Triệu chứng u đại tràng
U đại tràng là căn bệnh mà ai cũng đều có khả năng mắc phải, trong đó nhóm đối tượng nguy cơ cao là những người trên 50 tuổi hoặc có tiền sử gia đình đã có người mắc phải ung thư đại tràng. Thông thường thì biểu hiện lâm sàng ở các khối u đại tràng thường thường giống nhau và không gây ra nhiều triệu chứng cụ thể. Nhưng theo thời gian và các yếu tố tác động như vị trí, kích thước khiến khối u phát triển dẫn đến xuất hiện một số biểu hiện như sau:
- Nếu khối u nằm ở đại tràng lên thì triệu chứng thường gặp là tiêu chảy;
- Trong trường hợp khối u nằm ở đại tràng xuống thì người bệnh thường bị táo bón kéo dài và đôi khi táo bón xen lẫn với tiêu chảy;
- Còn khối u nằm ở niêm mạc phía trên thì có thể xuất hiện các vết loét gây ra xuất huyết khiến người bệnh khi đại tiện phân có máu tươi và chất nhầy;
- Ngoài ra, người bệnh có thể gặp thêm các hiện tượng như đau đầu, buồn nôn và nôn mửa.
Minh họa hình ảnh đại tràng
Những nguy cơ tiềm ẩn dẫn u đại tràng
Nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của các khối u đại tràng chưa được xác định hoàn toàn, nhưng nhiều chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ chính khiến u đại tràng có thể phát triển trong cơ thể con người. Cụ thể là:
- Tuổi tác: Tỷ lệ tuổi tăng tỷ lệ thuận với nguy cơ bị u đại tràng, trong đó nguy cơ bắt đầu tăng cao khi bước qua tuổi 40;
- Mắc các bệnh lý về viêm đường ruột (IBD): Nếu người bệnh đã từng mắc các bệnh về viêm đường ruột như viêm loét đại tràng, bệnh viêm ruột từng phần (Crohn)… thì nguy cơ cao cũng mắc u đại tràng;
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người thân từng bị ung thư đại tràng thì khả năng xuất hiện u đại tràng cũng khá cao;
- Cân nặng: Những đối tượng thừa cân hay béo phì cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh trong đó có các bệnh lý liên quan đến đại tràng;
- Thói quen sinh hoạt không khoa học: Hút thuốc lá và sử dụng rượu bia quá nhiều sẽ khiến nguy cơ xuất hiện khối u đại tràng cũng như kích thích chúng phát triển;
- Lười vận động: Không hoạt động và thường chỉ ngồi yên tại chỗ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của hệ tiêu hóa.
Ngoài ra yếu tố chủng tộc cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc u đại tràng cao khi ghi nhận nhiều ca mắc đến từ người da đen và người Do Thái.
Các loại khối u đại tràng
U đại tràng được xem như một dạng polyp đại tràng và là cụm tế bào phát triển trên lớp lót của niêm mạc đại tràng. U đại tràng thường được phân ra thành ba loại: Adenomatous, Hyperplatic và dạng viêm.
- Adenomatous: Khối u thường xuất hiện ở đại tràng và trực tràng và có sự tăng trưởng lành tính. Tuy nhiên với các trường hợp u lớn hơn 1cm thì nguy cơ phát triển ác tính càng cao hơn. Nếu không được loại bỏ, chúng tiếp tục phát triển và có thể trở thành ung thư;
- Hyperplastics: Các khối u dạng này thường có kích thước nhỏ hơn 5mm và rất hiếm khi tiến triển thành ác tính;
- Dạng viêm: Những khối u dạng viêm hình thành như những bướu thịt xuất hiện ở những bệnh nhân mắc viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn.
Minh họa đại tràng có u
Chẩn đoán u đại tràng như thế nào?
Việc chẩn đoán u đại tràng thường được thực hiện bằng các phương pháp sau:
- Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp phổ biến giúp chẩn đoán chính xác sự xuất hiện của khối u đại tràng và trong trường hợp khối u nhỏ thì hoàn toàn có thể tiến hành cắt bỏ trong khi nội soi;
- Chụp X-quang: Phương pháp này cho phép chẩn đoán và đánh giá toàn bộ ruột già;
- Chụp CT: Đây được đánh giá là phương pháp an toàn, thoái mái và ít xâm lấn cũng như không cần sử dụng các yếu tố giảm đau;
- Xét nghiệm DNA trong phân: Xét nghiệm này thường được chỉ định khi người bệnh có nguy cơ cao bị ung thư;
- Thử nghiệm di truyền: Đối với những bệnh nhân có người thân mắc ung thư đại tràng thì có thể thực hiện thử nghiệm di truyền để xác định nguy cơ ung thư.
Các phương pháp điều trị bệnh u đại tràng
Tùy vào kích thước, vị trí và số lượng khối u mà các bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau. Nếu trong quá trình kiểm tra khối u đại tràng có kích thước nhỏ và số lượng ít thì hoàn toàn có thể được loại bỏ trong quá trình nội soi bằng các dụng cụ chuyên biệt.
Trong trường hợp khối u lớn và không thể loại bỏ bằng hình thức trên thì bệnh nhân sẽ được đề nghị phẫu thuật nội soi. Ngoài ra đối với những trường hợp nặng hơn, khối u phát triển không bình thường thì bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ đoạn đại tràng bị ảnh hưởng từ khối u đó.
Cách phòng bệnh u đại tràng
Bên cạnh việc thực hiện các kiểm tra tầm soát để phòng ngừa u đại tràng thì các đối tượng nằm nhóm nguy cơ cao nên thay đổi lối sống và thói quen ăn uống cùng sinh hoạt của bản thân.
- Thực hiện chế độ ăn ít chất béo thay vào đó là tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt;
- Ít chất béo nhưng không có nghĩa là hạn chế hoàn toàn, thay vào đó cần theo dõi kĩ lượng chất béo bổ sung cho cơ thể, vì nhiều loại chết béo có thể gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể;
- Bổ sung canxi cần thiết cho cơ thể, theo đó có thể nạp canxi dưới nhiều hình thức như qua thực phẩm hay viên bổ trợ canxi;
- Hạn chế uống rượu và hút thuốc lá vì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đại tràng mà còn các loại bệnh khác;
- Tăng cường vận động để rèn luyện cơ thể cũng như duy trì cân nặng phù hợp để tránh các biến chứng xấu xảy ra.
Thông thường các bệnh ung thư đều phát triển từ những khối u và chúng phát triển trong âm thầm mà không có những dấu hiệu rõ rệt nào. Chỉ đến khi phát hiện ra thì người bệnh đã ở trong giai đoạn cuối cực kỳ nguy hiểm. Vậy nên đừng bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị ung thư. Hãy tiến hành sàng lọc bệnh từ sớm để nhanh chóng phát hiện kịp thời các khối u trước khi chúng trở thành ác tính.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp