✴️ Kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (NBI)

Hiện nay rất nhiều người gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa đang quan tâm đến kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (NBI). Đây không chỉ là phương pháp nội soi thông thường giúp phát hiện và đánh giá các thương tổn bên trong ống tiêu hóa mà còn giúp tầm soát phát hiện sớm dấu hiệu bệnh lý ung thư đường tiêu hóa như ung thư thực quản – ung thư dạ dày – ung thư đại tràng – đại trực tràng. Kỹ thuật nội soi này đã góp phần mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh chỉ trong một lần nội soi, đồng thời còn tạo ra một sự đột phá mới trong công nghệ nội soi hiện nay.

 

Nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (NBI) là gì?

Phương pháp nội soi đại tràng dải tần ánh sáng hẹp NBI

Nội soi đại tràng dải tần hẹp hiện nay đang được một số đơn vị y tế sử dụng. (ảnh minh họa)

Kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (NBI) tên đầy đủ là (Narrow Banding Imaging – viết tắt NBI) đây là kỹ thuật sử dụng bộ lọc R/G/B filter ứng dụng loại ánh sáng đơn sắc, trong đó nguyên lý là sử dụng hệ thống kính lọc và bộ phân tích xử trí ánh sáng với hai bước sóng 415nm (415 ± 30nm) và 540nm (540 ± 30nm).

Kỹ thuật này cho hình ảnh có khả năng phân biệt rõ hơn về một số đặc điểm – đặc thù cụ thể giữa tổ chức bình thường và tổ chức bệnh lý. Các mức độ khác nhau ở niêm mạc và tăng độ tương phản trên bề mặt biểu mô của mạng mao mạch dưới niêm mạc đường tiêu hóa, từ đó giúp đưa ra hình ảnh chẩn đoán chính xác hơn về các bệnh lý thực quản – dạ dày – đại tràng – đại trực tràng.

 

Vì sao nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (NBI) lại giúp tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

Khác với nội soi thông thường, nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI song hành 2 chế độ:

– Chế độ nội soi với độ phân giải cao thông thường sử dụng ánh sáng tự nhiên với bước sóng dao động trong khoảng 400-700nm.

– Chế độ dải tần ánh sáng hẹp (NBI) sử dụng ánh sáng có bước sóng 415nm và bước sóng 540nm.

Với việc sử dụng hai bước sóng 415nm và 540nm cho phép nội soi NBI tập trung phân tích chi tiết và kỹ hơn các biến đổi ở lớp bề mặt niêm mạc ống tiêu hóa và hệ thống mao mạch nông nuôi dưỡng lớp niêm mạc, từ đó cho kết quả chính xác hơn với nội soi thông thường có độ phân giải cao.

 

kỹ thuật nội soi với giải tần ánh sáng hẹp (NBI)

Kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp NBI được áp dụng chẩn đoán các bệnh lý ung thư ống tiêu hóa (ung thư thực quản – dạ dày – đại trực tràng) ở giai đoạn sớm. (ảnh minh họa)

Đặc biệt kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp NBI kết hợp nội soi phóng đại sẽ giúp đánh giá mức độ xâm lấn của khối u (nếu có) tại các cơ quan của ống tiêu hóa và dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ định hướng chiến lược điều trị phù hợp: Can thiệp qua nội soi hay phẫu thuật.

Chính vì vậy, nội soi với dải tần ánh sáng hẹp NBI được áp dụng chẩn đoán các bệnh lý ung thư ống tiêu hóa (ung thư thực quản – dạ dày – đại trực tràng) ở giai đoạn sớm hoặc rất sớm. Khi các tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện một đám rất nhỏ khu trú ở những vị trí nông trên bề mặt ống tiêu hóa.

Đã có rất nhiều người bệnh áp dụng phương pháp nội soi với dải tần ánh sáng hẹp NBI và đã phát hiện ra các tế bào mầm mống gây ung thư và được can thiệp điều trị, cắt bỏ lớp niêm mạc ống tiêu hóa bị tổn thương, từ đó đã chữa khỏi hoàn toàn ngay từ khi còn rất sớm. Hiệu quả điều trị tốt, thời gian sống sau điều trị dài với chất lượng cuộc sống tốt, giảm tối đa nguy cơ tái phát, giảm gánh nặng về tài chính, rút ngắn thời gian điều trị nội trú là những ưu điểm vượt trội mà nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI có thể đem lại cho bạn.

 

Quy trình nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (NBI)

Nội soi NBI giúp đánh giá các thương tổn bên trong niêm mạc đường tiêu hóa của bạn, đặc biệt là giúp phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ ung thư dạ dày – đại tràng – đại trực tràng từ sớm và có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

Quy trình nội soi dải tần ánh sáng hẹp (NBI)

  • Bệnh nhân thay đồ rồi nằm lên cáng thủ thuật đúng tư thế, hợp tác với bác sĩ.

  • Bác sĩ sẽ mắc monitor lên người để theo dõi.

  • Bắt đầu nội soi bằng ống mềm quan sát niêm mạc dạ dày, đại tràng để chế độ NBI quan sát kỹ các tổn thương nghi ngờ.

  • Dựa trên các thay đổi mạng lưới mao mạch (CP: capillary pattern) tùy thuộc vào thay đổi cấu mạng lưới mao mạch, kích thước mạch máu mà phân biệt được các  tổn thương. Đánh giá theo phân loại CP típ 1, CP típ 2, CP típ 3.

  • Tiếp đó, bác sĩ ra hiệu chụp ảnh minh họa rồi làm các xét nghiệm sinh thiết (nếu cần).

  • Sau khi kết thúc thủ thuật, bác sĩ sẽ đánh giá và in kết quả, bổ sung thêm phiếu xét nghiệm, sinh thiết (nếu cần)

  • Cuối cùng trả kết quả nội soi cho bệnh nhân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top