✴️ Phân thể và điều trị viêm mũi dị ứng

Phân thể bệnh viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng có nhiều cách phân loại thể bệnh. Mỗi loại thể bệnh sẽ có cách phòng tránh và điều trị khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới thì viêm mũi dị ứng được chia làm ba loại:

Thể Viêm mũi dị ứng quanh năm

Thể viêm mũi dị ứng quanh năm là thể thường gặp nhất. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra.

Môi trường

  • Thường là do hít phải các kháng nguyên như những con mạt (mites) trong bụi nhà. Bụi có thể từ trong chăn gối, nệm ghế, lông thú…
  • Môi trường sống đô thị – nơi luôn có nhiều vật liệu mới như sơn, véc-ni các loại và từ đây phóng thích những phần tử kháng nguyên “lạ”.

Sang chấn tinh thần (stress)

Stress cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng.

Thực phẩm

Hải sản (tôm, cua, cá biến, mực,…) đậu phộng, cà rốt là những thực phẩm dễ gây dị ứng cho nhiều người.

Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng

Một số loại thuốc

  • Aspirine, Sulfamide, Streptomycine, Penicilline…
  • Một số loại huyết thanh chống bạch cầu, chống uốn ván…

Thể Viêm mũi dị ứng theo mùa

Viêm mũi dị ứng có thể xuất hiện vào các mùa nhất định trong năm.

Thể Viêm mũi dị ứng do nghề nghiệp

Những người làm trong một số ngành nghề nhất định, thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất hoặc các tác nhân gây bệnh khác có tỉ lệ mắc viêm mũi dị ứng rất cao.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng

Kiểm soát môi trường – tránh xa hay hạn chế các tác nhân gây dị ứng 

Cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh để tránh bệnh tái phát và tiến triển xấu.

Giữ môi trường không có dị nguyên bằng cách bọc gối và đệm bằng túi nhựa, thay thế bằng các chất tổng hợp (gối, đệm xốp, acrylics) cho các sản phẩm động vật (như bông, lông…).

Thường xuyên làm sạch bụi bẩn bám trên các vật cố định trong nhà (thảm, trải bàn, trải giường…) sẽ có tác dụng tốt đối với những bệnh nhân bị nặng.

Bộ phận tinh chế không khí và lọc bụi cũng có thể giúp tạo nên môi trường không khí không có dị nguyên. Khi các triệu chứng trở nặng, việc tìm các dị nguyên gây bệnh có tác dụng tốt. Có thể dùng test da hoặc test RAST huyết thanh để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Dùng thuốc

Thuốc uống

Người bệnh có thể được chỉ định uống các thuốc giảm xung huyết mặc dầu các thuốc kháng histamin có tác dụng đặc hiệu hơn vào cơ chế dị ứng. Điều trị triệu chứng bằng thuốc kháng histamin  có thể làm giảm sung huyết mũi, giảm ngứa, giảm chảy nước mũi, nhưng có tác dụng phụ là gây buồn ngủ.

Các loại thuốc xịt mũi

Các thuốc xịt mũi có corticosteroid thường có tác dụng tốt nếu được dùng đúng. Nếu viêm mũi nhẹ có thể dùng thuốc giảm sung huyết dạng xịt hay nhỏ vào mũi. Không dùng liên tục quá 3 ngày vì có thể làm cho bệnh nặng hơn.

Dùng steroid trong viêm mũi có vai trò với dị ứng theo mùa, có polip mũi, thường làm giảm các chỉ định phẫu thuật. Có thể dùng cromolyn ở mũi với tác dụng tốt, đặc biệt dùng trước khi nghỉ tiếp xúc với dị nguyên.

Thuốc hít sodium cromoglycat có thể được chỉ định dùng thường xuyên trong mùa có phấn hoa, trong trường hợp  dị ứng phấn hoa. Với một số loại phấn hoa đặc biệt, có thể tiêm dưới da một lượng nhỏ phấn hoa và tiêm nhắc lại nhiều lần. Phương pháp này có thể giúp cơ thể làm quen với phấn hoa và giảm bớt hiện tượng dị ứng.

Trong hầu hết các trường hợp, nếu xác định được chính xác tác nhân gây dị ứng thì việc tránh xa tác nhân ấy là biện pháp tốt nhất.

Miễn dịch liệu pháp (còn gọi là giải mẫn cảm đặc hiệu)

Cách thực hiện

Các bác sĩ sẽ tiến hành làm test để biết chính xác người bệnh dị ứng với loại kháng nguyên nào. Dị nguyên mẫn cảm sẽ được đưa vào cơ thể theo đường dưới da với liều lượng và nồng độ tăng dần, nhằm kích thích cơ thể hình thành kháng thể bao vây, để cơ thể có thể thích ứng với dị nguyên đó.

Việc thay đổi đáp ứng miễn dịch dẫn tới việc không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Điều đó lý giải vì sao đây được coi là một loại vaccine phòng viêm mũi dị ứng…

Hiệu quả 

Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 80-90% (có hiệu quả cao nhất với các trường hợp dị ứng do phấn hoa, bụi nhà và lông chó mèo).

Thời gian điều trị  kéo dài  khoảng 4-5 năm mới đạt được hiệu quả mong muốn. Các triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện rõ sau 6-12 tháng.

Thời gian điều trị 

Để thuốc phát huy hiệu quả, người bệnh cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân tiêm thuốc được vài tháng thì mất kiên nhẫn, bỏ ngang, bệnh đã đỡ được 80 – 90% nhưng sau đó lại nhanh chóng tái phát.

Sau khi ngừng tiêm, lượng kháng thể này sẽ giảm dần và bệnh có thể tái phát, phải tiêm đợt khác. Tuy nhiên, nếu mỗi đợt tiêm càng kéo dài thì sau đó khoảng thời gian phòng bệnh viêm mũi dị ứng càng lâu .

Xem thêm: Định lượng IgE trong các bệnh dị ứng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top