✴️ Hô hấp ký là gì và hoạt động như thế nào?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp gây ra do tình trạng luồng không khí bị cản trở khi di chuyển trong phổi. Xét nghiệm đo chức năng hô hấp còn gọi là hô hấp ký sẽ cho biết phổi của một người đang hoạt động như thế nào, giúp chẩn đoán và phân loại mức độ nặng của COPD.

Hô hấp ký là một công cụ có giá trị để chẩn đoán một số bệnh lý ảnh hưởng đến hô hấp.

Hô hấp ký đo lượng không khí mà một người có thể thở ra sau khi hít vào sâu. Phương pháp này không gây đau đớn và thường mất ít hơn 10 phút. Sau khi thực hiện, người đo có thể cảm thấy lâng lâng hoặc mệt mỏi.

Hô hấp ký là gì?

Hô hấp ký là phương pháp kiểm tra nhịp thở tiêu chuẩn để chẩn đoán COPD.

Các bác sĩ sử dụng nó để:

  • Phát hiện COPD ở những người tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá cho dù họ có triệu chứng hay không
  • Xác nhận tắc nghẽn đường thở
  • Xác định mức độ nghiêm trọng của tắc nghẽn luồng không khí trong COPD
  • Giúp thiết lập mục tiêu điều trị
  • Theo dõi đáp ứng điều trị
  • Giúp dự đoán kết quả và dự hậu lâu dài.

Cách hoạt động của máy hô hấp ký

Khi thực hiện đo hô hấp ký, người đo thổi không khí vào một đường ống  gắn vào một máy vi tính nhỏ.

Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh hít vào sâu, sau đó thở ra mạnh và nhanh, lặp lại nhiều lần. Sau đó, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc choáng váng.

Máy đo hiển thị lượng không khí mà người đó thổi ra cũng như tốc độ thổi. Các chỉ số đo này đưa ra thông tin chính xác về chức năng phổi của người bệnh.

Các chỉ số hô hấp ký

Hít vào đầy đủ sau đó là thở ra gắng sức để máy đo hô hấp ký ghi nhận các chỉ số sau:

  • Dung tích sống gắng sức (FVC): Đây là thể tích không khí mà một người có thể gắng sức thở ra trong một lần thở. Chỉ số khác với dung tích sống, là lượng không khí tối đa mà một người có thể thở ra sau khi hít vào thật sâu, cho dù họ có gắng sức thở ra hay không.
  • Thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây (FEV1): Đây là thể tích không khí mà một người có thể thở ra trong giây đầu tiên của một lần thở ra gắng sức.
  • Tỷ lệ FEV1 so với FVC (FEV1 / FVC): Tỷ lệ này cùng với FVC và FEV1, là các chỉ số đo chính mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán COPD.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán COPD, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, bệnh sử của người bệnh và kết quả đo hô hấp ký cũng như các xét nghiệm khác của họ.

Một số triệu chứng bệnh COPD là:

  • Ho mãn tính
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Môi và móng tay nhợt nhạt
  • Thở khò khè
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên
  • Tăng tiết đờm

Bác sĩ có thể đặt câu hỏi thêm về bệnh sử như:

  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc
  • Tiếp xúc với hóa chất hoặc ô nhiễm không khí
  • Các thành viên trong gia đình có bị COPD hay không

Bên cạnh phương pháp đo hô hấp ký, một số xét nghiệm chẩn đoán khác bao gồm chụp X-quang ngực để xem hình ảnh của phổi và các cấu trúc khác trong lồng ngực, khí máu động mạch để đo lượng oxy trong máu.

Theo dõi tiến triển của các giai đoạn COPD bằng hô hấp ký

Các hướng dẫn mới về phân giai đoạn COPD dựa trên hai yếu tố: mức độ tắc nghẽn luồng khí và các triệu chứng. Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng tắc nghẽn luồng khí bằng cách sử dụng hô hấp ký để đo FEV1.

Phân độ nghiêm trọng tắc nghẽn luồng không khí dựa vào:

>Giai đoạn

>FEV>1

GOLD 1

> 80

GOLD 2

50-70

GOLD 3

30-49

GOLD 4

< 30

 

Bác sĩ cũng đánh giá bệnh sử triệu chứng của người bệnh và phân loại bằng cách sử dụng thang điểm mMRC (the Modified Medical Research Council) hoặc CAT (the COPD assessment test):

Tiền sử đợt cấp trung bình hoặc nặng

 

 

≥ 2 đợt cấp hoặc ≥1 đợt cấp phải nhập viện

C

D

0-1 đợt cấp, không phải nhập viện

A

B

 

mMRC 0-1

CAT < 10

mMRC ≥ 2

CAT ≥ 10

Ví dụ, nếu một người có FEV1 < 30, điểm CAT < 10 và đã trải qua một hoặc nhiều đợt cấp trung bình, bác sĩ sẽ mô tả giai đoạn của họ là GOLD 4 nhóm C.

Hô hấp ký giúp điều trị COPD như thế nào?

Một bài báo nghiên cứu vào năm 2014 cho rằng có hay không triệu chứng không phải là yếu tố đáng tin cậy trong COPD vì các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khi tình trạng bệnh đã tiến triển.

Theo bài báo nghiên cứu, hô hấp ký có thể giúp chẩn đoán sớm COPD vì các bất thường trên hô hấp ký xuất hiện trước cả những triệu chứng. Người bệnh được chẩn đoán càng sớm thì càng được điều trị tốt hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nếu đo chức năng hô hấp cho thấy bị COPD, điều quan trọng nhất người bệnh có thể làm là bỏ thuốc lá và tránh ngửi khói thuốc.

Người bệnh cũng được khuyên tập phục hồi chức năng phổi, là một chương trình được cá nhân hóa gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và các kỹ thuật giảm tiêu hao năng lượng.

Ngoài ra, CDC liệt kê các loại thuốc sau để điều trị:

  • Thuốc giãn phế quản: giúp giãn các cơ trong đường hô hấp giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.
  • Steroid: kháng viêm và giảm phù nề đường hô hấp.
  • Thuốc kháng sinh: điều trị nhiễm trùng đường hô hấp.

Một số phương pháp điều trị COPD nặng là liệu pháp oxy và phẫu thuật. Liệu pháp oxy giúp những người bị COPD nặng, những người có lượng oxy thấp thở tốt hơn. Phẫu thuật có thể là ghép phổi hoặc cắt bỏ các phần phổi bị bệnh.

Tóm lại

Khi một người có các triệu chứng về hô hấp và tiền sử bệnh gợi ý, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp đo hô hấp ký để giúp chẩn đoán COPD.

Hô hấp ký cho biết tiến triển của bệnh COPD, kết hợp với mức độ triệu chứng và tiền căn đợt cấp, giúp các bác sĩ lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top