✴️ Những điều cần biết về loạn sản phế quản phổi

Nội dung

Trẻ sinh rất non thường có phổi kém phát triển và đôi khi các phương pháp điều trị hỗ trợ hô hấp cho trẻ có thể làm cho phổi tổn thương nặng hơn. Mặc dù BPD xuất hiện ngay sau khi sinh nhưng bệnh này không phải là bệnh lí bẩm sinh. Thay vào đó, các phương pháp điều trị cho tình trạng hô hấp lúc sinh chẳng hạn như thở máy, cũng có thể làm phổi bị tổn thương.

Cung cấp một lượng lớn khí oxy có thể làm tổn thương các phế nang trong phổi. Các tổn thương này có thể để lại di chứng lâu dài kể cả khi trẻ đã được xuất viện.

Mức độ nghiêm trọng của BPD thay đổi khác nhau ở mỗi trẻ. Một số trẻ bị khó thở, chậm phát triển hoặc tổn thương tim, trong khi những trẻ khác ít có triệu chứng hoặc các triệu chứng gần như biến mất.

Hãy cùng đọc tiếp để hiểu thêm về chứng loạn sản phế quản phổi, nguyên nhân, triệu chứng, các giai đoạn của bệnh và nhiều hơn thế nữa.

Loạn sản phế quản phổi là gì?

Một số trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh non và những trẻ bị hội chứng suy hô hấp khi mới sinh, sinh ra với 2 lá phổi chưa phát triển đầy đủ. Do đó, những trẻ này có thể cần điều trị về hô hấp, chẳng hạn như thở máy.

Mặc dù các phương pháp điều trị hô hấp giúp cứu sống trẻ nhưng cũng khiến phổi đang phát triển tràn ngập oxy, gây tình trạng sưng và viêm nhiễm. Hậu quả là các phế nang bị tổn thương.

BPD cũng có thể làm tổn thương các mạch máu bên trong phổi, khiến máu khó vận chuyển oxy đến và đi từ phổi. Một số trẻ mắc chứng BPD bị tăng huyết áp động mạch phổi, là một dạng huyết áp cao trong các mạch máu ở phổi.

Tổn thương này đối với phổi đang phát triển có thể gây ra các vấn đề hô hấp tiến triển. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh thậm chí có thể gây tử vong. Trong năm đầu tiên của cuộc đời, 50% trẻ sơ sinh phải quay lại bệnh viện sau khi sinh. Khó thở cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ dẫn đến chậm phát triển.

Nguyên nhân

BPD xảy ra khi phổi chưa hoàn thiện cần điều trị về hô hấp như thở máy. Phương pháp điều trị tích cực này có thể làm tổn thương các túi khí đang phát triền của phổi. Mặc dù thở máy là nguyên nhân tức thì của BPD nhưng có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ cần phải thở máy, bao gồm:

  • Sinh non, đặc biệt nếu trẻ không được sử dụng corticoid để trưởng thành phổi trước khi sinh;
  • Bị thiếu oxy khi sinh;
  • Các bất thường về di truyền ở phổi;
  • Bị suy hô hấp;
  • Không nhận được đầy đủ dinh dưỡng;
  • Bị nhiễm trùng khi sinh.

Trong một số trường hợp, các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ em bé mắc chứng BPD, bao gồm nhiễm trùng và các biến chứng do thai nghén gây ra như tiền sản giật.

Triệu chứng

Các bác sĩ chẩn đoán BPD dựa trên các vấn đề về sự phát triển phổi của trẻ.

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh, độ tuổi khi sinh, phương pháp điều trị cho trẻ và các yếu tố khác. Tuy nhiên, có các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến như sau:

  • Tăng áp phổi;
  • Các vấn đề tim mạch gồm cả suy tim;
  • Khó cho ăn;
  • Tăng trưởng chậm;
  • Chậm phát triển;
  • Các vấn đề về giác quan, như các vấn đề về thị giác hoặc thính giác.

Các giai đoạn

Trước đây các bác sĩ đã sử dụng hệ thống phân giai đoạn để mô tả sự tiến triển của BPD. Tuy nhiên, cộng đồng y khoa không còn coi BPD là một rối loạn tiến triền trải qua nhiều giai đoạn nữa.

Mặc dù chẩn đoán giai đoạn BPD không cho biết nhiều về mức độ mắc bệnh của trẻ hoặc tiên lượng bệnh nhưng các bác sĩ có thể phân giai đoạn để xác định mức độ trầm trọng của bệnh này.

Các giai đoạn của BPD là:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn này là giai đoạn suy hô hấp cấp, tức là trẻ bị khó thở và không được cung cấp đủ oxy. Giai đoạn này cần đến các biện pháp can thiệp có thể gây ra BPD;
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn 2 cho thấy phổi bị sưng phù do điều trị oxy;
  • Giai đoạn 3 và 4: 2 giai đoạn này đánh dấu giai đoạn mãn tính của bệnh, trong đó tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở phổi và trẻ có thể bị tăng áp động mạch phổi, khó thở và các triệu chứng tương tự.

Điều trị

Một số biện pháp phòng ngừa có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng BPD ở trẻ sinh non và trẻ có nguy cơ mắc bệnh. Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp năm 2016 cho thấy nguy cơ bị BPD thấp hơn ở những trẻ được điều trị hô hấp ít xâm lấn hơn.

Một cách phòng ngừa khác là giảm nguy cơ sinh non bằng cách đảm bảo chăm sóc tiền sản liên tục và điều trị kịp thời đối với bất kì tình trạng y khoa nào xảy ra trong thai kỳ. Nếu cần thiết phải sinh non, điều trị steroid cho phụ nữ mang thai trước khi sinh cũng có thể làm giảm nguy cơ gặp các vấn đề hô hấp dẫn đến BPD.

Không có cách chữa trị cho BPD. Thay vào đó, điều trị tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng như trưởng thành phổi. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Chế độ dinh dưỡng tốt: trẻ bị BPD cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt và sữa mẹ được ưu tiên hơn sữa công thức nếu có thể. Hầu hết trẻ sơ sinh cần 140-150 calo mỗi ngày;
  • Các biện pháp thông khí thận trọng hơn: Trẻ bị suy hô hấp đôi khi cần nhiều oxy hơn những người bình thường. Các bác sĩ cân nhắc sử dụng biện pháp thông khí khi cần thiết cũng như sử dụng ít oxy hơn và các phương pháp ít xâm lấn hơn nếu có thể;
  • Điều trị nội khoa: Một số loại thuốc, như steroid, thuốc giãn phế quản và thuốc lợi tiểu, có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của BPD hoặc giảm nguy cơ trẻ mắc BPD khi cần được thông khí.
  • Chăm sóc y tế liên tục: Trẻ sơ sinh mắc BPD cần được đánh giá liên tục bởi bác sĩ có chuyên môn về tình trạng này. Một số trẻ sẽ cần hỗ trợ thêm, như liệu pháp hô hấp hay điều trị để kiểm soát tình trạng chậm phát triển.

Tiên lượng

Tiên lượng của trẻ sơ sinh mắc BPD đã được cải thiện đáng kể. Ngay cả những trẻ sinh non cũng có tỉ lệ sống sót cao. Nhận thức cao hơn về các nguy cơ liên quan đến BPD cũng đã giúp giảm mức độ phổ biến của bệnh.

Một phân tích năm 2016 lấy dữ liệu từ những trẻ sinh rất non trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2010 cho thấy 75% những trẻ được sinh ra từ tuần 23-24 mắc BPD và có 73,9% trong số đó sống sót. Trong số những trẻ sinh ở tuần thứ 25-26, kết quả thậm chí còn tốt hơn, với 41,7% mắc BPD và 85,1% sống sót.

Ngay cả sau khi điều trị và xuất viện, trẻ sơ sinh mắc chứng BPD vẫn có thể gặp các vấn đề về hô hấp vì BPD gây tổn thương phổi. Sinh non cũng là một yếu tố nguy cơ khiến trẻ chậm phát triển.

Tổng kết

Sinh non có thể đáng lo ngại, đặc biệt khi trẻ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về phổi như BPD.

Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non đã được cải thiện rất nhiều và các bác sĩ đã hiểu rõ hơn về BPD hơn bao giờ hết.

Trong thời kỳ mang thai, nếu bạn lo lắng về các vấn đề tiềm ẩn ở phổi nên đi khám bác sĩ để được tư vấn liệu bạn có tăng nguy cơ sinh non hay không và cân nhắc những ưu nhược điểm của việc điều trị steroid trước sinh.

Một bác sĩ có chuyên môn về chăm sóc trẻ sinh non có thể giúp cha mẹ hoặc người chăm sóc đưa ra quyết định về các phương pháp điều trị phù hợp, cũng như mỗi phương pháp có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc BPD như thế nào.

Mặc dù BPD là một tình trạng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng, nhưng hầu hết trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sẽ khỏi bệnh và hồi phục.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top