✴️ Viêm tuyến vú

Tuyến vú được tạo ra từ nhiều tuyến và ống tuyến dẫn đến núm vú và quầng vú. Ống dẫn sữa nối từ núm vú đến mô vú bên dưới. Dưới quầng vú là những ống tiết sữa, luôn được đổ đầy sữa trong thời kỳ cho con bú. Tuyến vú có thể nằm trải rộng đến tận vùng nách.

Nguyên nhân nhiễm trùng tuyến vú:

Viêm tuyến vú là tình trạng nhiễm trùng mô vú, thường xảy ra ở giai đoạn cho con bú. Vi khuẩn có thể từ miệng bé, xâm nhập vào ống dẫn sữa thông qua khe nứt ở núm vú.

Tắc ống dẫn sữa: nếu sữa không được hút hết sau khi cho con bú, một số ống dẫn sữa sẽ bị tắc. sự tắc nghẽn gây ứ đọng sữa.

Vi khuẩn xâm nhập tuyến vú: vi khuẩn từ bề mặt da và miệng của bé có thể thâm nhập vào ống dẫn sữa thông qua vết nứt ở da núm vú hoặc lỗ mở của các ống dẫn sữa. Sữa ứ đọng trong vú là môi trường nuôi dưỡng tốt cho vi khuẩn phát triển.

Nhiễm trùng tuyến vú thường xảy ra trong vòng 3 tháng đầu sau sinh, nhưng cũng có thể ở những phụ nữ không cho con bú và phụ nữ đã mãn kinh. Một số nguyên nhân gây viêm vú khác như: hút thuốc lá (chất độc trong thuốc lá có thể gây tổn thương tuyến vú), đặt túi ngực, cạo hoặc nhổ lông quanh núm vú.

Những nguyên nhân khác bao gồm viêm tuyến vú mãn tính và một dạng hiếm gặp ung thư vú dạng viêm. Viêm tuyến vú ít gặp ở phụ nữ khỏe mạnh hơn phụ nữ bệnh lý mãn tính như tiểu đường, AIDS hoặc suy giảm miễn dịch. Khoảng 1-3% phụ nữ cho con bú bị viêm tuyến vú. Đôi khi viêm vú làm cho các bà mẹ phải ngưng cho con bú sớm hơn dự định, mặc dù điều này thực sự không cần thiết. Ứ đọng sữa và không hút sữa dư sau cho con bú là nguyên nhân thúc đẩy viêm tuyến vú nặng hơn.

Viêm tuyến vú mãn tính xảy ra ở phụ nữ không cho con bú, ở phụ nữ đã mãn kinh, thường là do tình trạng viêm mãn tính của các ống tuyến ngay dưới núm vú. Sự thay đổi nội tiết có thể làm cho các ống dẫn sữa bị bít tắc dưới các tế bào da chết. Sự tắc nghẽn này làm cho tuyến vú dễ dàng nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn tuyến vú có khuynh hướng tái phát sau điều trị.

Triệu chứng:

Tuyến vú đau, đỏ và nóng lên, đi kèm với những triệu chứng khác như:

  • Căng và sưng phù;
  • Đau mỏi cơ thể;
  • Mệt mỏi;
  • Ứ đọng ở vú;
  • Sốt lạnh run.

Áp-xe: có thể là biến chứng của viêm tuyến vú. Những khối không phải ung thu như áp xe vú thường căng và di động dưới da, bờ khối căng này thường rõ. Dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng trầm trọng khi khối căng không giảm sau khi cho bé bú, núm vú chảy mủ, sốt liên tục không giảm sau 48-72 giờ điều trị.

Khi nào cần đi khám

Những dấu hiệu dưới đây cần phải điều trị ngay:

  • Sốt kéo dài từ 38,3°C
  • Chảy mủ từ núm vú
  • Vệt đỏ lan rộng xuống tay và ngực

​          các dấu hiệu của viêm tuyến vú

Thăm khám và xét nghiệm

Chẩn đoán viêm vú và áp xe vú dựa trên một số thăm khám lâm sàng

Siêu âm: giúp phân biệt khối áp xe và khối u vú, siêu âm cũng giúp phân biệt viêm tuyến vú và áp xe vú, giúp phát hiện ổ áp xe nằm sâu. Khi ổ áp xe được xác định, có thể chọc hút hoặc dẫn lưu dưới hướng dẫn siêu âm và sau đó điều trị kháng sinh.

Cần phải cấy dịch hút để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Phụ nữ viêm tuyến vú khi không cho con bú hoặc không đáp ứng điều trị, nên được chụp nhũ ảnh hoặc sinh thiết vú. Điều này giúp loại trừ cẩn thận một số hiếm trường hợp ung thư vú dạng viêm.

Điều trị viêm tuyến vú

Tại nhà:

  • Uống thuốc giảm đau: acetaminophen hoặc ibuprofen. Những thuốc này an toàn cho bà mẹ cho con bú. Bác sỹ có thể kê toa những thuốc giảm đau mạnh hơn.
  • Ở những ca viêm tuyến vú nhẹ, thường không cần phải sử dụng kháng sinh. Không nên dừng việc cho con bú bên vú bị viêm , ngay cả khi bạn uống kháng sinh và giảm đau. Việc cho bé bú giúp thông tuyến sữa, tránh tắc nghẽn làm nặng hơn tình trạng viêm vú. Nếu cần, bạn có thể sử dụng hỗ trợ thêm hút sữa để rút sạch sữa hoàn toàn.
  • Sữa từ tuyến vú bị viêm không làm hại em bé, vì vi khuẩn gây viêm nhiễm thường có nguồn gốc chính từ miệng của em bé. Tuy nhiên nên ngưng cho bé bú bên vú khi bị áp xe.
  • Giảm đau: gạc ấm đắp trước và sau khi cho bé bú sẽ giúp giảm đau. Nếu không hiệu quả có thể đắp lạnh sau khi cho bé bú. Không đắp khăn lạnh trước khi cho bú vì sẽ làm giảm dòng tiết sữa.
  • Uống nhiều nước, khoảng trên 2000ml, ăn uống đầy đủ cung cấp nhiều hơn nhu cầu 500 calories trong ngày khi cho con bú

Thuốc:

  • Viêm tuyến vú đơn thuần không áp xe, thường sử dụng kháng sinh đường uống (Cephalexin, Dicloxacillin) là 2 kháng sinh thường được lựa chọn, một số thuốc khác cũng được sử dụng.
  • Viêm vú mãn tính ở phụ nữ không cho con bú thường phức tạp hơn và dễ tái phát. Đôi khi viêm vú mãn tính đáp ứng kém với kháng sinh do đó bắt buộc bác sỹ phải theo dõi kỹ.
  • Nếu tình trạng viêm nhiễm xấu đi sau điều trị kháng sinh hoặc xuất hiện ổ áp-xe sâu cần phẫu thuật thì bạn cần phải nhập viện để điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch.

Phẫu thuật:

  • Áp-xe vú thì cần dẫn lưu bằng chọc hút hoặc phẫu thuật tại phòng tiểu phẫu hoặc phòng mổ dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê tùy theo vị trí của ổ áp-xe.
  • Viêm vú không gây ung thư, nhưng một số trường hợp ung thư vú có biểu hiện bên ngoài nhầm lẫn với viêm vú. Nếu một viêm vú kéo dài sau điều trị, bạn cần chụp nhũ ảnh vú để loại trừ ung thư vú

Phòng ngừa viêm vú:

Viêm tuyến vú đôi khi không thể tránh khỏi, đặc biệt ở 1 số phụ nữ dễ bị như cho con bú lần đầu tiên. Thông thường, những thói quen tốt để giúp phòng ngừa viêm vú bao gồm:

  • Cho con bú ở cả 2 bên vú;
  • Hút sạch sữa sau khi cho con bú để làm giảm tắc và ứ đọng sữa ;
  • Cho con bú đúng cách để tránh đau và tổn thương núm vú - Giữ khô núm vú bị tổn thương;
  • Luôn uống đủ nước khi cho con bú;
  • Vệ sinh sạch sẽ: rửa tay, giữ sạch núm vú, giữ vệ sinh em bé;
  • Ngừng hút thuốc.

Tiên lượng:

Nếu điều trị kịp thời và tích cực, phần lớn nhiễm trùng vú sẽ hết nhanh chóng không để lại di chứng. hầu hết phụ nữ đều có thể tiếp tục cho con bú sau điều trị. Bệnh sẽ giảm hẳn sau 1-2 ngày điều trị nếu đáp ứng tốt. Áp-xe vú thì cân phải điều trị dài ngày hơn, đôi khi có thể tái phát.

Xem thêm: Những điều cần biết về u sợi tuyến vú

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top