✴️ Cắt trĩ đi ngoài ra máu: 5 nguyên nhân và cách khắc phục

Cắt trĩ đi ngoài ra máu là một trong các biến chứng xảy ra sau khi người bệnh thực hiện phẫu thuật cắt trĩ. Sau khi mổ cắt trĩ, người bệnh có thể sẽ bị chảy máu nhiều hay ít tùy từng trường hợp. Nếu người bệnh chủ quan và không xử lý kịp thời thì vết mổ sẽ bị tổn thương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và sức khỏe.

 

1. Nguyên nhân sau cắt trĩ đi ngoài ra máu

Trĩ là tình trạng các tĩnh mạch nằm bên dưới lớp niêm mạc hậu môn hay trực tràng bị căng giãn quá mức. Ban đầu, kích thước của búi trĩ chỉ nhỏ bằng hạt đậu. Nhưng chúng có thể phát triển lớn hơn gấp nhiều lần, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa.

Bệnh trĩ ở mức độ nhẹ có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu kích cỡ của búi trĩ quá to và mất khả năng tự co thì người bệnh sẽ cần phải can thiệp phẫu thuật. Trong đó phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp phổ biến và được nhiều người bệnh tin chọn.

Hầu hết người bệnh sau mổ cắt trĩ có thể bắt đầu trở lại sinh hoạt bình thường trong khoảng thời gian một tuần. Trong một số trường hợp, người bệnh sau mổ trĩ có thể bị đi ngoài ra máu. Theo các bác sĩ chuyên khoa, biến chứng này xảy ra do các nguyên nhân sau:

1.1. Cắt trĩ đi ngoài ra máu do điều trị bệnh không triệt để

Phẫu thuật loại bỏ trĩ là một trong những thủ thuật phức tạp. Do đó người bệnh cần phải được chữa trị tại một cơ sở y tế chuyên khoa uy tín có đội ngũ đủ chuyên môn và kinh nghiệm.

Nếu người bệnh thực hiện phẫu thuật tại cơ sở y tế kém chất lượng, các búi trĩ không được loại bỏ hoàn toàn, các khe hở vẫn còn tồn tại cộng với vết mổ mới khiến người bệnh chảy máu liên tục mỗi khi đi ngoài. Điều trị không dứt điểm không những khiến người bệnh phải chịu nhiều đau đớn mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy, khiến vùng hậu môn chịu những thương tổn nặng nề.

Cắt trĩ đi ngoài ra máu khi các búi trĩ không được loại bỏ hoàn toàn

Cắt trĩ đi ngoài ra máu khi các búi trĩ không được loại bỏ hoàn toàn

 

1.2. Cắt trĩ đi ngoài ra máu do táo bón

Nhiều người bệnh sau mổ trĩ cho rằng bản thân đã hoàn toàn hồi phục và có thể sử dụng bất kỳ loại thực phẩm nào theo sở thích.  Điều này khiến cơ thể bị thiếu hụt các chất xơ hòa tan và chất lỏng, phân thải ra cứng hơn hoặc tồi tệ hơn là chứng táo bón kéo dài.

Ngoài ra, nhiều người bệnh ngại việc đi vệ sinh sau phẫu thuật có thể gây đau và nhiễm trùng vết mổ, nên thường có xu hướng nhịn vệ sinh, vô tình khiến việc đại tiện gặp nhiều khó khăn… Trong khi đó, bởi mới phẫu thuật xong nên lớp da ở hậu môn và niêm mạc vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. Chúng rất dễ bị tổn thương dưới bất kỳ áp lực nào. Táo bón khiến người bệnh cần phải dùng sức rặn. Phân cọ xát với vết mổ trĩ sẽ làm xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu.

1.3.Cắt trĩ đi ngoài ra máu do mắc các bệnh mạn tính

Nếu người bệnh mắc phải một số bệnh lý mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, suy tim, suy thận, rối loạn đông máu… làm suy giảm khả năng đông máu. Điều này khiến vết mổ lâu lành kéo theo đó là  tình trạng rát hậu môn và đi ngoài ra máu sau khi phẫu thuật cắt trĩ.

1.4. Cắt trĩ đi ngoài ra máu do bệnh tái phát

Sau khi phẫu thuật cắt búi trĩ, búi trĩ mới cũng rất dễ hình thành và khả năng tái phát bệnh trĩ là rất cao. Do đó ,chảy máu sau khi đi ngoài là hiện tượng thường gặp.

1.5. Do vận động mạnh sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật cắt trĩ, người bệnh nên tránh vận động hoặc mang vác vật nặng. Bởi điều này có thể ảnh hưởng đến vết khâu, làm bung chỉ khiến tình trạng chảy máu xảy ra.

 

2. Sau phẫu thuật cắt trĩ đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?

Đi ngoài ra máu sau phẫu thuật cắt trĩ có nguy hiểm không phụ thuộc vào thời gian ra máu và số lượng máu mỗi lần. Bởi theo các chuyên gia y tế, hiện tượng chảy máu sau phẫu thuật cắt trĩ là trường hợp thường gặp. Người bệnh có thể thấy ít máu dính ở quần lót, trên bồn cầu, đặc biệt khi đi đại tiện trong khoảng thời gian từ 48-72 giờ sau khi mổ trĩ. Đây là hiện tượng bình thường và người bệnh có thể yên tâm là sẽ thuyên giảm dần và chấm dứt trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu diễn ra lâu dài (trên 7 ngày) và với số lượng cùng tần suất dày đặc thì người bệnh cần phải trao đổi ngay với bác sĩ để tìm hướng khắc phục sớm nhất. Bởi có khả năng đây là những biến chứng xuất huyết sau phẫu thuật loại bỏ búi trĩ. Tình trạng chảy máu kéo dài không được kiểm soát dẫn đến người bệnh mất nhiều máu và nhiễm trùng vết mổ. Việc nhiễm trùng tại hậu môn cảnh báo nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Đặc biệt là nguy cơ tái phát hoặc bệnh tiến triển nặng trở lại. Nhiều trường hợp bệnh trĩ tái phát có thể khiến hoại tử hậu môn, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trong trường hợp xấu nhất, người bệnh buộc phải lắp hậu môn giả.

Cắt trĩ đi ngoài ra máu trong thời gian dài làm tổn thương vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, hoạt tử hậu môn...

Cắt trĩ đi ngoài ra máu trong thời gian dài làm tổn thương vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, hoạt tử hậu môn…

 

3. Cần làm gì khi bị đi ngoài ra máu sau cắt trĩ?

Đi ngoài ra máu sau phẫu thuật cắt trĩ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ hồi phục sức khỏe và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm khác. Do đó, sau khi thấy đi ngoài ra máu, người bệnh cần:

3.1. Tìm nguyên nhân gây chảy máu

Đi khám bác sĩ ngay để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp khắc phục hiệu quả nhất. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ điều trị theo những về việc dùng thuốc cũng như liều lượng và thời gian sử dụng. Nếu có bất cứ phản ứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để có phương án can thiệp phù hợp.

3.2. Thay đổi chế độ ăn uống

– Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp để giảm thiểu tối đa tình trạng táo bón. Người bệnh cần uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng 2 – 2,5 lít nước) để tăng cường quá trình trao đổi chất giúp làm mềm phân.

– Ăn nhiều rau xanh, củ quả và trái cây để bổ sung các vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

– Hạn chế ăn thịt đỏ, thức ăn nhanh, các loại đồ ăn cay nóng hoặc có nhiều dầu mỡ, các loại thức uống chứa cồn, chất kích thích…

Người bệnh cần điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt để giảm nguy cơ cắt trĩ đi ngoài ra máu

Người bệnh cần điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt để giảm nguy cơ cắt trĩ đi ngoài ra máu

 

3.3. Thay đổi thói quen sinh hoạt

– Vệ sinh hậu môn thường xuyên và đúng cách. Người bệnh nên vệ sinh hậu môn bằng nước muối ấm hoặc những loại nước lá có tác dụng diệt khuẩn như lá trầu không, chè xanh, rau diếp cá…

– Không làm việc nặng, đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu trong thời gian dài. Tốt nhất người bệnh nên kết hợp nhịp nhàng giữa nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để tránh gây áp lực cho cơ hậu môn, giúp bệnh nhanh chóng hồi phục.

– Thường xuyên tập thể dục thể thao bằng các bài tập nhẹ nhàng, đơn giản và vừa sức… không nên vội vàng chơi các môn thể thao nặng như chạy bộ đường dài, bóng đá… sẽ làm ảnh hưởng đến vết mổ khiến bệnh lâu lành.

Cắt trĩ đi ngoài ra máu có thể là một biến chứng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kéo dài thời gian bình phục bệnh. Do đó trước khi quyết định phẫu thuật cắt búi trĩ, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, điều trị tích cực, chăm sóc sau mổ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo tỷ lệ thành công khi phẫu thuật và hạn chế những biến chứng không đáng có.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top