✴️ Thông tin về bệnh polyp đại tràng

Nội dung

Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là khối nhỏ các tế bào hình thành bất thường trên bề mặt, trong lòng hoặc thành ruột già. Thông thường, các polyp đại tràng đều là những khối u lành tính. Nhưng nếu không kịp thời can thiệp và điều trị, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng như chảy máu tiêu hóa, tắc ruột hoặc thậm chí dẫn đến ung thư.

Nguyên nhân gây ra bệnh polyp đại tràng

Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào nếu người bệnh có lối sống và sinh hoạt không hợp lý. Bên cạnh đó, độ tuổi và gen di truyền từ đời trước cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Polyp đại tràng là bệnh thường gặp liên quan đến đường tiêu hóa

Chế độ sinh hoạt

– Chế độ ăn uống không hợp lý, dùng quá nhiều dầu mỡ, ăn các loại thực phẩm không hợp vệ sinh, thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia.

– Những người thừa cân, béo phì, có cân nặng tăng đột biến trong thời gian ngắn.

– Chế độ sinh hoạt ít vận động, nằm hoặc ngồi nhiều.

– Thường xuyên thức khuya, luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi

Tuổi tác

Theo số liệu thống kê, có khoảng 90% các trường hợp mắc polyp đại tràng ở độ tuổi 50 và rất ít trường hợp mắc bệnh ở độ tuổi trước 40. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người từ 50 tuổi trở lên nên kiểm tra định kỳ đại tràng để tầm soát ung thư đại tràng sớm.

 Tiền sử gia đình

Những bệnh nhân có cha, mẹ, anh, chị, em mắc polyp đại tràng thì cũng có khả năng bị mắc bệnh. Yếu tố này càng tăng cao nếu như nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc polyp đại tràng.

Các loại polyp đại tràng thường gặp

Có 4 loại polyp đại tràng thường gặp, gồm:

Polyp tuyến

Khoảng 2/3 trong số các polyp là polyp tuyến và 90% polyp tuyến có kích thước < 1,5 cm. Nguy cơ mắc ung thư đại tràng sẽ phụ thuộc vào kích thước của polyp (> 2 cm) và thành phần nhung mao. Có một điều cần lưu ý là gần như tất cả các polyp ác tính là polyp tuyến.

Polyp tuyến được chia làm 3 loại:

  • Tuyến ống (tubular): Có thể gặp ở bất kỳ đoạn nào trên đại tràng và có cuống.
  • Tuyến nhung mao (vilous): Chủ yếu ở trực tràng và không có cuống, có nguy cơ ác tính cao nhất.
  • Tuyến ống – nhung mao (tubulovilous)

polyp đại tràng

Polyp đại tràng cần được cắt bỏ trước khi nó phát triển to quá mức

Polyp răng cưa

Nguy cơ polyp răng cưa trở thành ung thư tùy thuộc vào kích thước và vị trí của nó ở đại tràng.

Nếu là polyp răng cưa nhỏ, không cuống, tròn và kích thước < 5 mm, nằm ở đoạn cuối của đại tràng và trực tràng, còn được gọi là polyp tăng sản thì hiếm khi trở thành u ác tính.

Nếu là polyp răng cưa lớn, thường là phẳng (không cuống), khó phát hiện và nằm ở đoạn đầu của đại tràng sẽ có nguy cơ trở thành ung thư.

Polyp viêm

Dạng polyp này có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân bị viêm loét đại tràng, bệnh Crohn. Mặc dù bản thân polyp không phải là một mối đe dọa đáng kể nhưng nếu bệnh nhân từng bị mắc 2 bệnh nêu trên thì sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng.

Polyp di truyền

Polyp di truyền thường xuất hiện ở những bệnh nhân có người thân trong gia đình có tiền sử bị polyp đại tràng. Những bệnh nhân này thường có biểu hiện bệnh lý kèm theo ở cơ quan khác, bộ phận khác trong cơ thể. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có gen đột biến di truyền, nguy cơ mắc ung thư sẽ càng tăng cao

Khi nào nên tiến hành cắt polyp đại tràng?

Polyp đại tràng thường vô hại và không có biểu hiện, triệu chứng rõ rệt. Bệnh nhân nên kiểm tra đại tràng định kỳ để phát hiện và loại bỏ polyp. Trong quá trình nội soi đại tràng, nếu bác sĩ phát hiện có nhiều khối polyp có kích thước lớn, đặc biệt chúng gây cho bệnh nhân đau bụng, có máu trong phân, táo bón kéo dài, buồn nôn sẽ hội chẩn để chỉ định phẫu thuật cắt bỏ, tránh nguy cơ chúng phát triển thành ung thư.

Nếu bệnh nhân bị táo bón, tiêu chảy kéo dài thì cần đi cắt polyp ngay

Quy trình cắt polyp đại tràng

Hiện nay, cắt polyp đại tràng bằng nội soi được sử dụng rất phổ biến tại tất cả các bệnh viện trên cả nước. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi mềm, đầu có gắn camera vào bên trong đại tràng để quan sát những vị trí tổn thương, các khối polyp và tiến hành cắt bỏ. Quy trình thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, rửa ruột làm sạch đại tràng trước khi tiến hành nội soi.
  • Bước 2: Tiến hành kiểm tra lại người bệnh, thực hiện gây mê để chuẩn bị phẫu thuật.
  • Bước 3: Dùng ống nội soi để xác định vị trí tổn thương và vị trí các polyp đại tràng.
  • Bước 4: Sử dụng dụng cụ y tế chuyên khoa để loại bỏ polyp đại tràng bằng cách cắt bỏ hoặc đốt điện. Nếu kích thước polyp lớn, bác sĩ sẽ tiến hành cắt nhỏ chúng thành nhiều mảnh để loại bỏ hết.
  • Bước 5: Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ sẽ sinh thiết khối u để kiểm tra nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Nếu có dấu hiệu u ác tính, bệnh nhân cần tuân thủ theo chẩn đoán và phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra.

Cắt polyp đại tràng có đau không?

Phẫu thuật mổ nội soi polyp đại tràng là một thủ thuật đơn giản, an toàn, tỷ lệ tai biến sau cắt polyp là rất thấp. Bệnh nhân được tiêm thuốc gây mê trước khi phẫu thuật nên không có cảm giác đau đớn trong quá trình thực hiện.

Cảm giác đau nhẹ khi hết thuốc gây mê cũng sẽ biến mất nhanh chóng sau mổ vài ngày. Bên cạnh đó, do phần niêm mạc đại tràng không tạo được cảm giác đau nên quá trình thực hiện cắt polyp đại tràng không gây đau đớn.

Công nghệ này sử dụng ánh sáng hẹp 2 dải màu giúp phát hiện tình trạng tăng sinh mạch máu trong các trường hợp ung thư từ rất sớm, thậm chí khi khối u còn khu trí, chưa có hạch di căn.

Nếu sau khi quá trình nội soi đại tràng kết thúc, bác sĩ phát hiện ra khối u ác tính, sẽ can thiệp điều trị cắt bỏ polyp là bệnh được chữa khỏi hoàn toàn.

Phương pháp này mang lại hiệu quả điều trị tốt, bệnh nhân sống sau điều trị dài với chất lượng cuộc sống tốt, giảm tối đa nguy cơ tái phát, giảm gánh nặng tài chính, rút ngắn thời gian điều trị nội trú mà không cần điều trị phối hợp thêm bằng các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị…

Chi phí cho một ca cắt polyp đại tràng là bao nhiêu?

Về chi phí cắt polyp hiện nay thì thường được quy định dựa vào số lượng cũng như kích thước của polyp nên mức giá sẽ phụ thuộc vào từng thực trạng của người bệnh.

Những biến chứng thường gặp sau khi cắt polyp

Sau khi cắt polyp đại tràng, bệnh nhân sẽ dần hồi phục sức khỏe sau vài ngày. Tuy nhiên sẽ có tỷ lệ rất nhỏ những biến chứng có thể xảy ra như sau:

  • Đau bụng, chảy máu, có dịch tiết ra ở trực tràng với số lượng nhiều.
  • Buồn nôn, nôn ói, sốt, chóng mặt.
  • Phù nề vùng hậu môn.
  • Ho, tức ngực, khó thở.
  • Bụng căng chướng hoặc co cứng.
  • Đại tiện phân có lẫn máu hoặc phân đen.

Nếu bệnh nhân gặp phải một trong số những triệu chứng nêu trên, hãy đến ngay bệnh viện để được chữa trị kịp thời.

Chăm sóc bệnh nhân sau khi nội soi cắt polyp

Người bị polyp đại tràng cần hạn chế ăn đồ dầu mỡ, cay nóng

– Bệnh nhân cần có người nhà đi cùng khi đến bệnh viện và từ bệnh viện về, không được tự ý điều khiển phương tiện giao thông.

– Sau khi kết thúc quá trình nội soi cắt polyp đại tràng, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại bệnh viện và nhịn ăn khoảng 2 tiếng để theo dõi. Bệnh nhân có thể uống ít nước lọc (khoảng 3 – 4 thìa). Khi tình trạng sức khỏe khá hơn, bệnh nhân nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, mềm, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều sữa để bổ sung vitamin.

– Tránh nhiều đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn quá cay, nóng, quá chua, quá ngọt, quá lạnh, thực phẩm chế biến sẵn. Không được hút thuốc lá, dùng đồ uống có cồn, chất kích thích.

– Vận động nhẹ nhàng, tránh lao động nặng, đi lại nhiều…

– Không được để táo bón, hạn chế rặn khi đại tiện.

Cách phòng tránh polyp đại tràng

– Có thói quen ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Hạn chế ăn những món ăn nhiều dầu, mỡ, đồ nướng

– Không uống rượu bia, hút thuốc lá

– Có đời sống tinh thần phong phú, tránh lo âu, trầm cảm

– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao

– Nếu trong gia đình có người mắc polyp đại tràng, ung thư đại trực tràng hoặc những người từ 40 tuổi trở lên nên tiến hành kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tầm soát bệnh sớm và can thiệp chữa trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top