✴️ Nội soi phế quản điều trị khối u khí phế quản bằng quang đông (Photochimiotherapie)

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Quang đông học trị liệu (QĐHTL) đã được FDA chứng nhận trong việc làm giảm tắc nghẽn đường thở do các khối u ác tính và thay thế phẫu thuật trong những trường hợp ung thư phổi trung tâm xâm lấn ít. 

QĐHTL hoạt động dựa trên nguyên lý một số phức hợp như những chiết xuất hematoporphyrin (photofrin) có khả năng như những chất nhạy cảm ánh sáng, khi chúng có mặt trong những tế bào ác tính, các tế bào này nhạy cảm với tổn thương do ánh sáng đơn sắc gây ra. 

Hiệu quả chọn lọc của QĐHTL trên những tế bào ác tính được xem là do sự nhận và lưu giữ các tác nhân nhạy cảm ánh sáng ở các tế bào ung thư nhiều hơn các tế bào bình thường. 

Hiệu quả xuất hiện sau truyền tĩnh mạch các tác nhân nhạy cảm ánh sáng 24 - 48 giờ. Do vậy, nội soi phế quản QĐHTL thường được tiến hành sau 1 - 2 ngày sau truyền các tác nhân nhạy cảm ánh sáng, sau đó - 2 tuần nội soi phế quản với ánh sáng bình thường để làm sạch các tổ chức hoại tử.

 

CHỈ ĐỊNH

Chỉ định lý tưởng cho quang đông trị liệu là những người bệnh có tắc nghẽn đường thở do nhiều khối u ác tính nhỏ trong lòng khí phế quản.

U gây xâm lấn nhẹ đường thở trung tâm. Những khối u gây đè ép nhiều, quang đông trị liệu chỉ có vai trò làm giảm bớt sự tắc nghẽn. 

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH 

Chống chỉ định đối với nội soi phế quản thông thường

Rối loạn tim mạch: phình tách động mạch chủ, tăng áp lực động mạch phổi nặng, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim < 1 tháng, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp chưa kiểm soát được.

Rối loạn đông cầm máu (giảm tiểu cầu, xơ gan các bệnh ưa chảy máu….).

Suy hô hấp cấp nặng, hen phế quản chưa kiểm soát được.

Tăng áp lực nội sọ.

Nguy cơ dị ứng với các thuốc gây tê, gây mê.

Suy gan, suy thận nặng, suy tim nặng.

Chống chỉ định đối với kỹ thuật

Tổn thương u ở bên ngoài khí phế quản gây đè ép khí phế quản.

Các tổn thương u gây tắc nghẽn đường thở nặng đòi hỏi phải loại bỏ cấp cứu.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

1 Bác sĩ chuyên khoa hô hấp được đào tạo nội soi phế quản ống cứng. 

1 Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên được đào tạo phụ soi phế quản ống cứng.

Phương tiện

Dụng cụ

Hệ thống nội soi phế quản ống cứng: 01. 

Hệ thống nội soi phế quản ống mềm: 01 bộ.

Nguồn sáng lazer (aragon lasers, nyd laser…).

Máy monitoring, máy hút dịch.

Bơm tiêm  20 ml, bơm tiêm 5 ml

Thuốc

Photofrin 75mg x 1 lọ.

Natriclorua 0,9% x 1000ml.

Các thuốc gây tê: Xylocain, Lidocain....

Các thuốc giãn phế quản, corticoides. Các thuốc chống sốc.

Người bệnh 

Được giải thích trước về kỹ thuật, về các nguy cơ tai biến có thể xẩy ra trong và sau thủ thuật. Người bệnh và gia đình ký cam kết làm thủ thuật.

Hồ sơ bệnh án 

Các xét nghiệm trước soi: công thức máu, đông máu cơ bản, khí máu, AST, ALT, creatinin, điện giải đồ, bilirubin, glucose, nhóm máu, X quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, điện tim, chức năng hô hấp.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ và các xét nghiệm của người bệnh

Kiểm tra người bệnh 

Tên, tuổi, mạch, nhiệt độ, huyết áp, khám tim phổi.

Thực hiện kỹ thuật

Bước 1: 2 ngày trước khi làm nội soi người bệnh được tiêm tĩnh mạch chất photofrin với liều 2mg/kg cân nặng.

Bước 2: tiến hành nội soi phế quản ống cứng vào ngày thứ 3 kể từ ngày bắt đầu tiêm photofrin, tuân thủ quy trình nội soi phế quản ống cứng.

Bước 3: khi ống soi tiếp cận gần tổn thương đưa sonde dẫn tia lazer chiếu sáng vùng tổn thương điều chỉnh sao cho công suất 200j/cm3 - 630nm.

Bước 4: nội soi lại sau 2 ngày vừa làm sạch lòng khí phế quản vừa lặp lại chu kỳ chiếu sáng.

Bước 5: nội soi lại ngày thứ 6 và ngày thứ 8 để làm sạch các tổ chức hoại tử.

 

THEO DÕI

Xét nghiệm sau thủ thuật: X quang phổi, điện tâm đồ, khí máu động mạch, công thức máu, điện giải đồ, AST, ALT, creatinin, glucose, bilirubin.

Theo dõi điều trị sau thủ thuật: khí dung salbutamol, khí dung pulmicort, kháng sinh nếu cần.

 

CÁC TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Các tai biến của nội soi phế quản ống cứng.

Chảy máu do hoại tử nhiều.

Dị ứng với photofirin.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Henri G Colt 2012, MDBronchoscopic laser resection, Upto date.

Lee P, Kupeli E, Mehta AC, Therapeutic bronchoscopy in lung cancer. Laser therapy, electrocautery, brachytherapy, stents, and photodynamic therapy, Clin Chest Med. 2002 Mar;23(1):241-56. 

T. Bolliger T. G. Sutedja, J. Strausz and L. Freitag,  Therapeutic bronchoscopy with immediate effect: laser, electrocautery, argon plasma coagulation and stents, Eur Respir, 2006, 27, 1258-1271.

Robert O. Crapo, Jeffrey L. Glassroth, Joel Karlinsky, Talmadge E. King, Jr ‘Baum's Textbook Of Pulmonary Disease 7th Edition’, Lippincott Williams & Wilkins, 2004.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top