✴️ Tiết dịch núm vú

Mỗi bên tuyến vú ở phụ nữ chứa khoảng 20 ống dẫn sữa. Tiết dịch núm vú trong giai đoạn mang thai và cho con bú là bình thường. Tiết dịch núm vú ít xảy ra ở phụ nữ ngoài giai đoạn này có thể không phải là nguyên nhân bệnh lý, nhưng rất cần thiết đi khám bác sỹ khi có hiện tượng này.

Đặc biệt nam giới khi có hiện tượng tiết dịch núm vú thì bắt buộc phải đi khám để khảo sát kỹ hơn. Tiết dịch núm vú có thể xảy ra 1 hoặc 2 bên một cách tự nhiên hoặc khi bạn bóp nặn. Dịch tiết có thể giống như sữa, trong, xanh, nâu hoặc có máu. Dịch tiết thoát ra ngoài qua 1 hoặc nhiều đường ống dẫn sữa. Dịch có thể loãng hoặc sệt, dính.

Nguyên nhân nào gây tiết dịch núm vú

Tiết dịch núm vú là 1 phần của chức năng tuyến vú trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Nó có thể liên quan đến hormone nữ hoặc thay đổi sợi bọc. Tiết dịch núm vú dạng sữa sau khi cho con bú là hiện tượng bình thường xảy ra ở cả 2 vú và có thể kéo dài đến 2, 3 năm sau khi ngưng cho con bú.

U nhú là một u lành tính không phải ung thư nhưng có thể gây tiết dịch máu, loại này thường gây tiết dịch tự nhiên và xảy ra ở chỉ 1 ống tuyến. Bạn cần được sinh thiết để loại trừ hoàn toàn bệnh lý ác tính. Nếu sinh thiết là u nhú lành tính, bạn cần được phẫu thuật điều trị triệt để. Thông thường, tiết dịch núm vú là lành tính, tuy nhiên ung thư vú cũng có thể xảy ra, đặc biệt khi có các tính chất sau:

  • Sờ thấy khối u ở vú
  • Chỉ 1 bên vú tiết dịch
  • Dịch tiết có máu hay dịch trong
  • Dịch tiết tự nhiên và kéo dài
  • Dịch tiết chỉ ở 1 ống dẫn sữa

Các nguyên nhân bao gồm:

  • Áp xe
  • Thuốc ngừa thai
  • Ung thư vú
  • Nhiễm trùng tuyến vú
  • Ung thư ống tuyến vú tại chỗ
  • Rối loạn nội tiết
  • Kích thích tuyến vú quá mức
  • Xơ nang tuyến vú
  • Chứng đa tiết sữa
  • Tổn thương, chấn thương vú
  • U nhú trong ống tuyến vú lành tính
  • Dãn ống tuyến vú
  • Sử dụng thuốc
  • Thay đổi nội tiết do chu kỳ kinh
  • Bệnh Paget’s
  • Viêm vú quanh ống tuyến vú
  • Có thai và cho con bú
  • U tuyến yên

Ngoài ra tiết dịch núm vú cũng có thể xảy ra khi núm vú thường xuyên bị cọ sát với áo ngực như áo chật hoặc tập thể dục quá nhiều. Tiết dịch núm vú từ 1 bên vú hoặc từ 1 ống dẫn sữa thường có nguyên nhân tại chỗ của vú. Tiết dịch từ nhiều ống dẫn sữa hoặc từ 2 bên vú thường do những bất thường ngoài vú như rối loạn nội tiết hoặc do thuốc

          chảy dịch núm vú

Khi nào bạn nên đi gặp bác sỹ

Tiết dịch núm vú hiếm khi là dấu hiệu của ung thư vú. Tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu gián tiếp của một bệnh lý cần phải điều trị.

  • Nếu vẫn đang còn kinh nguyệt, mà tình trạng tiết dịch núm vú không thể tự hết sau chu kỳ kinh kế tiếp và xảy ra tự phát, hãy đến khám bác sỹ.
  • Nếu đã mãn kinh hoặc trên 50 tuổi, và tiết dịch núm vú tự phát chỉ 1 bên vú, hãy đi khám bác sỹ ngay.
  • Tiết dịch núm vú kèm các triệu chứng khác như có khối u vú, tuyến vú đau, sưng, đỏ.
  • Dịch núm vú có mùi hôi hoặc có máu.
  • Bạn là nam giới.

Trong thời gian này, đừng kích thích thêm vào núm vú vì nó sẽ làm tiết dịch núm vú kéo dài hơn. Một số phụ nữ có thể tự mình gây thêm tiết dịch núm vú nhiều hơn do thường xuyên nặn bóp núm vú để kiểm tra sự tiết dịch núm vú. Tốt nhất là không nên kích thích vào nó nữa sẽ có thể giúp cải thiện tình hình.

Tiết dịch núm vú và ung thư vú Ung thư vú có thể gây tiết dịch núm vú, đặc biệt là trong ung thư ống tuyến vú tại chỗ (DCIS), một loại ung thư vú giai đoạn sớm bắt nguồn từ trong ống dẫn sữa. Tiết dịch núm vú cũng có thể xảy ra ở bệnh lý Paget’s, một bệnh lý ung thư vú hiếm, có liên quan đến núm vú. Nếu bị ung thư vú, thường sẽ có tiết dịch núm vú một bên và có khối u vú đi kèm. Tuy nhiên tiết dịch núm vú thường hiếm khi là do ung thư vú, một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 9% phụ nữ từ 50 tuổi trở lên có tiết dịch núm vú khi đi khám được chẩn đoán là ung thư vú thực sự. Do đó, cần thiết phải đi khám khi có tiết dịch núm vú, đặc biệt nếu đó là triệu chứng mới xảy ra với bạn. 

Bác sỹ sẽ làm gì khi bạn đến khám

Bác sỹ sẽ khám tuyến vú để kiểm tra tìm khối u và những dấu hiệu khác của ung thư vú.

Bạn có thể sẽ được làm thêm 1 số xét nghiệm:

  • Sinh thiết tổn thương u đi kèm để tìm tế bào ung thư
  • Chụp nhũ ảnh
  • Chụp ống tuyến vú bằng thuốc cản quang để quan sát đường ống dẫn sữa
  • Siêu âm
  • Bạn cũng có thể được xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để kiểm tra tình trạng mang thai
  • Nếu bác sỹ nghi ngờ nguyên nhân do rối loạn nội tiết, bạn sẽ được xét nghiệm máu để đo lượng prolactin và chức năng tuyến giáp
  • Nếu có nghi ngờ rối loạn vùng tuyến yên não bộ, bạn sẽ được chụp thêm MRI hoặc CT sọ não
  • Nếu quan sát dịch tiết không có máu, bác sỹ sẽ cho phân tích dịch tiết để loại trừ máu trong dịch tiết. nếu thực sự dịch tiết có máu, dịch tiết sẽ được làm xét nghiệm tế bào học để tìm tế bào ung thư.

​Xem thêm: Nang vú

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top