Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện dịch nhầy đường hô hấp như:
Cảm lạnh và cảm cúm: Nhiễm trùng do virus thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tiết nhiều dịch nhầy trong đường dẫn khí. Đây là những bệnh lý cấp tính và do nguyên nhân là virus nên có thể không cần điều trị mà vẫn khỏi nhưng phải mất vài ngày. Ngay cả khi các triệu chứng chính đã hết nhưng tăng tiết chất nhầy có thể vẫn còn.
Viêm phổi: Dù là viêm phổi nhưng cũng có nhiều loại khác nhau và tình trạng tăng tiết dịch nhầy ở mỗi người bệnh cũng khác nhau. Khi bị viêm phổi, chất nhầy (đờm) sẽ ứ đọng trong phổi. Điều này làm người bệnh có thể khó thở.
Bệnh hen suyễn: Bệnh đường hô hấp mạn tính này có thể gây ra tăng tiết chất nhầy quá mức trong cổ họng. Khó thở, thở khò khè, tức ngực và ho là những triệu chứng phổ biến khác của bệnh hen suyễn. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi chất nhầy dư thừa tích tụ trong đường hô hấp và làm hẹp đường thở.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Viêm phế quản mạn tính hoặc khí phế thũng là hai loại bệnh lý liên quan với COPD, cả hai đều có khả năng tạo ra chất nhầy quá mức, gây ho dai dẳng. Chất nhầy có thể trở nên nghiêm trọng đến nỗi có thể dẫn đến nghẹt thở trong khi ngủ. Vì thế cần ngừng hút thuốc ngay để giảm sự tiến triển bệnh COPD.
Dịch nhầy trong đường hô hấp gây khó thở và ho dai dẳng là những vấn đề có thể gây khó chịu cho người bệnh. Việc xác định được nguyên nhân cơ bản luôn giúp giải quyết vấn đề một cách tốt hơn. Nhưng cũng có thể thực hiện các bước đơn giản để giúp giảm bớt và loại bỏ chất nhầy ra khỏi hệ thống hô hấp.
Thử dùng nước muối súc miệng 3 lần mỗi ngày để loại bỏ đờm. Nên thực hiện việc này trong ít nhất 15 ngày để đạt được kết quả tích cực.
Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước. Điều này cũng giúp làm loãng chất nhầy và làm cho dễ tống xuất chất nhầy ra khỏi hệ thống hô hấp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh