✴️ Thông tin y khoa cơ bản về bệnh lao màng phổi

Nội dung

1. Đại cương về lao màng phổi 

Màng phổi là phần bao bọc toàn bộ bề mặt phổi, cấu tạo bao gồm 2 lá là lá thành và lá tạng. Các bệnh lý và biến chứng trên màng phổi rất đa dạng, trong đó lao màng phổi là trường hợp gặp nhiều nhất. Lao màng phổi là một dạng lao ngoài phổi, đứng thứ hai trong số các thể lao dễ gặp nhất (sau lao hạch bạch huyết).

Trong các vấn đề liên quan đến màng phổi thì bệnh lao màng phổi là trường hợp gặp nhiều nhất ở người trẻ

Theo nhiều nghiên cứu khảo sát trên thế giới và ở Việt Nam thì lao phổi chiếm khoảng 25 - 30% trong tất cả các thể lao ngoài phổi, khoảng 3 - 5% các bệnh lý về phổi hiện nay. Không giới hạn bất kỳ độ tuổi nào bởi ai cũng có thể là đối tượng của bệnh lao màng phổi, tuy nhiên người trẻ trong độ tuổi 16 - 30 chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. 

2. Tác nhân và cơ chế sinh bệnh lao màng phổi 

Tác nhân 

Mycobacterium Tuberculosis được xem là tác nhân chính gây ra lao màng phổi. Đây là một loại vi khuẩn hiếu khí hoàn toàn, có tính kháng cồn và acid, phát triển chậm, sau khoảng từ 20 - 24 giờ mới sinh sản một lần. Vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây nên các tổn thương, tại các vị trí này, các quần thể có thể chuyển hóa thành nhiều dạng khác nhau. 

Mycobacterium Tuberculosis là tác nhân chính gây nên bệnh lao màng phổi

Các chủng vi khuẩn thuộc họ Mycobacteriaceae có khả năng kháng lại các thuốc điều trị một số thể lao như lao phổi, lao hạch. Do đó khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần phải lưu ý đến đặc điểm này để tránh trường hợp thuốc không phát huy tác dụng điều trị. Bên cạnh đó, những tác động của môi trường có thể thay đổi khả năng hình thành lao màng phổi của vi khuẩn. 

Cơ chế sinh bệnh 

Mức độ nhiễm bệnh và khả năng gây bệnh của cơ thể phụ thuộc vào sức đề kháng của từng người và độc lực của vi khuẩn. Vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, tiêu hóa, từ mẹ sang con hoặc do tiếp xúc với đờm, nước bọt hay các giọt bệnh phẩm li ti trong không khí khiến cho người bình thường bị nhiễm bệnh. 

Sau khi đã vào được cơ thể, vi khuẩn sẽ bắt đầu khu trú, sinh sản và phát triển rối gây nên các tổn thương ban đầu ở phần ngoại vi của phổi. 

Trong khoảng thời gian này, cơ thể cũng sẽ huy động các cơ chế miễn dịch bao gồm đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính, hoặc các tế bào lympho để tiêu diệt vi khuẩn. Có hai trường hợp xảy ra:

  • Nếu “hàng rào bảo vệ” đủ sức chống lại vi khuẩn lao thì chúng sẽ bị vôi hóa và tiêu diệt phần lớn, số lượng vi khuẩn còn lại sẽ không chuyển hóa và ở dạng tiềm ẩn.
  • Còn nếu cơ thể không đủ khả năng chiến thắng được vi khuẩn thì sau khoảng 4 tuần, các tổn thương sẽ dần hình thành nên các hoạt lao điển hình, vi khuẩn theo máu đến các hạch bạch huyết và dần đi khắp cơ thể.

Lúc này, cơ thể chuyển từ giai đoạn lao sơ nhiễm sang lao tái phát và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình. Các vi khuẩn sau khi trải qua giai đoạn sơ nhiễm thường khu trú phần dưới hoặc đỉnh phổi. Khi các hoạt lao dần hóa lỏng và hình thành các hang góp phần đẩy nhanh sự lây lan của vi khuẩn sang các cơ quan khác. 

3. Các cách để phát hiện vi khuẩn lao trong cơ thể

Để chẩn đoán bệnh lao phổi, các bác sĩ cần phải thực hiện các phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng sau: 

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng thông qua các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân như: người bệnh đột ngột bị đau, tức ngực dữ dội kèm theo cơn khó thở, ho và sốt từ 39 - 40 độ. Các cơn đau và sốt diễn ra với tần suất tăng dần, mạch đập nhanh, người xanh xao, gầy yếu và mệt mỏi, đi tiểu ít. Giai đoạn đầu bệnh nhân chỉ ho khan nhưng càng về sau, biểu hiện ho nhiều hơn, ho có đờm, ho nhiều khi thay đổi tư thế hoặc vào lúc trời gần sáng. 

Khám cận lâm sàng 

Các phương pháp cận lâm sàng được chỉ định để đưa ra kết luận chính xác nhất sau khi các chẩn đoán ban đầu dựa trên triệu chứng ở người bệnh. Để kiểm tra xem có vi khuẩn lao xuất hiện trong phổi hay không thì các bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm tìm vi khuẩn lao và không lao điểm hình thông qua bệnh phẩm là đờm, dịch từ phế quản hoặc dịch dạ dày. Các xét nghiệm được sử dụng để tìm vi khuẩn lao hiện nay sẽ bao gồm:

  • Kỹ thuật soi trực tiếp cho phép phát hiện vi khuẩn kháng acid, khi vi khuẩn loa trong mẫu bệnh phẩm cao hơn 1000 vi khuẩn/ml sẽ cho ra kết quả dương tính.
  • Nuôi cấy vi khuẩn lao là phương pháp giúp xác định chính xác sự tồn tại của vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis trong cơ thể. Phương pháp này hỗ trợ các bác sĩ phân lập và xác định chính xác chủng vi khuẩn lao gây bệnh để từ đó đưa ra định hướng điều trị.
  • Nuôi cấy trong môi trường đặc có chứa các thành phần Ogawa, Dubos , nếu sau 3 - 6 tuần thấy có vi khuẩn lao mọc thì kết luận dương tính, còn nếu không thì có nghĩa là không có vi khuẩn lao. 
  • Nuôi cấy ở môi trường lỏng được ứng dụng để phát hiện vi khuẩn loa, cho kết quả nhanh chóng (khoảng 2 tuần). Môi trường được sử dụng để nuôi cấy có thể là BACTEC TB 460 hoặc MGIT. Tuy nhiên, chi phí để tiến hành xét nghiệm này khá tốn kém nên thường được cân nhắc. 
  • Kỹ thuật sinh học phân tử bao gồm phản ứng chuỗi polymerase hoặc xét nghiệm Xpert - MTB. Đây là các kỹ thuật hiện đại, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, không chỉ xác định chính xác vi khuẩn lao mà còn đánh giá khả năng kháng thuốc của vi khuẩn. 

Kết quả xét nghiệm lao màng phổi có chính xác hay không phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật lấy bệnh phẩm và trang thiết bị xét nghiệm. Việc tiến hành các xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh đòi hỏi người thực hiện phải có trình độ kỹ thuật cao, tỉ mĩ cũng như máy móc hiện đại nên có rất ít cơ sở áp dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top