✴️ Túi thừa MECKEL và các biến chứng

Nội dung

1. Đại cương

1.1. Nguồn gốc của túi thừa Meckel

Túi thừa Meckel là bất thường bẩm sinh phổ biến nhất của đường tiêu hóa. Nó xảy ra khoảng 2% dân số và thường khó được chẩn đoán, thường chỉ được chẩn đoán khi xảy ra biến chứng. Tình trạng bất thường này lần đầu tiên được Fabricius Hildanus mô tả vào năm 1598 nhưng nguồn gốc tên gọi của nó là từ một nhà giải phẫu người Đức tên là Johann Friedrich Meckel, người đã mô tả các đặc trưng về phôi thai học cũng như bệnh học của hiện tượng này.          

 

1.2. Cấu trúc mô học của túi thừa Meckel

Túi thừa Meckel nằm cách van hồi manh tràng  40-60 cm. Trung bình, túi cùng dài 3cm và rộng 2cm, thành túi có đủ cả ba lớp của thành ruột. Khoảng hơn 50% số túi thừa có chứa niêm mạc lạc chỗ. Túi thừa Meckel thường được lót bởi niêm mạc hồi tràng, nhưng các loại mô khác cũng được tìm thấy với tỉ lệ khác nhau. Thường gặp nhất là niêm mạc dạ dày, điều này quan trọng vì niêm mạc dạ dày tiết acid gây viêm loét có thể dẫn đến xuất huyết, thủng, hoặc cả hai. Trong một nghiên cứu, lạc niêm mạc dạ dày thấy trong 62% trường hợp, tế bào tuyến tụy thấy trong 6%, cả hai mô tuyến tụy và niêm mạc dạ dày thấy 5%, niêm mạc hỗng tràng thấy 2%. 

2. Biến chứng thường gặp của túi thừa meckel

2.1. Đặc điểm của các biến chứng

Túi thừa Meckel bình thường không có triệu chứng (75% các trường hợp). Nó chỉ có triệu chứng lâm sàng khi có các biến chứng (thường là xuất huyết do loét, viêm túi thừa, tắc ruột và hiếm hơn là lồng ruột, xoắn ruột hoặc thoát vị túi thừa, hình thành sỏi hoặc U ác tính trong túi thừa).

Túi thừa Meckel có triệu chứng thường thấy ở trẻ em nhiều hơn người lớn: 60% trẻ em với túi thừa Meckel có dấu hiệu lâm sàng của các biến chứng trước 10 tuổi (những triệu chứng khởi phát thường xảy ra hơn vào năm đầu tiên hoặc năm thứ hai của cuộc sống). Một số ít có triệu chứng trước 20 tuổi, số rất ít trước 40 tuổi. Không thấy ở người quá lớn tuổi.

Có khoảng 5-8% bệnh nhân có túi thừa Meckel có bệnh Crohn. Nguyên nhân không rõ nhưng người ta giả sử rằng các yếu tố nhiễm khuẩn và các yếu tố viêm có mặt trong túi thừa Meckel đã làm tăng tính thấm của dạ dày - ruột và hơn nữa túi thừa còn đóng vai trò như một nguyên nhân cơ học gây rối loạn nhu động của đoạn dưới ruột non, dẫn đến thiếu máu cục bộ làm dễ phát triển bệnh Crohn. Ngoài ra người ta còn thấy có một số dị tật kèm theo như: bệnh tim bẩm sinh, khiếm khuyết cơ thành bụng, dị tật đường tiêu hóa và hội chứng Down.

Nguyên nhân: Người ta cho rằng cơ chế bệnh sinh của viêm, thủng và xuất huyết trong túi thừa Meckel là thứ phát sau loét gây ra bởi niêm mạc dạ dày bị lạc chỗ. Có một vài nghiên cứu cho thấy có sự hiện diện của Helicobacter pylori tại các ổ niêm mạc dạ dày lạc chỗ trong túi thừa nhưng không có bằng chứng thuyết phục rằng H. pylori đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh các biến chứng của túi thừa Meckel.

3. Điều trị

3.1. Điều trị nội khoa:

Điều trị nội khoa sẽ tùy thuộc vào loại biến chứng và tình trạng bệnh, gồm:  

  • Truyền dịch nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Cho bệnh nhân nhịn ăn. Xét nghiệm nhóm máu, phản ứng chéo.
  • Nếu xuất huyết ồ ạt: truyền máu hoặc hồng cầu khối cho bệnh nhân.
  • Đối với những bệnh nhân có dấu hiệu tắc ruột, đặt sonde dạ dày để là giảm áp ổ bụng và chụp ngay phim ổ bụng không chuẩn bị.
  • Bệnh nhi với đi cầu phân sẫm màu: nên đặt sonde hút dịch dạ dày hoặc súc rửa dạ dày để loại trừ xuất huyết phần trên ống tiêu hóa. Nếu dich dạ dày và nước súc rửa dạ dày không có hiện tượng xuất huyết, thực hiện nội soi phần trên với ống soi mềm.
  • Trong trường hợp nghi ngờ lâm sàng thuộc về túi thừa Meckel, cần thực hiện các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cần thiết, sau đó hội chẩn bác sỹ nội khoa/nhi khoa (tiêu hóa), bác sỹ ngoại khoa, bác sỹ X- quang để cho ra kết luận sớm nhất.
  • Nếu kết quả từ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm là âm tính nhưng trên lâm sàng có  khả năng cao là bệnh cảnh thuộc túi thừa Meckel. Cần hội chẩn với nhiều bác sỹ phẫu thuật giàu kinh nghiệm để cân nhắc có nên tiến hành mổ nội soi ổ bụng hay mở bụng không.
  • Trong bệnh cảnh của túi thừa Meckel, kháng sinh nên được chỉ định cấp khi có: Viêm túi thừa Meckel, có dấu hiện của nhiễm khuẩn, thoát vị nghẹt, thủng, dấu hiệu tắc ruột. Kháng sinh có thể được sử dụng trước, trong và sau mổ.

 

3.2. Điều trị ngoại khoa:

Khi bệnh nhân bị xuất huyết trực tràng nhưng huyết động học lại ổn định, cần nghĩ đến nhiều xuất huyết túi thừa Meckel và thực hiện Meckel scan (Scintigraphy) và các chẩn đoán hình ảnh cần thiết khác ngay lập tức. Xuất huyết túi thừa Meckel phải được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ túi thừa kèm theo đoạn hồi tràng gần kề (vì loét thường xảy ra ở phần hồi tràng gần sát với túi thừa).

Một khi đã chẩn đoán biến chứng của túi thừa Meckel và có các dấu hiệu của phúc mạc hoặc sự bất ổn của huyết động học, cần can thiệp ngoại khoa khẩn cấp.

Biến chứng của túi thừa Meckel với các dấu hiệu của tắc ruột cũng cần can thiệp ngoại khoa.

Điều trị cho túi thừa Meckel có triệu chứng là phẫu thuật cắt bỏ. Thủ thuật đơn giản chỉ gồm căt bỏ túi thừa Meckel kèm hoặc không kèm theo đoạn hồi tràng gần kề (tùy theo biến chứng) rồi đóng miệng nối hồi-hồi tràng. Có một số nhà ngoại khoa cho rằng có thể có một phần niêm mạc mô lạc chỗ còn sót lại ở đoạn hồi tràng gần kề túi thừa nếu không được cắt kèm theo túi thừa sẽ còn khả năng xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, thường thì các mô lạc chỗ này nằm ở phần đáy túi thừa, không dính với hồi tràng và thường đã được loại bỏ hết khi cắt bỏ túi thừa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top