✴️ Những điều cần biết về suy gan

Gan có nhiều chức năng. Các chức năng quan trọng nhất bao gồm: sản xuất mật, dự trữ glycogen và loại bỏ các chất độc ra khỏi máu.

Suy gan có thể là tình trạng mạn tính hay cấp tính. Ở những người mắc suy gan cấp tính, gan mất chức năng rất nhanh chóng. Ở những người mắc suy gan mạn tính, gan mất chức năng dần dần trong một thời gian dài.

Bài viết này sẽ bàn luận chi tiết hơn về suy gan cấp và mạn tính, bao gồm: những giai đoạn của bệnh gan, nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp điều trị và phòng chống của nó.

Các giai đoạn của bệnh gan

Việc hiểu được sự khác biệt giữa bệnh gan và suy gan là rất quan trọng. Bệnh gan là để nói về bất cứ tình trạng nào gây tổn thương đến gan và có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của gan.

Suy gan là thuật ngữ nói về gan đã mất đi một số hoặc toàn bộ các chức năng của nó. Bệnh gan thường có thể dẫn đến suy gan. Theo Tổ chức Gan Mỹ, bệnh gan có xảy ra theo một chuỗi các giai đoạn và cuối cùng có thể dẫn đến suy gan.

Viêm

Trong suốt các giai đoạn sớm của bệnh gan, bệnh nhân có thể bị viêm gan. Thường không có bất cứ biểu hiện khó chịu hay triệu chứng nào trong suốt giai đoạn viêm.

Tuy nhiên, nếu không điều trị, viêm có thể tiếp tục và bắt đầu gây ra các tổn thương vĩnh viễn ở gan.

Xơ hóa

Nếu không được điều trị, gan bị viêm có thể bắt đầu xuất hiện sẹo. Sự tích tụ của các mô sẹo trên gan được gọi là xơ hóa gan. Theo thời gian, các mô sẹo sẽ chiếm chỗ của các mô gan bình thường. Khi mô sẹo tích tụ nhiều, gan sẽ bắt đầu thực hiện các chức năng của mình kém dần. Hơn nữa, các mô sẹo có thể làm gián đoạn các dòng máu chảy qua gan.

Nếu như bệnh nhân được bắt đầu điều trị ở giai đoạn này, gan có thể có khả năng hồi phục lại.

Xơ gan

Ở giai đoạn này, các mô sẹo xơ cứng đã hoàn toàn thế chỗ các tế bào mềm khỏe mạnh của gan. Bệnh nhân thường bắt đầu cảm nhận được các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn này. Xơ gan có thể dẫn đến một vài biến chứng, bao gồm cả ung thư gan.

Nếu không được điều trị, xơ gan có thể trở nên tồi tệ hơn. Kết quả là gan có thể dừng hoạt động hoàn toàn.

Mặc dù điều trị có thể dừng hay tạm hoãn tổn thương gan, nhưng không thể nào làm cho gan quay ngược về tình trạng khỏe mạnh ban đầu.

Bệnh gan giai đoạn cuối (ESLD)

Đến lúc này thì các chức năng của gan đã bị hủy hoại đến mức nếu như không được ghép gan thì bệnh nhân có thể tử vong.

Một số bác sĩ xem ESLD như là suy gan mạn. Tỉ lệ tử vong trung bình của bệnh nhân ESLD phụ thuộc vào các triệu chứng và biến chứng của bệnh nhân.

Những bệnh nhân bị xơ gan cổ trướng (có dịch tích tụ trong ổ bụng), có tỉ lệ tử vong trung vị là 6 tháng nếu như không đáp ứng với điều trị.

ESLD còn dẫn đến một số biến chức khác, như bệnh não gan, gây ảnh hưởng chức năng não. Nếu các bệnh nhân rơi vào trường hợp này mà không đáp ứng với điều trị thì tỉ lệ tử vong trung bình là 12 tháng.

các bệnh ở gan

Các nguyên nhân

Các nguyên nhân gây ra suy gan cấp khác với suy gan mạn.

Ở một số trường hợp, nguyên nhân gây ra suy gan có thể không xác định được.

Suy gan cấp

Các nguyên nhân có thể gây ra suy gan cấp bao gồm:

  • Quá liều thuốc: Dùng quá liều một số thuốc, như acetaminophen, có thể dẫn đến suy gan cấp.
  • Bệnh Wilson: Ở những người có tình trạng di truyền này, cơ thể họ tích tụ một lượng lớn đồng.
  • Hội chứng Reye: Tình trạng này thường ảnh hưởng đến trẻ đang trong giai đoạn hồi phục sau khi nhiễm siêu vi. Tình trạng này gây ra sưng phù ở gan và não. Một nghiên cứu năm 2018 nhận thấy rằng, cũng giống như aspirin, một vài loại cúm có thể gây ra hội chứng Reye.
  • Gan nhiễm mỡ cấp trong lúc mang thai: Tình trạng hiếm gặp này xảy ra vào tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ, khi các tế bào không thể phân hủy được các acid béo. Rối loạn chức này dẫn đến chất béo tích tụ dần trong gan và các cơ quan khác.
  • Hội chứng Budd-Chiari: Trong bệnh hiếm gặp này, các tĩnh mạch trong gan bị hẹp là hoặc bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Suy gan mạn

Nguyên nhân thường gặp gây suy gan mạn là bệnh gan do rượu, tình trạng này là do bệnh nhân sử dụng quá nhiều thức uống có cồn trong một khoảng thời gian dài. Thức uống có cồn là nguyên nhân của hơn một nửa số tử vong do xơ gan tại Mỹ.

Một nguyên nhân khác nữa là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Thuật ngữ này bao trùm một số các tình trạng gây ra sự tích tụ mỡ tại gan. Nguy cơ của NAFLD cao hơn ở các bệnh nhân béo phì, cholesterol cao, hoặc Đái tháo đường type 2.

Cấp và mạn

Nếu không được điều trị, viêm gan có thể dẫn đến suy gan cấp hoặc mạn. Theo Tổ chức Gan Mỹ, Viêm gan C là một trong các nguyên nhân gây xơ gan thường gặp nhất.

Tiếp xúc với một số hóa chất độc hại cũng có thể dẫn đến suy gan cấp hoặc mạn.

Các triệu chứng

Suy gan mạn là một tình trạng cần cấp cứu y khoa, và bệnh nhân nên đi cấp cứu ngay nếu như có các triệu chứng sau:

  • Tiêu chảy

  • Buồn nôn

  • Khó chịu ở hạ sườn phải

  • Lú lẫn

  • Mệt mỏi

  • Có dịch trong ổ bụng

  • Nôn ra máu

Bệnh gan mạn diễn tiến chậm hơn cấp. Ban đầu, bệnh nhân có thể không cảm nhận được các triệu chứng.

Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể bắt đầu có các triệu chứng sớm như:

  • Mệt mỏi

  • Cảm giác yếu trong người

  • Chán ăn

  • Buồn nôn

  • Nôn

  • Đau bụng

Các bệnh nhân ở các giai đoạn sau của bệnh gan có thể có các triệu chứng:

  • Vàng da

  • Lú lẫn

  • Dễ bị bầm hoặc chảy máu

  • Phù ở chân hoặc bụng

  • Nước tiểu sẫm màu

  • Ngứa

  • Nôn ra máu

Các biện pháp điều trị

Điều trị bệnh gan tùy thuộc vào giai đoạn và nguyên nhân nền của bệnh. Nếu như bệnh nhân được điều trị ở giai đoạn viêm hoặc xơ hóa, có khả năng có thể đảo ngược được các tổn thương.

Tuy nhiên, nếu như điều trị ở các giai đoạn sau của bệnh gan, chỉ có thể làm chậm lại hay ngừng bệnh diễn tiến xấu hơn, với mục tiêu là kéo dài sự sống của bệnh nhân.

Các biện pháp điều trị dành cho bệnh nhân bị bệnh gan cấp hoặc mạn bao gồm:

  • Các thuốc kháng siêu vi: Nếu như nguyên nhân của bệnh gan là viêm gan siêu vi, bệnh nhân có thể cần phải dùng thuốc kháng siêu vi.

  • Thuốc ức chế miễn dịch: Loại thuốc này rất cần thiết cho các bệnh nhân mắc bệnh gan tự miễn.

  • Thay đổi lối sống: Khi nguyên nhân gây ra bệnh gan có liên quan đến thức uống có cồn hay béo phì, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên ngừng uống hoặc cố gắng giảm cân.

  • Lọc gan: Bệnh nhân ở các giai đoạn cuối của bệnh gan có thể cần được lọc gan. Quá trình này sẽ cố gan thay gan loại bỏ các chất độc ở trong máu.

  • Ghép gan: Ở các trường hợp ESLD, bệnh nhân có thể cần được ghép gan. Đây là một thủ thuật cực kỳ phức tạp và phụ thuộc vào việc có người hiến tạng tương thích hay không.

Phòng ngừa

Có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh gan bằng cách:

  • Đạt được và giữ được một cân nặng hợp lý

  • Tránh dùng quá nhiều thức uống có cồn

  • Tiêm ngừa viêm gan đầy đủ

  • Tuân thủ theo liều lượng thuốc mà bác sĩ đã chỉ định.

  • Hoạt động thể chất thường xuyên

Tiên lượng

Nếu như bệnh nhân đi khám, chữa bệnh ở trong các giai đoạn đầu của bệnh gan và thực hiện lối sống khỏe mạnh, gan của họ có thể hồi phục lại.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã ở giai đoạn xơ gan, các tổn thương không còn hồi phục lại được nữa. Điều trị trong giai đoạn này thường chỉ để ngăn bệnh trở nên xấu hơn và kéo dài sự sống của bệnh nhân.

Xem thêm: Xét nghiệm chức năng gan

Tìm hiểu: Xơ gan và một số thông tin cần biết

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top