu xa hơn, chúng ta cần từ bỏ niềm tin rằng quan điểm của mình là tuyệt đối đúng đắn, và người khác phải tuân theo nó.
Thử nhìn lại nguồn gốc xung đột từ lăng kính tâm lý học phát triển: Jean Piaget mô tả hai con đường mà con người sử dụng để xử lý thông tin mới—đồng hóa (assimilation) và điều ứng (accommodation). Khi ta đồng hóa, ta “ép” trải nghiệm mới vào khuôn khái niệm cũ; khi ta điều ứng, ta đổi mới và kiến tạo khung nhận thức để dung chứa cái khác biệt (Piaget, 1952). Xung đột bùng nổ khi một bên khăng khăng đồng hóa người kia vào bản đồ thế giới của mình và, tệ hơn, dùng bạo lực—từ lời nói sắc như dao cho tới nắm đấm—để buộc sự đồng hóa ấy diễn ra. Tình huống ấy nhắc chúng ta tới câu châm ngôn La-tinh Homo homini lupus est: con người với nhau có thể hóa thành sói dữ bất cứ lúc nào, nhất là khi hệ thần kinh cảm nhận bị đe dọa địa vị hay danh tính.
Thế nhưng, khác biệt tự nó không phải mầm mống xung đột. Các công trình của John Galtung cho thấy mâu thuẫn có thể tồn tại mà không leo thang thành bạo lực nếu các bên không tuyệt đối hóa quan điểm của mình thành “đại tự sự” [grand narrative] mang tính cứu cánh (Galtung, 1969). Vì vậy, hòa giải thực sự bắt đầu từ việc nhận ra rằng không có "đại tự sự" nào là tuyệt đối. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có góc nhìn độc đáo của riêng mình, được hình thành bởi lịch sử, văn hóa và trải nghiệm sống. Những "đại tự sự" – dù là nhân danh dân tộc, tôn giáo hay bất kỳ ý thức hệ nào – thường chỉ là những công cụ quyền lực, những lăng kính méo mó qua đó chúng ta nhìn nhận thế giới.
Nhà tâm lý học Crystal L. Park lập luận rằng chúng ta giải quyết những mâu thuẫn thông qua quá trình "tạo ý nghĩa" [meaning-making]. Bà giải thích: "Việc tạo ý nghĩa nhằm khôi phục ý nghĩa toàn cầu bị gián đoạn thông qua những nỗ lực nội tâm hướng đến việc phát triển những cách thông hiểu mới và chấp nhận được về tình huống, phù hợp hơn với ý nghĩa toàn cầu của mỗi người, hoặc bằng cách thay đổi niềm tin và mục tiêu ý nghĩa toàn cầu của mình."
Ở đây, việc nhập cuộc với tinh thần “hậu hiện đại”—tức thừa nhận tính tương đối của mọi khung diễn giải—giúp ta hạ nhiệt. Một người có thể yêu nước, người kia có thể đặt niềm tin tôn giáo lên hàng đầu; mỗi trải nghiệm sống là một mảnh ghép độc đáo, không mảnh nào mặc định quyền phủ quyết lên phần còn lại. Đòi hỏi người khác phủ phục dưới đại tự sự của mình chỉ là cách lấp khoảng trống bất an hiện sinh, giống như dựng một ngôi nhà đồ sộ trên nền cát—trông vững chãi nhưng dễ sụp khi cơn sóng văn hóa mới tràn tới.
Điều đó dẫn ta đến tiền đề thứ hai: hòa giải chân chính luôn gắn với quyết tâm tự chuyển hóa nhận thức. Trong thực tế tham vấn gia đình, tôi thường thấy một bên than van “tôi đã nhường hết rồi mà người kia vẫn chưa hài lòng”. Thật ra, “nhường” ở đây thường chỉ là đồng hóa một chiều—người ấy kìm nén nhu cầu, chứ không thực sự điều chỉnh khung nhìn để hiểu nhu cầu của bạn đời. Kết quả? Bề mặt êm ả nhưng dưới đáy lòng là những lớp trầm tích oán giận. Các nghiên cứu về “hòa giải thất bại” trong hôn nhân của Gottman Institute cho thấy chuyển hóa bền vững chỉ đến khi cả hai thực hành điều ứng—tò mò về thế giới nội tâm của nhau, sẵn lòng chỉnh sửa lược đồ niềm tin hay cấu trúc tinh thần của chính mình thay vì gò người kia vào khuôn định trước (Gottman & Silver, 1999).
Một ẩn dụ sẽ giúp soi rõ hơn: hình dung nhận thức như một chiếc valy. Nếu ta cố nhét mọi trải nghiệm vào valy nhỏ xíu, khoá kéo sẽ bung, giống như xung đột nổ tung. Điều ứng đồng nghĩa mở rộng hoặc thay đổi chiếc valy—đôi khi phải chuyển sang ba-lô dã ngoại linh hoạt hơn. Quá trình ấy đòi hỏi năng lực điều chỉnh trạng thái sinh lý—polyvagal theory của Stephen Porges nhấn mạnh rằng hệ thần kinh phúc phế vị [ventral polyvagal] cần được kích hoạt để ta cảm thấy an toàn mà lắng nghe quan điểm trái ngược. Khi cơ thể đang ở “chế độ đông cứng”, dây bối phế vị [dorsal] đóng vai cánh cửa thép, mọi lập luận lọt vào đều bị chặn lại bởi cảnh báo “nguy hiểm!”, và hành động hợp lý duy nhất là đóng sập cửa vào mặt người đối thoại. Còn khi cơ thể ở trạng thái “chiến hay biến” thì hành động dễ hiểu nhất là phồng mang trợn mắt nhe răng tấn công từ bàn phím đến bàn tròn. Vì vậy, bất kỳ tiến trình hòa giải nào cũng cần không gian giảm căng thẳng —một hơi thở sâu, một ngụm trà nóng—như thao tác mở then cửa cho đối thoại.
Một số độc giả có thể hỏi: “Nếu cả hai cùng điều ứng, có phải sợ mất bản sắc?” Khoa học xã hội gợi ý ngược lại. Khung lý thuyết “nhận dạng linh hoạt” của Hermans cho rằng bản sắc là mạng lưới vị thế nội tâm (Hermans & Dimaggio, 2004). Mỗi lần ta điều ứng, ta không bỏ đi vị thế cũ mà bổ sung thêm vị thế mới, như thêm ngăn kéo trong tủ đồ tinh thần. Nhờ đó, ta lại càng có một tủ đồ nghề phong phú sẵn sàng được lựa chọn đáp ứng với hoàn cảnh. Một cá nhân biết thương lượng giữa các vai bên trong—người con, người công dân, người tự do tư tưởng—có xu hướng giải quyết xung đột hiệu quả hơn, bởi họ không bị kẹt trong “tính duy nhất đúng” của bất kỳ vai nào.
Từ góc độ xã hội học, cấu trúc quyền lực bất đối xứng là mảnh đất màu mỡ cho đồng hóa cưỡng bức. Khi một bên nắm lợi thế kinh tế hay chính trị, họ có thể tô vẽ lựa chọn của mình thành “chân lý hiển nhiên”. Song lịch sử cho thấy áp đặt tạo ra “hòa bình tiêu cực” [negative peace] chứ không phải “hòa bình tích cực” nơi tiềm năng phát triển chung được giải phóng (Galtung, 1969). Ta có thể nhớ lại các tiến trình hòa giải dân tộc ở Nam Phi sau Apartheid; Ủy ban Sự thật và Hòa giải (TRC) của Desmond Tutu nhấn mạnh lắng nghe và xưng tội—một dạng điều ứng cộng đồng—để biến oán giận thành bài học tập thể, thay vì cố gắng quét quá khứ dưới tấm thảm phẳng phiu của khẩu hiệu đoàn kết.
Dĩ nhiên, có lúc điều ứng gặp giới hạn. Một số trường hợp lạm dụng, chẳng hạn yêu cầu người bị hại “hiểu cho” “thông cảm” hay “tha thứ” kẻ gây hại, có thể tái kích hoạt những chấn thương sâu sắc. Các nhà trị liệu chấn thương, tiêu biểu Bessel van der Kolk, cảnh báo rằng tính an toàn là điều kiện tiên quyết: nếu hệ thần kinh nạn nhân vẫn còn báo động, mọi lời kêu gọi thấu hiểu chỉ tạo thêm gánh nặng (van der Kolk, 2014). Do đó, hòa giải không đồng nghĩa bỏ qua trách nhiệm; nó đòi hỏi sự phân minh về hành vi sai trái, song song với cam kết tái cấu trúc quan hệ quyền lực để bạo lực khó lòng tái diễn.
Đến đây, câu hỏi cuối bài vang lên: chúng ta thực sự mong điều gì khi nói “hòa giải”? Nếu mục tiêu chỉ là “im tiếng súng” trong gia đình, tổ chức hay quốc gia, ta có thể chọn biện pháp mạnh—áp đặt, cưỡng chế, thậm chí mua chuộc. Nhưng nếu ta khao khát cùng nhau trưởng thành về nhận thức, nuôi dưỡng khả năng ôm trọn phức tạp của đời sống, thì con đường duy nhất là học nghệ thuật điều ứng. Đôi khi, điều ấy bắt đầu rất giản dị: thay vì ném ra câu “anh/em/ông/bà phải hiểu tôi”, ta có thể thở chậm, hỏi ngược lại, “có lẽ tôi chưa hiểu đủ, bạn giúp tôi thấy góc nhìn của bạn chứ?”. Trong thoáng chốc, ta đã xoay then cửa phế vị, mời người kia bước vào vùng an toàn thần kinh, mở valy trải nghiệm rộng thêm một chút. Những bước nhỏ ấy, tích tụ theo thời gian, mới dệt nên nền hòa giải bền vững—không ảo tưởng phẳng lặng, mà là khả năng cùng đứng trong cơn gió khác biệt mà không cuốn vào bão xung đột.
Có một công án của các thiền sư: "Tiếng vỗ của một bàn tay là gì?" Câu trả lời không nằm ở một âm thanh cụ thể nào, mà ở chính sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Tương tự, hòa giải không phải là việc tìm ra một giải pháp cụ thể cho xung đột, mà là thay đổi cơ bản trong cách chúng ta tiếp cận những khác biệt. Theo quan điểm của tôi, chính năng lực chấp nhận sự hữu hạn của khung tri thức cá nhân—một thái độ khiêm nhường giải thoát tri kiến—là nền tảng giúp cộng đồng vượt lên bản năng “lang sói” để cùng nhau khai mở các hình thái sống phong phú hơn. Đó là lời mời gọi chúng ta, giữa dòng thông tin ngồn ngộn trên mạng xã hội, tạm dừng nhịp gõ bàn phím, lắng nghe một nhịp tim khác, và thử điều chỉnh valy của mình—vì biết đâu bên kia màn hình một đồng bào nào đó cũng đang run rẩy tìm chỗ diễn tả nỗi lo chưa thành lời.
TS Lê Nguyên Phương