Cách ăn uống phòng ngừa tắc ruột

Nội dung

Khi ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: mít, măng, trái cây có nhiều tanin (như quả hồng, hồng xiêm, ổi…) sẽ tạo gánh nặng lên hệ tiêu hóa, khối bã thức ăn hình thành ở dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non, gây ứ đọng và bị nén chặt cứng dẫn tới tắc ruột.

Ăn quá nhiều trái cây có cấu trúc sợi cellulose gây ra hoặc góp phần gây tắc nghẽn. Một trong những loại trái cây phổ biến nhất được báo cáo gây tắc ruột là quả hồng, ngoài ra đã ghi nhận các trường hợp tắc ruột do trái cây họ cam quýt nói chung và một số loại trái cây sấy khô khác, các loại hạt và hạt khô, ngũ cốc nguyên hạt hoặc bánh mì nhiều chất xơ khác... 

 

Để phòng tránh tắc ruột do bã thức ăn, mọi người cần lưu ý khi ăn uống như sau:

- Nên ăn chậm, nhai kỹ, không ăn vội vàng, ăn quá nhanh.

- Nên sử dụng thức ăn được nấu chín, nấu mềm.

- Hạn chế ăn thức ăn quá thô, dai, cứng, thức ăn khó tiêu.

- Không nên nuốt khối thức ăn cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục, nuốt hột trái cây.

- Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều tanin như hồng ngâm, hồng xiêm, xoài xanh, ổi; thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, mít…

- Không nên ăn thức ăn giàu chất xơ với lượng quá nhiều cùng một lúc, đặc biệt là khi bụng đói.

Cần lưu ý, những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn thường là người già răng yếu, khả năng nhai nuốt giảm; người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc viêm tụy mạn tiêu hoá thức ăn kém; ăn những thức ăn có nhiều xơ, sợi dai, khó tiêu hoá; người bệnh tâm thần tự ăn lông, tóc… Những trường hợp này càng cần cẩn trọng khi sinh hoạt và ăn uống để tránh bị tắc ruột.

 

Dấu hiệu nhận biết tắc ruột do bã thức ăn

Các trường hợp bị tắc ruột do bã thức ăn thường có biểu hiện:

Đau bụng: Thường đau bụng thành từng cơn, giữa các cơn đau bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.

Nôn: Bệnh nhân nôn ra thức ăn cũ, dịch tiêu hoá.

Bụng chướng: Bụng chướng hơi và có xu hướng tăng lên nếu không được điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp vị trí tắc ở cao (gần dạ dày) bụng chướng ít hoặc thậm chí không chướng.

Bí trung đại tiện: Bệnh nhân không trung tiện và đại tiện được.

Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, tình trạng ứ trệ sẽ nặng lên gây ra các cơn đau, nôn mửa, phát triển vi khuẩn trong lòng ruột… có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: mất nước điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, một số trường hợp có thể dẫn đến hoại tử các quai ruột gây vỡ ruột, thủng ruột, nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy người bệnh không nên chủ quan, khi có dấu hiệu nghi ngờ tắc ruột, cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị kịp thời.

 

return to top