✴️ Thoát vị bẹn nghẹt là gì và được điều trị như thế nào?

Thoát vị bẹn nghẹt là biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất trong số các loại biến chứng của thoát vị. Vậy cụ thể thoát vị bẹn nghẹt là gì, bệnh lý này nguy hiểm ra sao và cách điều trị như thế nào? Câu trả lời sẽ được tiết lộ trong bài viết ngay dưới đây.

 

1. Khái niệm thoát vị bẹn nghẹt là gì?

1.1. Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị bẹn là loại thoát vị phổ biến xảy ra khi một tạng trong ổ bụng không ở tại vị trí vốn có mà chui qua vị trí thành bụng yếu hoặc qua ống bẹn để vào lỗ bẹn rồi xuống bìu và tạo thành túi thoát vị.

Theo thống kê, thoát vị bẹn thường dễ gặp phải ở nam giới hơn là nữ giới và trong mọi độ tuổi, bất cứ đối tượng nào dù là trẻ sơ sinh hay là người trưởng thành thì đều có nguy cơ mắc thoát vị bẹn.

1.2. Thoát vị bẹn nghẹt là gì?

Thoát vị bẹn nghẹt là một dạng biến chứng nghiêm trọng của thoát vị bẹn, lúc này các tạng trong túi thoát vị bị đè ép, xoắn lại và mắc kẹt trong ống bẹn. Tình trạng này khiến cho các tạng không thể trở về vị trí ban đầu mà dần hoại tử và chết đi.

Thoát vị bẹn nghẹt là gì - Khái niệm

Các tạng thoát vị không thể trở lại vị trí ban đầu mà mắc kẹt trong ống bẹn

 

2. Triệu chứng của thoát vị bẹn nghẹt

Thoát vị bẹn nghẹt có thể gây ra một số triệu chứng nghiêm trọng và biểu hiện rõ ràng trên người bệnh, điển hình là các dấu hiệu sau đây:

– Các cơn đau cấp tính xuất hiện đột ngột và ngày càng nghiêm trọng

– Đi ngoài ra máu

– Táo bón

– Vùng da ở khu vực bị thoát vị có màu sẫm hơn hoặc màu đỏ

– Có cảm giác mệt mỏi, sốt

– Bí trung tiện

– Vùng xung quanh vị trí thoát vị bị viêm và đau

– Nhịp tim tăng cao

– Buồn nôn và nôn mửa

 

3. Thoát vị bẹn nghẹt có nguy hiểm không?

Như bên trên đã đề cập, thoát vị bẹn nghẹt là biến chứng nguy hiểm hàng đầu trong số các biến chứng về thoát vị, có thể dẫn đến một số tình trạng như tăng nhịp tim, sốt, đau dữ dội.

Nếu người bệnh không được điều trị sớm, chỉ sau khoảng 6-12 tiếng, thoát vị bẹn nghẹt thậm chí có thể làm hoại tử các tạng bị thoát vị (như ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng) gây viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng huyết và rối loạn toàn thân, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, người bị thoát vị bẹn nghẹt cần được điều trị và cấp cứu kịp thời.

 

4. Cách điều trị thoát vị bẹn nghẹt

Thoát vị bẹn nghẹt chỉ có thể được điều trị dứt điểm bằng cách thực hiện phẫu thuật. Hiện nay, có thể áp dụng mổ mở truyền thống hoặc phẫu thuật nội soi để xử lý túi thoát vị, mỗi phương pháp đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định.

Mục tiêu của phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt là nhằm tìm ra và giải phóng tạng thoát vị, đưa chúng trở về đúng vị trí ban đầu. Đồng thời, phẫu thuật cũng nhằm cắt bỏ túi thoát vị và tái tạo thành bụng khỏe mạnh bằng mô tự thân hoặc các tấm lưới nhân tạo.

4.1. Mổ mở

Mổ mở (hay mổ phanh) là phương pháp phẫu thuật truyền thống, người bệnh sẽ được gây tê tại vùng thoát vị, gây tê cột sống hoặc toàn thân nếu cần thiết.

Sau khi người bệnh ngấm thuốc tê, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật, cụ thể là rạch một đường ở vùng bẹn rồi đưa các tạng thoát vị về đúng vị trí. Sau đó bác sĩ sẽ đóng túi thoát vị lại bằng các mũi khâu.

Thoát vị bẹn nghẹt là gì - Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị thoát vị bẹn nghẹt

 

4.2. Mổ nội soi

Ngày nay, các bác sĩ thường lựa chọn phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt bằng cách mổ nội soi bởi tính nhanh chóng và tiện lợi mà phương pháp này mang lại.

Để thực hiện phẫu thuật nội soi, trước tiên người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó bác sĩ sẽ đưa thiết bị nội soi vào cơ thể người bệnh thông qua một số vết rạch nhỏ ở vùng bụng dưới.

Mổ nội soi thường diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, hiếm khi gây ra cảm giác đau đớn hậu phẫu và người bệnh có thể phục hồi rất nhanh. Không chỉ vậy, vết mổ nội soi còn có tính thẩm mỹ cao, nhanh liền và ít để lại sẹo.

4.3. Lưu ý khi điều trị thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em và người trưởng thành

– Nếu trẻ đủ 1 tuổi trở lên, bác sĩ có thể mổ thắt cao túi thoát vị mà không cần tái tạo lại thành bụng.

– Trong một số trường hợp chưa thể chỉ định phẫu thuật ngay, trẻ sẽ được theo dõi thêm để cấp cứu kịp thời.

– Sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt, người bệnh không nên vận động mạnh, tránh nâng nhấc vật nặng gây ảnh hưởng đến vết mổ.

 

5. Cách phòng ngừa thoát vị bẹn nghẹt

5.2. Hạn chế nguy cơ mắc phải thoát vị bẹn nghẹt

Để hạn chế nguy cơ mắc phải thoát vị bẹn nói chung và biến chứng thành thoát vị bẹn nghẹt nói riêng, bạn nên thực hiện nếp sống lành mạnh và rèn luyện một số thói quen có lợi cho sức khỏe như sau:

– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bổ sung nhiều chất xơ

– Thường xuyên tập thể dục và chơi thể thao

– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý

– Tránh mang vác vật nặng, nâng nhấc đồ đúng cách

– Giữ cột sống thẳng, đúng tư thế

Thoát vị bẹn nghẹt là gì - Nên uống nhiều nước để phòng tránh

Nên uống nhiều nước để phòng tránh mắc phải thoát vị bẹn nghẹt

 

5.3. Ngăn chặn thoát vị bẹn nghẹt tái phát

Một số lưu ý dưới đây có thể giúp bạn ngăn chặn tối đa các nguy cơ tái phát thoát vị bẹn nghẹt sau khi đã làm phẫu thuật điều trị:

– Tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ kể cả trước, trong và sau khi điều trị

– Không làm việc nặng quá sức

– Hạn chế táo bón và rặn khi bị táo bón, có thể sử dụng thuốc nhuận tràng nếu cần thiết

– Nếu phát hiện bất cứ vấn đề bất thường nào sau phẫu thuật thì phải báo ngay với bác sĩ

– Đến bệnh viện thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe

Qua những thông tin trên đây, chúng ta có thể kết luận được thoát vị bẹn nghẹt thực sự rất nguy hiểm và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu bạn bị thoát vị bẹn hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ mắc phải thoát vị bẹn thì cần đi khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng thành thoát vị bẹn nghẹt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top