Triệu chứng giãn phế quản thường gặp như ho, khạc đờm, ho ra máu…gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ nặng dần lên và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là sự giãn không hồi phục của cây phế quản. Có thể giãn ở phế quản lớn trong khi phế quản nhỏ vẫn bình thường hoặc giãn ở phế quản nhỏ trong khi phế quản lớn bình thường.
Triệu chứng giãn phế quản
Khi phế quản bị giãn người bệnh thường bị ho: ho dai dẳng, khạc đờm mủ hàng ngày khá nhiều, hơi thở có mùi rất hôi. Có thể ho ra máu (từ ít đến nhiều). Khạc đờm: Đờm có 3 lớp: bọt, mủ, nhầy. Riêng giãn phế quản ở trẻ em ít gặp các trường hợp ho ra máu.
Ngoài ra, người bị giãn phế quản còn có hiện tượng sút cân, thiếu máu, yếu sức, 80% có triệu chứng đường hô hấp trên kèm theo như (viêm mũi, xoang chảy mủ). Nếu giãn phế quản lan rộng cả 2 bên rất có thể người bị tím tái, khó thở. Ở vùng phổi giãn phế quản có viêm phổi tái diễn nhiều lần, hàng năm về mùa lạnh.
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, giãn phế quản có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, áp-xe phổi, tâm phế mạn.
Chính vì thế khi thấy các triệu chứng giãn phế quản, người bệnh cần tới bệnh viện để các bác sĩ trực tiếp thăm khám và làm các xét nghiệm kiểm tra cụ thể nhằm chẩn đoán đúng bệnh.
Vì sao bị giãn phế quản?
Giãn phế quản do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
– Dị tật bẩm sinh ở cấu trúc phế quản như: Giãn phế quản lan tỏa cộng với viêm xoang cộng với phủ tạng đảo lộn (vị trí của tim chuyển sang bên phải) do rối loạn hoạt động của lông tuyến phế quản; Khuyết tật hoặc không có sụn ở phế quản nên phế quản phình ra khi hít vào, xẹp xuống khi thở ra; Khí phế quản phì đại do khuyết tật cấu trúc tổ chức liên kết ở thành phế quản kèm theo giãn phế quản.
– Do viêm hoại tử ở thành phế quản: Giãn phế quản sau nhiễm khuẩn phổi như lao, viêm phổi vi khuẩn, virus, sởi, ho gà, do dịch dạ dày hoặc máu bị hít xuống phổi, hít thở khói hơi độc, do nhiễm khuẩn phế quản tái diễn.
– Do bệnh xơ hóa kén: Chiếm tỷ lệ 50% các trường hợp giãn phế quản
– Do phế quản lớn bị tắc nghẽn: Lao hạch phế quản hoặc dị vật rơi vào phế quản ở trẻ em, u phế quản hoặc sẹo xơ gây chít hẹp phế quản sau khi bị giập vỡ ở phế quản lớn do chấn thương lồng ngực. Dưới chỗ phế quản chít hẹp, áp lực nội phế quản tăng lên và dịch tiết ùn tắc gây nên nhiễm khuẩn mạn tính tại chỗ rồi phát triển thành giãn phế quản.
– Do rối loạn thanh lọc nhày nhung mao: Giãn phế quản có thể phát triển trong rối loạn vận động nhung mao thứ phát của hen phế quản. Các trường hợp này vi khuẩn phát triển ở đường hô hấp dưới.
Tùy vào từng nguyên nhân, triệu chứng giãn phế quản, bác sĩ chuyên khoa Hô hấp sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc, ngừng thuốc vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh