✴️ Những điều cần biết về nhiễm toan hô hấp

Nội dung

Nhiễm toan hô hấp là gì?

Nhiễm toan hô hấp xảy ra khi phổi không thể thải đủ carbon dioxide (CO2) mà cơ thể tạo ra. CO2 dư thừa làm cho độ pH của máu và các chất lỏng khác trong cơ thể giảm xuống.

Thông thường, cơ thể có thể cân bằng các ion kiểm soát nồng độ axit. Các bác sĩ đo sự cân bằng này trên thang độ pH từ 0 đến 14. Độ pH an toàn trong máu nằm trong khoảng từ 7,35 đến 7,45 và nhiễm toan xảy ra khi độ pH của máu giảm xuống dưới 7,35.

Nhiễm toan hô hấp thường xảy ra do một bệnh lý tiềm ẩn có từ trước. Tình trạng này còn được gọi là suy hô hấp.

Bình thường, phổi nhận oxy và thở ra khí CO2. Oxy đi từ phổi vào máu và CO2 đi theo con đường khác để loại bỏ dưới dạng chất thải. Tuy nhiên, đôi khi phổi không thể thải đủ CO2. Điều này có thể do giảm tốc độ hô hấp hoặc chuyển động không khí do một bệnh lý như:

  • Hen suyễn;

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD);

  • Viêm phổi;

  • Chứng ngưng thở lúc ngủ.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các loại khác nhau của tình trạng nhiễm toan hô hấp, các triệu chứng và các bệnh lý có thể góp phần gây ra tình trạng này.

 

Các loại nhiễm toan hô hấp

Có hai loại nhiễm toan hô hấp: cấp tính và mãn tính.

Nhiễm toan hô hấp cấp tính

Nhiễm toan hô hấp cấp tính xảy ra sau khi nồng độ CO2 đột ngột tăng đạt đỉnh khi cơ thể của bạn thải CO2 trở nên kém hiệu quả hơn. Loại này có thể diễn ra rất nhanh và đủ điều kiện là một trường hợp cấp cứu y khoa. Nếu không điều trị, các triệu chứng sẽ ngày càng nặng hơn và có thể đe dọa đến tính mạng.

Nhiễm toan hô hấp mãn tính

Một số thụ thể hóa học nhất định trong não tự cảnh báo về tình trạng tăng CO2 và kiểm soát hô hấp của cơ thể hoặc cách cơ thể thải khí thải trong máu. Khi các thụ thể này trở nên kém nhạy cảm hơn, chúng có thể không nhận ra tình trạng nồng độ CO2 tăng cao, dẫn đến nhiễm toan hô hấp mãn tính.

Loại này tiến triển theo thời gian và không gây ra triệu chứng. Thay vào đó, cơ thể bạn thích nghi với nồng độ axit tăng cao. Ví dụ, thận sản xuất nhiều bicarbonate hơn để giúp duy trì sự cân bằng axit của cơ thể.

Nhiễm toan hô hấp mãn tính có thể không gây ra triệu chứng.

Nhiễm toan hô hấp cấp tính và mãn tính

Một số người bị nhiễm toan hô hấp mãn tính và mắc một bệnh đồng thời ảnh hưởng đến đường hô hấp. Điều này có thể làm cho tình trạng mãn tính của bạn trở nặng hơn, ngay cả khi bạn chưa bao giờ gặp các triệu chứng trước đó. Các bác sĩ phân loại đây là một dạng kết hợp.

 

Các triệu chứng của nhiễm toan hô hấp

Các dấu hiệu ban đầu của nhiễm toan hô hấp cấp tính gồm:

  • Khó thở;

  • Đau đầu;

  • Thở khò khè;

  • Lo âu;

  • Nhìn mở;

  • Bồn chồn;

  • Bàn tay và bàn chân có màu xanh lam (nếu nồng độ oxy cũng thấp).

Nếu không được điều trị hoặc ở những người có tình trạng nhiễm toan hô hấp nặng, các triệu chứng khác có thể xảy ra như:

  • Buồn ngủ hoặc mệt mỏi;

  • Lơ mơ;

  • Mê sảng;

  • Vận động cơ không chủ ý và co giật;

  • Có thể có động kinh;

  • Thay đổi tính cách;

  • Hôn mê sâu.

Nhiễm toan hô hấp mãn tính thường không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Các dấu hiệu có thể xảy ra gồm:

  • Mất trí nhớ;

  • Vấn đề về phối hợp;

  • Tăng lưu thông các tế bào hồng cầu trong cơ thể, còn được gọi là bệnh đa hồng cầu;

  • Huyết áp cao trong các động mạch xung quanh phổi, còn được gọi là chứng tăng áp động mạch phổi;

  • Suy tim;

  • Buồn ngủ và đau đầu do chứng ngưng thở khi ngủ gây tắc nghẽn (OSA).

 

Các nguyên nhân phổ biến của nhiễm toan hô hấp

Phổi và thận là những cơ quan chính giúp điều chỉnh độ pH trong máu. Phổi đào thải axit bằng các thở ra CO2 và thận bài tiết axit qua nước tiểu. Thận cũng điều chỉnh nồng độ bicarbonate trong máu (một bazơ, nằm ở đầu kia của phổ pH trái ngược với axit).

Nhiễm toan hô hấp thường xảy ra do một bênh lý ở phổi ảnh hưởng đến việc hít thở điển hình hoặc gây suy giảm khả năng thải CO2 của phổi.

Các nguyên nhân của nhiễm toan hô hấp cấp tính

Một số nguyên nhân thường gặp của dạng cấp tính là:

  • COPD;

  • Khí thủng phổi;

  • Hen suyễn;

  • Viêm phổi;

  • Các bênh lý ảnh hưởng đến nhịp thở;

  • Yếu cơ ảnh hưởng đến hô hấp hoặc việc hít thở sâu;

  • Tắc nghẽn đường thở (do nghẹt thở hoặc các nguyên nhân khác);

  • Lạm dụng các loại thuốc như opioid gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Các nguyên nhân của nhiễm toan hô hấp mãn tính

Những nguyên nhân thường gặp của nhiễm toan hô hấp mãn tính là:

  • Hen suyễn;

  • COPD;

  • Phù phổi cấp;

  • Béo phì độ nặng cản trở sự giãn nở của phổi;

  • Rối loạn thần kinh cơ (chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng, hội chứng Guillain-Barré hoặc chứng loạn dưỡng cơ);

  • Vẹo cột sống;

  • Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS).

Các nguyên nhân phổ biến của nhiễm toan hô hấp

 

Chẩn đoán nhiễm toan hô hấp

Mục đích của các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm toan hô hấp là:

  • Để kiểm tra sự mất cân bằng pH;

  • Để xác định mức độ nghiêm trọng của sự mất cân bằng này;

  • Để tìm ra bênh lý gây mất cân bằng pH.

Một số công cụ có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán nhiễm toan hô hấp.

Đo khí máu

Khí máu là một loạt các xét nghiệm dùng để đo lượng oxy và CO2 trong máu.

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ lấy mẫu máu từ động mạch của bạn. Nồng độ CO2 cao có thể chỉ ra tình trạng nhiễm toan.

Chất điện giải

Xét nghiệm điện giải là một nhóm các xét nghiệm đo nồng độ của một số khoáng chất và muối trong cơ thể của bạn, bao gồm:

  • Natri;

  • Kali;

  • Clorua;

  • Bicarbonate.

Một hoặc nhiều chất điện giải sẽ cao hơn hoặc thấp hơn bình thường ở những người bị rối loạn axit-bazơ như nhiễm toan hô hấp.

Kiểm tra chức năng phổi

Người bị nhiễm toan hô hấp đã bị suy giảm chức năng phổi. Một số xét nghiệm có thể giúp bác sĩ đo lường sự hiệu quả của phổi khi đang thực hiện các chức năng sau:

  • Di chuyển khí vào và ra khỏi phổi;

  • Vận chuyển oxy vào máu;

  • Giữ đủ khí.

Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Hô hấp ký: Chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ cho bạn hít vào và thở ra vào một thiết bị chuyên dụng gọi là phế dung kế. Phép đo này giúp đo lường lượng khí di chuyển ra vào phổi và lượng khí di chuyển khi thực hiện.

  • Đo thể tích phổi: Bạn ngồi trong một buồng kín gió và hít thở sâu. Lượng khí mà phổi của bạn hít vào sẽ ảnh hưởng đến áp suất không khí, cho phép chuyên gia chăm sóc sức khỏe đo lượng khí mà phổi bạn có thể chứa được.

  • Thử nghiệm khuếch tán khí: Bạn sẽ hít thở một lượng carbon monoxide an toàn thông qua một ống ngậm được gắn vào máy. Từ đó, bác sĩ có thể đo lường mức độ hiệu           quả của phổi bằng cách truyền khí vào máu.

  • Test gắng sức: Thử nghiệm này bao gồm việc chạy trên máy chạy bộ hoặc sử dụng xe đạp thể dục trong khi màn hình theo dõi huyết áp, oxy trong máu và nhịp tim của bạn. Bài tập thể dục cho biết phổi của bạn hoạt động như thế nào khi bạn đang gắng sức.

Chụp X--quang phổi

Phim X-quang phổi có thể giúp bác sĩ nhìn thấp những tổn thương, vấn đề ở cơ hoặc xương có thể gây nhiễm toan hô hấp.

Các xét nghiệm khác

Dựa trên kết quả của các xét nghiệm này, bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm khác để giúp chẩn đoán bệnh lý gây nhiễm toan hô hấp.

Một tình trạng khác, được gọi là nhiễm toan chuyển hóa, có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm để chắc chắn rằng vấn để chỉ ở đường hô hấp. Các xét nghiệm này đo lượng axit trong cơ thể (có thể là do suy thận, đái tháo đường hoặc các bệnh lý khác gây ra) và cả lượng glucose, lactate và ketone.

Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Xét nghiệm chất gây nghiện;

  • Công thức máu toàn bộ (CBC);

  • Xét nghiệm nước tiểu.

 

Điều trị nhiễm toan hô hấp

Có nhiều cách điều trị nhiễm toan hô hấp

Điều trị nhiễm toan hô hấp cấp tính

Điều trị nhiễm toan hô hấp cấp tính thường liên quan đến việc giải quyết nguyên nhân. Bạn sẽ được điều trị càng sớm càng tốt vì nhiễm toan hô hấp cấp tính là một trường hợp cấp cứu y khoa.

Chẳng hạn, bác sĩ có thể cần được cung cấp các biện pháp can thiệp giúp thông thoáng đường thở của bạn, như thuốc giãn phế quản.

Bạn cũng có thể cần hô hấp nhân tạo thông qua một máy như BiPAP giúp hỗ trợ thở và vận chuyển khí mà không cần đến đặt ống xâm lấn.

Điều trị nhiễm toan hô hấp mãn tính

Nếu bạn bị nhiễm toan hô hấp mãn tính, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ tập trung vào việc kiểm soát bênh lý tiềm ẩn để tránh các biểu hiện cấp tính của nhiễm toan hô hấp.

Mục đích điều trị là cải thiện chức năng đường thở. Một số loại thuốc điều trị nhiễm toan hô hấp gồm:

  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng;

  • Thuốc lợi tiểu để giảm tích tụ dịch thừa trong tim và phổi;

  • Thuốc giãn phế quản để mở rộng đường thở;

  • Corticosteroid để giảm viêm;

  • Thở máy để hỗ trợ thở cho những người bị nhiễm toan hô hấp nặng.

 

Tiên lượng

Nhiễm toan hô hấp có nhiều nguyên nhân, vì vậy rất khó để khái quát hóa tiên lượng lâu dài.

Tiên lượng phần lớn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và bác sĩ có thể cho bạn biết về những gì có thể xảy ra sau khi kiểm tra các triệu chứng về thể chất cũng như thực hiện các xét nghiệm.

Khi nào cần cấp cứu ngay đối với nhiễm toan hô hấp cấp tính

Nhiễm toan hô hấp cấp tính có thể gây tử vong. Hãy đến bệnh viện cấp cứu nếu bạn:

  • Cảm thấy đột ngột khó thở;

  • Có tắc nghẽn trong đường thở;

Cấp cứu đặc biệt quan trọng nếu bạn đã bị nhiễm toan hô hấp mãn tính hoặc bất kỳ bệnh phổi tiềm ẩn nào.

 

Cách ngăn ngừa nhiễm toan hô hấp

Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm toan là tránh các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh.

Ngưng hút thuốc lá

Chọn lối sống không khói thuốc có thể có ích. Những người hút thuốc có nguy cơ cao bị nhiễm toan hô hấp mãn tính. Hút thuốc có hại cho chức năng của phổi, Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và có thể tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống nói chung.

Kiểm soát cân nặng

Một số người bị béo phì có thể mắc hội chứng giảm thông khí do béo phì (OHS) (còn được gọi là hội chứng Pickwickian), có thể là nguyên nhân cơ bản gây nhiễm toan hô hấp.

Thận trọng khi dùng thuốc an thần

Thuốc an thần có thể cản trở khả năng hô hấp của bạn. Hệ thống thần kinh đóng vai trò quan trọng trong cơ chế hô hấp và thuốc an thần gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Khi bạn đang dùng thuốc an thần, các biện pháp sau có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe đường hô hấp của mình:

  • Luôn đọc và dùng thuốc theo hướng dẫn trên nhãn;

  • Không bao giờ dùng nhiều hơn liều quy định;

  • Tránh trộn thuốc an thần với rượu vì có thể gây tử vong;

Không thể ngăn ngừa một số nguyên nhân gây nhiễm toan hô hấp. Tuy nhiên, các biện pháp trên có thể giúp bạn giảm nguy cơ rơi vào tình trạng cấp tính cần được cấp cứu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top