✴️ Trĩ ngoại độ 2 và những thông tin cần biết

Nội dung

Trĩ ngoại độ 2 là cấp độ 2 của trĩ ngoại. Người mắc trĩ độ 2 có những triệu chứng rõ ràng hơn nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh trĩ có thể nhanh chóng chuyển biến sang cấp độ 3 và nguy cơ biến chứng càng tăng cao. Do đó, người bệnh trĩ độ 2 cần nắm được những thông tin cần thiết để chủ động hơn trong điều trị bệnh.

 

1. Khái niệm trĩ ngoại độ 2

Trĩ ngoại là loại trĩ phổ biến hơn cả so với trĩ nội hay trĩ hỗn hợp. Các búi trĩ được hình thành do có sự giãn căng quá mức của các tĩnh mạch ở vùng hậu môn. Nguyên nhân bắt nguồn từ hậu môn và trực tràng chịu các tác động và áp lực lớn. Người mắc táo bón dài ngày có nguy cơ mắc trĩ ngoại rất cao.

Trĩ ngoại đặc trưng với các búi trĩ xuất hiện ở vùng mép hậu môn, có thể nhìn thấy trực tiếp búi trĩ bằng mắt thường. Ngoài ra, vùng rìa mép hậu môn là nơi tập trung nhiều dây thần kinh nên nếu các búi trĩ được hình thành ở đây, người bệnh chịu đau đớn nặng nề hơn.

Trĩ ngoại thường được chia làm 4 cấp độ theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trĩ ngoại độ 2 là giai đoạn tiến triển sau giai đoạn đầu phát hiện bệnh. Với những triệu chứng và mức độ ảnh hưởng rõ rệt hơn so với giai đoạn đầu.

Búi trĩ độ 2 lớn hơn so với trĩ độ 1. Người bệnh đã bắt đầu có cảm giác vướng víu ở vùng hậu môn, có xuất hiện vết máu mỗi khi đi vệ sinh. Cùng tìm hiểu thêm những triệu chứng cụ thể ở phần 2 bài viết.

Trĩ độ 2 đã bắt đầu gây ra những triệu chứng khó chịu ở vùng hậu môn

Trĩ độ 2 đã bắt đầu gây ra những triệu chứng khó chịu ở vùng hậu môn

 

2. Triệu chứng trĩ ngoại độ 2

– Hậu môn sưng lên: Các búi trĩ hình thành ở vùng hậu môn bắt đầu phát triển, sưng phù khiến bệnh nhân cảm giác như hậu môn bị sưng. Nhất là khi người bệnh ngồi lâu hoặc đi vệ sinh.

– Vùng hậu môn bị tiết dịch nhờn: Hậu môn bắt đầu có dịch nhờn, ẩm ướt khó chịu. Từ đó người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, có thể ướt cả quần lót, khó chịu suốt cả ngày.

– Ngứa ngáy vùng hậu môn: Khi các búi trĩ càng phát triển, ống và rìa hậu môn bị cọ xát gây nên ngứa ngáy. Triệu chứng này khá phổ biến ở những người có trĩ độ 2. Khi không được khắc phục, bệnh nhân sẽ ngứa ngáy dai dẳng và phổ biến hơn.

– Chảy máu khi đi vệ sinh: Ở mức độ 2, tình trạng chảy máu không quá nghiêm trọng. Nhưng bệnh nhân có thể nhìn thấy 1 ít máu trên giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện. Chỉ đến khi ở cấp độ nặng hơn, búi trĩ bị vỡ thì máu sẽ chảy nhiều hơn.

– Búi trĩ sa ra ở ngoài: Trĩ ngoại thường dễ dàng quan sát vì xuất hiện ở dưới đường lược. Trĩ ngoại cấp độ 2 đã có thể nhìn thấy búi trĩ nhỏ, mềm, sa ra ngoài như 1 cục thịt. Đặc biệt nếu trong quá trình đi vệ sinh rặn mạnh, búi trĩ càng dễ lòi ra ngoài hơn. Người bệnh bị táo bón thì rất dễ làm gia tăng kích thước các búi trĩ là vì vậy.

– Đau nhức vùng hậu môn: Như đã nói, trĩ ngoại hình thành ở vùng có nhiều dây thần kinh, nên thi thoảng người bệnh sẽ thấy đau ở đây. Cảm giác đau nhức rõ rệt hơn khi có tác động tới vùng hậu môn.

Trĩ ngoại độ 2 gây nên những triệu chứng đau, ngứa, có chảy máu ở vùng hậu môn

Trĩ ngoại độ 2 gây nên những triệu chứng đau, ngứa, có chảy máu ở vùng hậu môn

 

3. Điều trị

Trĩ ngoại mức độ 2 có thể xuất hiện với những triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Một vài bệnh nhân vẫn chịu đựng được cơn ngứa rát sẽ chủ quan và không chịu điều trị bệnh. Kết quả là búi trĩ càng ngày càng lớn và sa ra ngoài. Búi trĩ sa ra ngoài khiến các triệu chứng càng trầm trọng, búi trĩ bị cọ xát và tổn thương và có thể bị vỡ ra. Bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp biến chứng sa nghẹt, hoại tử, rất đau đớn và mất nhiều thời gian để phục hồi.

Vì vậy, cần điều trị trĩ độ 2 càng sớm càng tốt.

3.1. Điều trị bằng thuốc trĩ ngoại độ 2

Các loại thuốc điều trị trĩ thường được chỉ định là thuốc bôi, thuốc uống, thuốc đặt… giúp bệnh nhân giảm sưng, giảm đau, hạn chế sự phát triển của búi trĩ. Nhóm thuốc phổ biến là:

– Thuốc uống: Các loại thuốc đường uống sẽ tác động trực tiếp vào tĩnh mạch trĩ làm bền chắc lớp tĩnh mạch. Đồng thời, thuốc uống giúp kháng khuẩn, giảm viêm, sưng, giúp nhuận tràng và giảm đau. Các loại thuốc uống cần có đơn và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

– Kem bôi hoặc đặt viên ở hậu môn: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm ngay được những triệu chứng đau đớn, ngứa rát do trĩ gây ra. Từ đó, có tác dụng giảm bớt và ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm. Thuốc được kê thường là thuốc mỡ, thuốc đặt. Lưu ý, vì sử dụng trực tiếp, cần cực kỳ chú ý đến nguồn gốc của thuốc. Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ và không tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Mọi thông tin đơn thuốc khác đều là thông tin tham khảo.

Trĩ ngoại mức độ 2 thường được điều trị bằng các loại thuốc uống và bôi

Trĩ ngoại mức độ 2 thường được điều trị bằng các loại thuốc uống và bôi

3.2. Lưu ý về chế độ chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt với người mắc trĩ ngoại độ 2

Với bệnh trĩ, chế độ ăn uống và chăm sóc, sinh hoạt là rất quan trọng. Việc dùng thuốc sẽ không có ý nghĩa nếu người bệnh không có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Điều cần thiết nhất là cần uống nhiều nước, bổ sung rau xanh và tập thể dục mỗi ngày. Lưu ý lau chùi vùng hậu môn sạch sẽ, ngâm nước ấm nếu cần để có cảm giác dễ chịu hơn.

Trĩ ngoại độ 2 là cấp độ trung bình của trĩ ngoại. Việc điều trị ở thời kỳ ngày ưu tiên nội khoa và xây dựng thực đơn, sinh hoạt lành mạnh. Hãy theo dõi thường xuyên và tái khám đúng lịch để bệnh chóng khỏi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top