Dịch tễ học và sinh lý bệnh thiếu máu mạc treo

Nội dung

Dịch tễ học

Thiếu máu mạc treo cấp tính (AMI) là một hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ 1/1000 trường hợp nhập viện. Đối với tất cả trường hợp mắc bệnh AMI:

  • Tắc động mạch mạc treo chiếm 40 – 50%
  • Huyết khối động mạch chiếm 25 – 30%
  • Thiếu máu mạc treo không có tắc mạch (NOMI) chỉ chiếm 20%

Thiếu máu mạc treo cấp tính thường gặp ở nữ giới, ở bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nghiêm trọng.

Thiếu máu mạc treo mạn tính thường hiếm gặp hơn và phổ biến ở độ tuổi từ 50 – 70 tuổi, phần lớn là nữ giới và có các biểu hiện đi kèm của xơ vữa động mạch.

 

Sinh lý bệnh thiếu máu mạc treo cấp tính

Thiếu máu mạc treo cấp tính thường do thuyên tắc mạch từ tim và chủ yếu ảnh hưởng đến động mạch mạc treo tràng trên (SMA). Một số dấu hiệu xuất hiện sớm như:

  • Nhịp nhanh nhĩ: là một rối loạn nhịp nhanh trên thất và thường gặp ở bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc.
  • Suy tim sung huyết: xảy ra khi tim hoạt động kém hiệu quả, giảm chức năng bơm máu của tim, khiến tim không thể đáp ứng được đủ nhu cầu oxy của cơ thể, gây ra tình trạng ứ máu tại tim, phổi và các mô, cơ quan trong cơ thể.
  • Thiếu máu cục bộ cơ tim hay nhồi máu cơ tim: xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến cho tim không tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp tống máu. Một số bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim không có biểu hiện thành triệu chứng. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện, phổ biến nhất là cơn đau ở vùng ngực, thường là phía bên trái của cơ thể (đau thắt ngực). Ngoài ra một số triệu chứng phổ biến của thiếu máu cục bộ cơ tim gồm đau vùng cổ hoặc hàm, đau ngực lan lên vai hoặc cánh tay trái, nhịp tim nhanh, khó thở khi vận động, buồn nôn, đổ nhiều mồ hôi và mệt mỏi.
  • Bệnh cơ tim phì đại: là tình trạng thay đổi cấu trúc cơ tim khiến tim giảm khả năng co bóp lưu thông máu, ảnh hưởng nhịp tim gây rối loạn nhịp tim. Một số triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: Đau thắt ngực, chóng mặt, hoa mắt, choáng váng khi thay đổi tư thế đột ngột hoặc vận động mạnh, khó thở, hay mệt mỏi, ngất xỉu.

Các bệnh lý này có thể hình thành các khối máu đông, về sau sẽ gây tắc mạch dẫn đến thiếu máu cục bộ. Co thắt động mạch mạc treo tràng trên thường đi kèm với thiếu máu mạc treo không có tắc mạch thứ phát sau suy tim, giảm oxy máu ngoại vi hoặc sau chấn thương dẫn đến tình trạng tái tưới máu.

Sinh lý bệnh thiếu máu mạc treo mạn tính

Các triệu chứng mạn tính là do lưu lượng máu đến ruột giảm dần theo thời gian, tổng lượng máu có thể thay đổi từ 25% khi đói đến 35% sau khi ăn và các triệu chứng xuất hiện phổ biến hơn sau khi ăn.

Lưu thông máu đến ruột thường được cung cấp thông qua động mạch dạ dày, động mạch mạc treo tràng trên và động mạch mạc treo tràng dưới. Vì vậy, nếu một trong ba động mạch chính bị hẹp dẫn đến thiếu máu người bệnh có thể sẽ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác ngoài cảm thấy đau bụng nhẹ.

Tuy nhiên, nếu bị tắc nghẽn hoặc hẹp động mạch từ 2 – 3 động mạch chính sẽ khiến người bệnh cảm giác khó chịu và xuất hiện các triệu chứng đau bụng sau ăn, chán ăn, sụt cân, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy đôi khi cần phải cấp cứu.

Thông thường cơn đau bụng sẽ bắt đầu xuất hiện khoảng 15 – 30 phút sau khi ăn và kéo dài hơn 1 tiếng, khi bệnh tiến triển nặng, cơn đau bụng kinh niên, âm ỉ sẽ kéo dài thời gian đau hơn.

 

 

Ai có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu mạc treo?

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị thiếu máu mạc treo, tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:

  • Người lớn tuổi.
  • Người mắc bệnh huyết áp cao hoặc thấp.
  • Người có tiền sử hoặc đang điều trị bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, bệnh suy tim, bệnh hở van tim, rung nhĩ,…
  • Người có hàm lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu cao.
  • Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá.
  • Người mắc các bệnh máu dễ đông, viêm tụy, viêm túi thừa, thấp khớp, suy thận,…
  • Người xuất hiện các cơn đau tim gần đây.
  • Người sử dụng cocain.
return to top