Thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở nam giới, gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày. Nhận biết sớm các dấu hiệu thoát vị bẹn giúp người bệnh chủ động thăm khám và điều trị kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm
1.Thế nào là thoát vị bẹn?
Thoát vị bẹn là sự hình thành túi phình ở bẹn. Xảy ra do các cơ quan trong ở bụng như ruột, mạc nối, mỡ thừa chui qua các lỗ tự nhiên ở bẹn tạo thành túi thoát vị.
Đây là bệnh thường gặp ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh đi qua nên thành bụng ở đây khá yếu. Nữ giới ít mắc hơn và chỉ bị khi có bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng hoặc sau khi phẫu thuật.
Có 2 dạng thoát vị bẹn thường gặp là:
– Thoát vị bẹn trực tiếp: là dạng thoát vị bẹn mắc phải xảy ra khi các tạng chui qua điểm yếu trên thành bẹn. Nguyên nhân là do làm việc gắng sức, ho, táo bón kéo dài, tiểu khó,…
– Thoát vị bẹn gián tiếp: là dạng thoát vị bẹn bẩm sinh khi các tạng thoát vị qua ống phúc tinh mạc. Thông thường, ống phúc tinh mạc sẽ bít lại sau khi sinh.
2. Dấu hiệu thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn có thể dễ nhận thấy qua các triệu chứng sau:
– Thấy phình một hoặc 2 bên háng, kích thước khối phồng to hơn khi ho hoặc khi đứng lên và có thể biến mất khi nằm xuống.
– Nam giới có thể thấy bìu bị giãn lớn, sưng đỏ.
– Đau nhói hoặc khó chịu, đặc biệt khi tập thể dục, mang vác các vật nặng. Tình trạng đau có thể giảm khi nghỉ ngơi.
– Cảm giác có khối đè nặng, áp lực ở bẹn, yếu các cơ vùng chậu.
3. Biến chứng của thoát vị bẹn
Nếu tình trạng thoát vị bẹn kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:
– Thoát vị bẹn nghẹt: Đây là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất khi bị thoát vị bẹn, xảy ra khi các tạng và các mạch máu trong túi thoát vị bị chèn ép, xoắn lại, không thể trở lại thành bụng dẫn đến hoại tử vì không đủ máu cung cấp. Thoát vị bẹn nghẹt thường gây ra các triệu chứng là sốt, sưng đau vùng thoát vị kèm đỏ và viêm.
– Thoát vị bẹn kẹt: Xảy ra do một phần của ruột, buồng trứng hoặc mô mỡ bị kẹt lại trong túi thoát vị mà không di chuyển lên bụng lại được. Người bị thoát vị bẹn kẹt không gặp phải tình trạng tắc ruột, hoại tử mà thường cảm thấy có khối rắn chắc, căng đau, gây nôn, táo bón.
– Chấn thương thoát vị: Xảy ra khi khối thoát vị có kích thước lớn, chịu những tác động từ bên ngoài gây nên chấn thương như đập, vỡ các tạng bên trong.
4. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc thoát vị bẹn tăng cao ở các đối tượng:
– Người lớn tuổi có các cơ thành ổ bụng yếu.
– Người hay làm việc, mang vác nặng hoặc ho mãn tính, táo bón kéo dài tạo áp lực lớn thường xuyên tại ổ bụng.
– Người đang mắc các bệnh như tràn dịch tinh mạc, u nang thừng tinh,…
– Gia đình có tiền sử bị thoát vị bẹn.
– Người béo phì, thừa cân hoặc phụ nữ có thai làm tăng áp lực lên ổ bụng.
5. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Việc chẩn đoán người bệnh bị thoát vị bẹn thường chỉ cần thăm khám trực tiếp bằng cách nhìn và sờ vào khối phồng ở bẹn to lên khi ho và xẹp xuống khi nghỉ ngơi. Trong trường hợp khối thoát vị có kích thước nhỏ, khó nhận thấy bằng mắt thường mới cần sử dụng đến các kỹ thuật y học.
– Chụp thoát vị cản quang: bơm chất cản quang vào ổ bụng sau đó cho bệnh nhân nằm sấp và ép bụng để thuốc cản quang chảy vào túi thoát vị và quan sát trên màn hình.
– Chụp CT scanner: Phương pháp này cho phép chẩn đoán chính xác hơn tình trạng của người bệnh thông qua hình ảnh rõ ràng trên màn hình scan.
Thực tế, những phương pháp cận lâm sàng trên chủ yếu nhằm mục đích đánh giá tình trạng bệnh nhân và phát hiện các bệnh tạo yếu tố thuận lợi nếu có.
6. Phương pháp điều trị thoát vị bẹn
Đối với trẻ sơ sinh bị thoát vị bẹn có thể chờ một thời gian và theo dõi cho ống phúc tinh mạc tự bít. Còn ở người lớn, thoát vị bẹn chỉ có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Hiện có 2 phương pháp phẫu thuật thường dùng là mổ hở và mổ nội soi.
– Mổ hở: Trước kia, điều trị thoát vị bẹn được thực hiện bằng phương pháp mổ mở truyền thống. Thực hiện bằng phương pháp này cho nguy cơ tái phát thoát vị sau phẫu thuật là rất thấp nhưng người bệnh phải chịu nhiều đau đớn do vết mổ dài, thời gian hồi phục lâu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng sau mổ.
– Mổ nội soi: Đây là phương pháp điều trị thoát vị bẹn ít xâm lấn, có độ chính xác cao. Ống nội soi và các thiết bị kỹ thuật sẽ được đưa vào qua đường rạch nhỏ trên ổ bụng. Vời đường mổ nhỏ nên người bệnh ít đau, nguy cơ biến chứng sau mổ thấp, thời gian nằm viện và phục hồi nhanh, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
7. Phòng ngừa thoát vị bẹn ở người lớn
7.1 Phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh
Thoát vị bẹn có thể được phòng ngừa bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh như:
– Chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thể thao thường xuyên để duy trì vóc dáng và cân nặng hợp lý.
– Bổ sung nhiều chất xơ, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để tránh táo bón.
– Hạn chế mang vác những vật nặng.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát những bệnh lý có nguy có dẫn đến thoát vị bẹn.
7.2 Phòng ngừa bệnh tái phát
Xây dựng chế độ làm việc và sinh hoạt khoa học là việc làm cần thiết để ngăn ngừa bệnh thoát vị bẹn tái phát:
– Không làm việc nặng quá sức, mang vác vật nặng
– Hạn chế rặn khi táo bón, có thể cân nhắc dùng thuốc nhuận tràng
– Ép, nịt lỗ thoát vị bằng băng để các tạng trong túi thoát vị không bị tụt xuống quá nhiều.
– Tái khám và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bị ho mạn tính.
– Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, thăm khám định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh.
Thoát vị bẹn không phải là bệnh quá nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc thoát vị bẹn, bạn cần đi thăm khám càng sớm càng tốt để mang lại hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh