✴️ Tổng quan về nang vú

Nang vú là những túi chứa dịch lỏng trong vú, thường là lành tính. Bạn có thể có 1 hoặc nhiều nang ở 1 hoặc cả 2 bên vú. Thường những nang này hình tròn hoặc oval, bờ giới hạn rõ.

Nang vú thường sờ thấy hơi căng, một số trường hợp nó có thể hơi cứng. Nang vú thường không cần điều trị gì trừ khi gây đau, khó chịu hoặc nang lớn. Nang vú thường xảy ra ở phụ nữ trước tuổi mãn kinh, khoảng giữa 35-50 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nang vú cũng có thể gặp ở những phụ nữ đã mãn kinh đang sử dụng nội tiết.

Nguyên nhân:

Người ta chưa biết rõ nguyên nhân gây nang vú, sự phát triển của nang vú được cho là kết quả của sự thay đổi lượng nội tiết tố nữ theo chu kỳ kinh. Một số giả thuyết cho rằng mức estrogen tăng cao có thể kích thích tuyến vú phát triển liên quan đến nang vú

          nang tuyến vú

Triệu chứng:

  • Khối tròn hoặc bầu dục, bờ rõ, di động nhiều, trơn láng
  • Dịch tiết núm vú trong, vàng (đậm hoặc nhạt) hoặc nâu sậm
  • Vùng vú có nang vú thường hơi căng, đau
  • Khối nang vú thường căng và hơi lớn hơn khi ở thời kỳ kinh nguyệt
  • Sau khi hết kinh, khối nang vú thường nhỏ lại và giảm khó chịu
  • Nang vú không làm tăng nguy cơ ung thư vú, tuy nhiên sẽ làm khó khăn hơn cho việc phát hiện những khối u mới trong vú.

Khi nào cần đi khám bác sỹ

Nang vú tồn tại lâu dài trong tuyến vú, tuy nhiên nếu bạn phát hiện thấy có những khối u mới trong vú mặc dù đã qua giai đoạn kinh nguyệt hoặc cảm thấy những khối nang cũ lớn lên hoặc có sự thay đổi, hãy đến bác sỹ ngay.

Chẩn đoán

  • Sau khi thăm khám và hỏi bệnh sử, bác sỹ của bạn sẽ cho chỉ định siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh. Dựa vào những kết quả này, bác sỹ sẽ chỉ định tiếp theo như sinh thiết hoặc chọc hút kim nhỏ.
  • Thăm khám để tìm khối u hoặc những dấu chứng bất thường
  • Siêu âm vú giúp bác sỹ phát hiện khối u là dịch lỏng hay đặc. Khối dịch lỏng là biểu hiện của nang vú.
  • Chọc hút vú bằng kim nhỏ để thử tế bào học
  • Chọc hút bằng 1 kim rất mảnh để rút ra dịch trong nang vú. Thông thường chọc hút kim nhỏ phải dưới sự hướng dẫn của siêu âm để bảo đảm chính xác. Nếu dịch thoát ra và không còn tổn thương, bác sỹ có thể chẩn đoán chính xác đây là nang vú ngay lập tức. Nếu dịch hút ra không có máu và khối u hoàn toàn biến mất sau hút dịch, bạn không cần làm thêm xét nghiệm nào nữa.Nếu dịch hút ra có vẻ có máu và khối u không biến mất hoàn toàn, bác sỹ sẽ gửi dịch hút này đi làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và xử trí tiếp.
  • Nhũ ảnh

​          chụp nhũ ảnh

Điều trị

  • Không cần điều trị trong trường hợp nang vú đơn thuần sau chọc hút và không còn nang.
  • Chọc hút nang vú: Sau chọc hút, một số nang vú vẫn có thể tái phát và xuất hiện thêm nang mới. Nếu sau 2 đến 3 chu kỳ kinh, nang vú vẫn tiếp tục lớn hơn thì cần đến bác sỹ để đánh giá thêm.
  • Uống thuốc nội tiết: Uống thuốc nội tiết dạng thuốc ngừa thai để điều hòa kinh nguyệt cũng có thể giúp làm giảm tái phát nang vú. Nhưng do gây nhiều tác dụng phụ, ta chỉ nên sử dụng thuốc ngừa thai hoặc nội tiết tố nữ (như Tamoxifen) ở một số trường hợp có triệu chứng trầm trọng. Ngừng điều trị nội tiết thay thế sau mãn kinh cũng có thể ức chế nang vú.
  • Phẫu thuật Phẫu thuật cắt bỏ nang vú chỉ thực sự cần thiết trong một số ít trường hợp. Cân nhắc phẫu thuật khi nang vú gây ra những khó chịu kéo dài, nang vú có chứa máu hoặc đi kèm một số triệu chứng khác.

Bản thân bạn nên làm gì: Thay đổi cách sống Để giảm bớt khó chịu do nang vú, một số điều bạn nên làm:

  • Mặc áo ngực vừa vặn, nâng đỡ bầu ngực.
  • Đắp gạc: gạc ấm hay mát đều có thể giúp giảm khó chịu do nang vú, miếng dán lạnh cũng giúp giảm bớt khó chịu này
  • Tránh cà phê: không có bằng chứng liên quan giữa cà phê và nang vú. Tuy nhiên 1 số bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng sẽ giảm nếu họ kiêng bớt cà phê. Giảm bớt cà phê trong khẩu phần ăn, thức uống cũng như giảm chocolate để xem có giúp cải thiện tình hình hơn không.
  • Uống thuốc giảm đau (có acetaminophen hoặc giảm đau nonsteroid như ibuprofen hoặc naproxen)
  • Khi đi khám, bạn cần cho bác sĩ biết đang uống Vitamin, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng bổ sung nào.

Xem thêm: Viêm tuyến vú

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top