Viêm phổi cấp tính có nguy hiểm không là thắc mắc được nhiều người đặt ra khi mắc bệnh. Đây là bệnh lý đường hô hấp rất nguy hiểm, có thể gây biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm phổi xảy ra khi các tác nhân gây bệnh vượt qua hàng rào bảo vệ của cơ thể và xâm nhập vào đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh thường là do vi khuẩn, vi-rút. Ngoài ra, do điều kiện sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và các bệnh hệ thống…cũng làm gia tăng nguy cơ mắc viêm phổi cấp.
1. Viêm phổi cấp tính có nguy hiểm không?
Thông thường, các triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp tính ở giai đoạn đầu rất âm thầm, thường người bệnh chỉ thấy khó chịu, gai rét, sốt nhẹ, ho nhẹ. Chính vì vậy, nhiều trường hợp chủ quan nên dẫn đến bệnh nặng dễ gây những biến chứng nguy hiểm như:
Viêm phổi cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng tại phổi và trong lồng ngực
Biến chứng tại phổi: Bệnh có thể lan rộng ra hai hoặc nhiều thùy phổi, bệnh nhân khó thở nhiều hơn, tím môi, mạch nhanh. Xẹp một thuỳ phổi: do cục đờm đặc quánh gây tắc phế quản. Áp xe phổi: sốt dai dẳng, khạc nhiều đờm có mủ.
Biến chứng trong lồng ngực: Tràn mủ màng phổi: người bệnh sốt dai dẳng, chọc dò màng phổi có mủ; Viêm màng ngoài tim: triệu chứng đau vùng trước tim, nghe có tiếng cọ màng tim, thường là viêm màng tim có mủ…
Bệnh viêm phổi cấp tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm do đó cần được phát hiện và điều trị sớm, đúng phương pháp.
2. Điều trị viêm phổi cấp tính
Khi nghi ngờ các triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp tính, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời. Tránh để bệnh tiến triển nặng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Trường hợp viêm phổi do vi khuẩn: Các bác sĩ thường điều trị viêm phổi do vi khuẩn bằng kháng sinh.
Trường hợp viêm phổi do vi-rút: Kháng sinh không hiệu quả đối với hầu hết các dạng viêm phổi do virut. Do đó người bệnh cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước, có thể kết hợp với thuốc kháng virut.
Trường hợp viêm phổi do nấm: Có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý thay đổi đơn thuốc, liều lượng và thời gian chữa bệnh. Có như vậy mới giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng sức khỏe.
3. Phòng ngừa nguy cơ mắc viêm phổi cấp
Trong những trường hợp chưa mắc viêm phổi cấp tính chúng ta cần tự bảo vệ mình bằng cách:
Vệ sinh thân thể, nhà ở sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh môi trường trong sạch, ít khói bụi, đảm bảo không gian sống thông thoáng, ít bụi.
Chú ý giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là phần cổ ngực và hai bàn chân.
Tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh, nhất là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, người có chất đề kháng kém.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc viêm phổi cấp tính cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hàng ngày
Nên tắm nước ấm mỗi ngày, nhà tắm cần phải kín không có gió lùa.
Có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế các yếu tố kích thích có hại như: rượu bia, cà phê, thuốc lá.
Duy trì chế độ dinh dưỡng đủ chất, cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất xơ, tinh bột, vitamin và khoáng chất cần thiết.
Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng để tránh biến chứng viêm phổi.
Tập thể dục đều đặn, vừa sức, tốt nhất là tập thở sâu theo phương pháp thở bụng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh