✴️ Tổng quan kiến thức cần biết về khó thở thanh quản

Nội dung

1. Thế nào là khó thở thanh quản?

Thanh quản nằm chính giữa cổ, có 2 chức năng chính là hô hấp và nói. Chức năng hô hấp gồm dẫn khí và bảo vệ; khi chúng ta hít vào, thanh môn sẽ mở ra; ngược lại, khi chúng ta thở ra thì thanh môn lại mở vừa. Chức năng nói tức là khi chúng ta phát âm và nói thanh quản sẽ mở, khép và rung động để phát ra các âm cơ bản.

Người bệnh có dấu hiệu khó thở thanh quản

Do là chỗ hẹp nhất của đường thở và đảm nhiệm 2 chức năng này nên chỉ cần có tác động nhỏ thôi là đến chức năng dẫn khí đã có thể bị ảnh hưởng gây ra tình trạng khó thở rồi. Thêm vào đó, nếu có yếu tố tác động đến sự khép mở và rung động dây thanh thì sẽ khiến giọng nói bị biến đổi dạng mất tiếng, khàn tiếng,...

Khó thở thanh quản là tình trạng tần số, biên độ của thở bị rối loạn được gây nên bởi sự giảm khẩu kính của ống thanh quản ở một hoặc nhiều tầng của hầu họng. Tùy mức độ mà tình trạng khó thở có thể không có cơn, xuất hiện từ từ, đột ngột hoặc thành từng cơn.

2. Vì sao bị khó thở thanh quản

2.1. Nguyên nhân bên ngoài

Đây là những yếu tố bên ngoài tác động, gây đè ép thanh quản, điển hình như: bướu tuyến giáp, khối mô viêm ở cổ, khối u vùng cổ,...

2.2. Nguyên nhân tại thanh quản

- Hẹp lòng thanh quản bẩm sinh.

- Chấn thương tại thanh quản.

- Hẹp lòng thanh quản do sẹo.

- Bệnh hen suyễn.

- Liệt dây khép thanh nên không khí khó đi qua thanh quản được.

- Viêm nhiễm, u thanh quản.

- Bệnh bạch hầu.

2.3. Nguyên nhân bên trong

Thường gặp nhất là sự tồn tại của dị vật ở lòng thanh quản do hít phải thức ăn; côn trùng,....

3. Dấu hiệu khó thở thanh quản là gì

Người bị khó thở thanh quản thường có các dấu hiệu sau:

- Khó thở thì hít vào.

- Thanh quản có tiếng rít. 

- Tùy mức độ khó thở mà có thể bị rút lõm lồng ngực và hõm ức.

- Khàn hoặc mất tiếng.

4. Chẩn đoán và điều trị

4.1. Chẩn đoán

- Đánh giá mức độ khó thở thanh quản

+ Mức độ 1: nói hay khóc đều bị khàn và rè tiếng; tiếng ho vang còn trong; lõm hõm ức nhẹ kín đáo; có tiếng rít thanh quản nhưng nhẹ; toàn thân chưa bị ảnh hưởng.

+ Mức độ 2: nói không rõ hoặc mất tiếng; ho ông ổng; tiếng rít thanh quản đã rõ; lõm hõm ức vừa; lo sợ, hốt hoảng, vật vã; khó thở chậm, khó thở thì thở vào;...

+ Mức độ 3: tiếng nói phào phào hoặc không thành tiếng; mất tiếng; không ho được hoặc ho không thành tiếng; khó thở dữ dội; rối loạn nhịp thở; tím tái; vã mồ hôi; li bì; hôn mê;...

- Đo PO2 và PCO2 trong máu.

- Phân biệt:

Khó thở ở phổi: nghe phổi, X-quang phổi.

+ Khó thở hen phế quản: thở ra có tiếng cò cử hoặc lẫn tiếng rít mạnh, nghe phổi có rale ngáy, rale rít.

4.2. Điều trị

Nguyên tắc điều trị cần thực hiện là xử trí khó thở trước sau đó mới tìm và điều trị nguyên nhân. Mục đích của việc điều trị triệu chứng nhằm giảm khó chịu cho người bệnh. Điều trị bệnh lý là phương pháp được tiến hành sau khi bệnh nhân không còn trong tình trạng nguy kịch. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện một số kiểm tra cần thiết để xác định nguyên nhân gây khó thở và lấy đây làm căn cứ đưa ra hướng xử trí dứt điểm.

Tùy theo mức độ và nguyên nhân gây khó thở thanh quản ở từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp:

- Khó thở do dị vật: thực hiện phương pháp loại bỏ dị vật ra khỏi đường thở.

- Bệnh viêm thanh quản do bạch hầu: dùng kháng sinh Penicillin liều cao kết hợp thuốc chống viêm và giảm đau. Người bệnh cần được trợ tim và theo dõi sát sao.

Nội soi lấy dị vật cản đường thở của bệnh nhân

- Cúm gây nhiễm trùng dây thanh: tiêm Depersolon liều 2mg/ kg kết hợp dùng kháng sinh đường tiêm và thuốc điều trị triệu chứng.

- VA gây viêm thanh quản: có thể cân nhắc chỉ định nạo VA.

- Áp xe thành sau họng: dùng thuốc kháng sinh kết hợp chích rạch và dẫn lưu mủ.

- U nhú: phẫu thuật để cắt bỏ và bóc tách u nhú ở dây thanh. Riêng trường hợp khối u ác, ức chế tế bào ung thư cần kết hợp với thuốc hóa trị.

- Dị tật hoặc sẹo cấu trúc dây thanh: phẫu thuật và tái tạo dây thanh nếu tình trạng khó thở xảy ra thường xuyên làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nhìn chung, việc điều trị tình trạng khó thở thanh quản tùy từng trường hợp sẽ cân nhắc hướng điều trị phù hợp như: thở oxy, mở khí quản hoặc đặt nội khí quản, dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, lấy dị vật đường thở, an thần và theo dõi tình trạng khó thở. Trong đó:

- Mở khí quản: cần được thực hiện kịp thời để cứu tính mạng bệnh nhân, chủ yếu thực hiện đối với các trường hợp khó thở độ 2 và 3.

- Điều trị nội khoa: thực hiện với khó thở ở cấp độ 1 không có nguy cơ tiến triển nhanh với các biện pháp: chườm nóng vùng cổ, canxi đường uống hoặc tiêm, khí dung hydrocortison.

4.3. Tiên lượng 

- Viêm nhiễm: thường thì các triệu chứng phù nề, viêm sẽ nhanh chóng thoái lui, thuốc đáp ứng tốt trong khoảng 7 ngày.

- Dị vật: chỉ cần loại bỏ được dị vật ra khỏi đường thở sớm thì tiên lượng rất tốt.

- Sẹo hẹp: tùy cơ địa của người bệnh và mức độ tổn thương của sẹo mà đáp ứng phẫu thuật ở mỗi người có sự khác nhau. 

- Nguyên nhân khác: tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.

Một khi đã bị khó thở thanh quản tức là đường thở của bạn đang bị đe dọa. Vì thế, cần tìm nguyên nhân để có biện pháp xử trí ngay, tránh để lâu gây suy hô hấp, di chứng não hoặc tử vong.

Xem thêm: Viêm thanh quản

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top