✴️ Cơn hen phế quản cấp: triệu chứng và các xử trí

Triệu chứng hen phế quản cấp

– Cơn khó thở ra chậm, rít, cò cử kéo dài 30 phút đến vài giờ, tức ngực, ho ít đờm trắng, dính, quánh. Thường xuất hiện về đêm gần sáng, khi thay đổi thời tiết.

– Cơn có thể tự cắt hoặc cắt sau dùng Theophyllin, Salbutamol.

– Có bệnh sử mạn tính tái diễn nhiều lần, liên quan với thời tiết, dị nguyên. Không có bệnh sử hoặc tiền sử suy tim trái và hẹp van hai lá.

– Khám phổi có nhiều ran rít hoặc ran ngáy, gõ vang.

Hen phế quản cấp

Xử trí hen phế quản cấp

– Nếu hen phế quản cấp ở mức độ nhẹ:

Cho uống Salbutamol 4mg hoặc Theophyllin 0,10g x1 – 3 viên/ngày.

Có thể xịt vào họng Ventolin (Salbutamol) hoặc Bricanyl (Terbutalin) … mỗi lần 1 – 2 nhát, 6 giờ sau có thể xịt lại, một ngày không quá 3 lần.

– Nếu hen phế quản cấp ở mức độ nặng:

+ Aminophyllin: Tiêm tĩnh mạch rất chậm trong 20 phút 1 ống 0,24g pha trong 20ml dung dịch glucose 5%. Có thể tiêm 2-3 lần mỗi ngày.

+ Corticoid: Prednisolon 5mg x 6 viên, uống ngay sau khi ăn, liều giảm dần trong những ngày sau.

Hoặc Depersolon 30mgx1 ống tiêm bắp thịt.

Các thuốc này cắt được cơn nhanh song phải thận trọng vì bệnh nhân sẽ bị quen với thuốc, dùng lâu dài có nhiều tác dụng phụ phức tạp. Chỉ dùng trong cơn hen cấp tính nặng, khi các thuốc khác không cắt được cơn.

– Các biện pháp phối hợp:

+ Thở oxy 2 – 4 lít/phút, nếu nặng cho thở oxy liên tục.

+ Dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Không dùng loại kháng sinh có thể gây dị ứng làm cho cơn hen nặng thêm như penicillin …

Thận trọng khi dùng Erythromycin vì thuốc này làm tăng nồng độ Theophyllin, Aminophyllin trong máu, nếu nồng độ các thuốc này cao dễ gây ngộ độc.

+ Trợ tim mạch.

Khi có dấu hiệu cơn hen ác tính: Cơn nặng kéo dài > 24 giờ, có suy hô hấp rất nặng, bệnh nhân khó thở nhiều, tím tái, mạch nhanh, dùng các thuốc cắt cơn không đỡ … thì phải chuyển sớm đi bệnh viện. Trên đường vận chuyển, cho thở oxy liên tục.

Điều kiện chuyển tuyến sau

– Bệnh nhân tạm thời ổn định; hết cơn khó thở, mạch đều rõ, huyết áp tối đa >90mmHg có thể chuyển bệnh nhân về tuyến sau.

– Nếu bệnh nhân vẫn còn nặng, điều kiện vận chuyển khó khăn, phải mời tuyến sau lên chi viện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top