✴️ Điều trị phình động mạch chủ bằng can thiệp nội mạch đặt ống ghép

Nội dung

Phình động mạch là tình trạng gì?

Thuật ngữ phình động mạch mô tả sự giãn to bất thường của động mạch. Phình động mạch có thể xảy ra trên toàn cơ thể nhưng gặp phổ biến nhất là phình động mạch chủ (ĐMC) bụng. Ở Anh, phình động mạch chủ đã gây ra khoảng 13.000 người chết trong năm 1997. Nói chung, tỷ lệ mắc chứng phình động mạch tăng cùng với tuổi tác, nhưng bệnh phình động mạch cũng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào do kết quả của thoái hóa, bao gồm cả trong điều kiện tự nhiên, nhiễm trùng, di truyền và chấn thương.

Tỷ lệ vỡ khối phình động mạch chủ bụng hàng năm tăng theo kích thước khối phình: < 1% (3-4 cm), 3-5% (4-5 cm), 5-7% (5-6 cm), 7- 19% (6-7 cm) và >20% nếu kích thước khối phình > 7 cm. 

Hiện nay, mổ mở thay đoạn phình động mạch chủ vẫn là phương pháp điều trị triệt để nhưng khá nặng cho đa số trường hợp phình động mạch chủ vốn hay gặp ở những người lớn tuổi, nhiều bệnh nội khoa đi kèm. Bên cạnh đó, phình động mạch chủ bụng đoạn trên thận hoặc đoạn ngực đặt ra nhiều vấn đề như phải cắm lại các mạch máu nuôi các tạng, tủy sống và nhất là những hậu quả do kẹp động mạch chủ trên chỗ xuất phát động mạch thân tạng. Can thiệp nội mạch điều trị phình động mạch chủ lần đầu tiên được giới thiệu bởi tác giả Parodi vào năm 1991 và ngày càng phát triển. Nhiều nghiên cứu cho thấy can thiệp nội mạch có kết quả 30 ngày tốt hơn và kết quả lâu dài tương đương với mổ mở kinh điển. 

Bệnh lý phình động mạch chủ là bệnh lý gặp chủ yếu ở người lớn tuổi, thường kèm theo bệnh lý nội khoa nặng nề, nhiều yếu tố nguy cơ, thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc là triệu chứng mơ hồ không đặc hiệu. Việc tầm soát phát hiện bệnh lý động mạch chủ bụng nên thực hiện thường quy ở những bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, bệnh mạch vành, rối loạn mỡ-máu. Điều trị chủ yếu hiện nay, ngoài can thiệp phẫu thuật mở truyền thống thì can thiệp đặt ống ghép nội mạch là một phương pháp điều trị mới, ít xâm lấn, thời gian nằm hồi sức và nằm viện ngắn. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ tử vong và biến chứng khá cao nếu không được tầm soát và kiểm soát tốt các bệnh lý nội khoa kèm theo, đặc biệt là bệnh lý tim-mạch. Sau can thiệp, bệnh nhân cần được theo dõi sát triệu chứng lâm sàng để phát hiện kịp thời các biến chứng để xử trí kịp thời

phình động mạch chủ bụng

Một nghiên cứu tại bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM cho thấy:

Từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 7 năm 2017 có 32 trường hợp phình động mạch chủ được can thiệp (25 nam và 7 nữ), tuổi trung bình là 73 tuổi, nhỏ nhất là 53 tuổi và lớn nhất là 83 tuổi.

Trong 32 bệnh nhân được can thiệp, chỉ có 17 bệnh nhân (53,1%) có triệu chứng: 2 trong số 8 bệnh nhân phình ĐMC ngực có triệu chứng đau ngực mơ hồ, và 15 trong số 24 bệnh nhân phình ĐMC bụng có triệu chứng đau bụng âm ỉ, sờ bụng thấy khối đập theo nhịp tim. Không có bệnh nhân nào vào viện vì tắc mạch ngoại biên.

Trong các ca can thiệp, có 8 ca (25%) bệnh mạch vành cần can thiệp đặt stent trước khi can thiệp phình động mạch chủ, 1 ca phẫu thuật máu tụ ngoài màng cứng bán cầu não 15 ngày trước can thiệp nội mạch.


Về mặt giải phẫu học của phình động mạch chủ, có 24 ca phình động mạch chủ bụng và 8 ca phình động mạch chủ ngực. Trong 8 ca phình động mạch chủ ngực, có: 4 ca phình động mạch chủ ngực được phẫu thuật chuyển vị các nhánh trước khi đặt ống ghép nội mạch, 4 ca phình động mạch chủ ngực đoạn xuống (trong đó có 2 ca kèm bóc tách động mạch chủ ngực týp B). Trong 24 ca phình ĐMC bụng, có: 8 ca phình động mạch chủ đơn thuần, 8 ca phình động mạch chủ kèm phình động mạch chậu chung trái, 6 ca phình động mạch chủ bụng kèm phình động mạch chậu chung phải, 2 ca phình động mạch chủ bụng kèm phình 2 động mạch chậu chung. 

Khối phình có giải phẫu thích hợp:

(1) cổ túi phình có chiều dài > 15 mm, không vôi hóa, không huyết khối, gập góc < 75 độ

(2) đường kính ĐM chậu 7-22 mm;

(3) ĐMCB nơi không có túi phình có kích thước bình thường 14-32 mm.

Các chống chỉ định tuyệt đối:

(1) đặc điểm giải phẫu không thích hợp: cổ túi phình có chiều dài < 10mm, góc gập > 90 độ, tắc 2 ĐM chậu;

(2) bệnh nhân dị ứng với chất cản quang;

(3) bệnh nhân toàn trạng già yếu, nhiều bệnh nội khoa trầm trọng phối hợp, có nguy cơ biến chứng và tử vong cao.

Các chống chỉ định tương đối:

(1) đặc điểm giải phẫu không phù hợp: cổ túi phình có chiều dài 10-15 mm, góc gập 75-90 độ, cổ túi phình hình nón, huyết khối hoặc vôi hóa nhiều, ĐM chậu-đùi 1 hay 2 bên hẹp, quá ngoằn ngoèo, đã được phẫu thuật;

(2) tiên lượng sống nói chung < 1 năm;

(3) suy thận. 

Bệnh lý này cần được thăm khám định kỳ về sức khỏe để có khả năng phát hiện sớm nhất có thể.

Xem thêm: Nguyên nhân và phòng ngừa phình động mạch chủ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top