✴️ Viêm phúc mạc ruột thừa là gì? Triệu chứng, điều trị

Nội dung

Viêm phúc mạc ruột thừa là biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất của bệnh lý viêm ruột thừa cấp. Nguyên nhân là do ruột thừa bị viêm vỡ ra giải phóng mủ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Mời các bạn tìm hiểu trong bài viết này để biết viêm phúc mạc ruột thừa là gì? Bệnh lý này có các triệu chứng như thế nào và phương pháp điều trị ra sao?

 

1. Viêm phúc mạc ruột thừa là gì?

Viêm phúc mạc ruột thừa là tình trạng viêm của các lá phúc mạc do trong bụng có mủ, dịch tiêu hóa, dịch mật, dịch nước tiểu hoặc giả mạc.

Viêm phúc mạc ruột thừa là biến chứng nặng nhất của bệnh lý viêm ruột thừa cấp. Đây là tình trạng không thể xem nhẹ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người. Phúc mạc có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Khi những ổ viêm ruột thừa bị vỡ ra sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng và có khả năng lan sang vùng phúc mạc. Nếu không được phát hiện kịp thời, nhiễm trùng sẽ lan vào nội tạng làm tăng nguy cơ tử vong.

Như vậy có thể thấy viêm ruột thừa cấp là nguyên nhân chính gây ra viêm phúc mạc ruột thừa. Bất cứ ai cũng có thể là đối tượng mắc phải bệnh viêm ruột thừa cấp, tuy nhiên phần lớn thường gặp những người trẻ. Viêm ruột thừa cấp nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ không quá nguy hiểm. Ngược lại, nếu không được thăm khám kịp thời sẽ gây ra biến chứng nặng nhất là viêm phúc mạc, đe dọa gây tử vong.

 

2. Triệu chứng của viêm phúc mạc ruột thừa là gì?

2.1 Triệu chứng cơ năng

– Đau bụng: là triệu chứng ban đầu giúp các bác sĩ xác định tình trạng viêm ruột thừa. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị, vùng quanh rốn. Người bệnh sẽ cảm thấy đau âm ỉ, có lúc đau quặn từng cơn, đau có xu hướng thiên về khu trú hố chậu phải. Những vị trí cơn đau xuất hiện cũng sẽ liên quan đến vị trí của ruột thừa. Vì vậy khi bệnh nhân đến thăm khám do đau bụng, cần được chẩn đoán phân biệt có phải do viêm ruột thừa gây ra hay không? Khi cơn đau không còn ở vùng hố chậu phải mà lan ra toàn bộ ổ bụng thì đó là dấu hiệu bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn biến chứng viêm phúc mạc ruột thừa.

Đau bụng là một trong những triệu chứng điển hình của viêm phúc mạc ruột thừa là gì

Đau bụng là một trong những triệu chứng điển hình của viêm phúc mạc ruột thừa.

 

– Rối loạn tiêu hóa: Biểu hiện thường gặp nhất là bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn. Cùng với đó, người bệnh có thể bị tiêu chảy. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa xảy ra là do phúc mạc bị kích thích gây chướng bụng, đầy hơi.

– Sốt: là phản ứng đặc trưng của cơ thể khi bất cứ một bộ phận nào bị viêm.

2.2 Triệu chứng toàn thân

– Dấu hiệu của nhiễm trùng: Khi bị nhiễm trùng, hơi thở của bệnh nhân nhanh nông, có mùi hôi, mắt trũng sâu, chân tay lạnh, ra nhiều mồ hôi, da xanh tái… Bệnh lý viêm ruột thừa xuất hiện các dấu hiệu sinh tồn chưa có sự thay đổi đáng kể. Thế nhưng, khi có sự thay đổi về các dấu hiệu sinh tồn, mạch nhanh, khó bắt, huyết áp thấp, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, nói nhảm, nặng hơn là hôn mê do sốc nhiễm khuẩn… lúc đó đã có biến chứng viêm phúc mạc xảy ra.

– Dấu hiệu mất nước và chất điện giải: Dấu hiệu rõ nhất có thể phát hiện bằng mắt thường là môi khô, tiểu ít, đàn hồi da kém,…

2.3 Triệu chứng thực thể

– Có phản ứng thành bụng, bụng không tham gia nhịp thở, các khối cơ bụng nổi rõ. Cần chú ý khi khám những người có trọng lượng cơ thể không cân đối, phụ nữ mang thai nhiều lần. Bởi những đối tượng này có cơ thành bụng yếu rất khó phát hiện.

– Đau tại điểm McBurney là điểm nằm giữa đường nối rốn với gai chậu trước trên.

 

3. Các chẩn đoán xét nghiệm và phân biệt viêm phúc mạc ruột thừa

3.1. Chẩn đoán xét nghiệm

Để phát hiện chính xác tình trạng bệnh viêm phúc mạc ruột thừa đang diễn biến như thế nào, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện:

– Xét nghiệm công thức máu: Nếu số lượng bạch cầu tăng đồng nghĩa tình trạng bệnh đang diễn biến xấu đi.

– Chụp X-quang ổ bụng.

– Siêu âm ổ bụng.

Trả lời viêm phúc mạc ruột thừa là gì

Siêu âm ổ bụng là một phương pháp chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa khá phổ biến hiện nay.

 

Ở một số trường hợp khẩn cấp, bác sĩ có thể thực hiện nội soi. Phương pháp này giúp chẩn đoán và phẫu thuật trong thời gian sớm nhất để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.

3.2. Chẩn đoán phân biệt viêm phúc mạc ruột thừa với các loại viêm khác

– Viêm phúc mạc do thủng dạ dày.

– Viêm phúc mạc mật.

– Viêm phúc mạc do viêm phần phụ.

– U nang buồng trứng xoắn vỡ.

– Ngoài ra còn một số chẩn đoán khác do viêm ruột, cổ chướng do viêm gan.

 

4. Phương pháp điều trị viêm phúc mạc ruột thừa là gì?

4.1. Chọc hút mủ kết hợp kháng sinh

Khi nhận thấy nhiễm trùng lan sang phúc mạc, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút mủ kết hợp với điều trị bằng kháng sinh.

– Chọc hút mủ: được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Đây là thủ thuật nhằm loại bỏ mủ do vi khuẩn gây nhiễm trùng gây ra. Chỉ khi loại bỏ mủ khỏi ổ bụng thì nguy cơ lây lan nhiễm trùng ra phạm vi lớn mới được giảm thiểu.

– Dùng kháng sinh: Việc dùng kháng sinh để ức chế và kìm hãm vi khuẩn gây bệnh. Người bệnh phải dùng thuốc kháng sinh theo đúng y lệnh của bác sĩ.

Tùy vào mức độ nhiễm trùng và khả năng đáp ứng của từng trường hợp, chọc hút mủ kết hợp kháng sinh có thể kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày hoặc hơn thế.

4.2 Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Hồi sức tích cực: 

– Đặt các đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch và kháng sinh,..

– Đặt sonde dạ dày và hút liên tục để giảm áp lực trong ổ bụng.

– Đặt sonde tiểu để theo dõi lượng nước tiểu

Phẫu thuật:

– Việc phẫu thuật phải được diễn ra kịp thời, càng sớm càng có lợi cho bệnh nhân.

– Không điều trị bằng kháng sinh vì kháng sinh có gây biến đổi các triệu chứng lâm sàng, kháng sinh chỉ áp dụng dự phòng trước mổ.

– Dẫn lưu các vị trí ở vùng hố, vùng thấp,…

Điều trị sau phẫu thuật:  

– Giảm đau sau phẫu thuật, chú ý tư thế nằm của bệnh nhân, dùng thuốc giảm đau theo y lệnh.

– Theo dõi nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật trong 6 tiếng đầu sau mổ.

– Theo dõi vết mổ.

– Theo dõi dịch dẫn lưu.

– Theo dõi dấu hiệu sinh tồn, nếu hạ huyết áp đồng nghĩa bệnh nhân đang chảy máu trong.

– Phòng chống nguy cơ nhiễm trùng, thay băng đúng quy trình, chăm sóc các ống dẫn.

 

5. Những chú ý sau khi điều trị viêm phúc mạc ruột thừa là gì?

– Cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng sau khi điều trị bệnh. Vì viêm phúc mạc ruột thừa là bệnh lý liên quan đến cơ quan tiêu hóa.

– Cần có thời gian để nghỉ ngơi hoàn toàn vì sau thời gian điều trị cơ thể bệnh nhân còn rất yếu.

– Trong thời gian điều trị tránh vận động mạnh ảnh hưởng đến vết mổ, gây ra những cơn đau khiến thời gian hồi phục bị kéo dài.

– Bù nước và các chất điện giải bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả bổ sung những chất bị thoát do nhiễm trùng ổ bụng.

– Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau nếu sau điều trị vẫn xuất hiện nhiều cơn đau âm ỉ kéo dài.

– Để tránh gây ra tình trạng viêm, sưng ở ruột thừa bệnh nhân không nên quá căng thẳng khiến ruột thừa bị kích thích.

– Đi kiểm tra định kỳ để theo dõi tình hình sức khỏe. Lưu ý bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường xuất hiện.

– Luôn giữ cho tâm trạng thoải mái, vui vẻ, bằng cách thư giãn qua đọc sách,…

Viêm phúc mạc ruột thừa là bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Bệnh diễn biến rất nhanh, nếu không được chẩn đoán kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh viêm phúc mạc ruột thừa. Vì vậy, trong bất cứ trường hợp nào mà cơ thể của bạn cảm thấy khó chịu, hãy đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top