✴️ Nội soi đại tràng: Phương pháp chẩn đoán hiệu quả các bệnh lý đại tràng và mức độ khó chịu khi thực hiện

1. Khái niệm nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng (colonoscopy) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được thực hiện bằng cách đưa một ống soi mềm, dài, có gắn camera và nguồn sáng ở đầu qua đường hậu môn để quan sát toàn bộ đại tràng, từ trực tràng đến manh tràng – đoạn tiếp giáp với ruột non. Hình ảnh nội soi được truyền trực tiếp lên màn hình độ phân giải cao, cho phép bác sĩ phát hiện các tổn thương, bất thường niêm mạc (viêm loét, polyp, khối u...) và thực hiện sinh thiết mô nếu cần thiết.

 

Nội soi đại tràng có đau không

Nội soi đại tràng là một thủ thuật cho phép bác sĩ quan sát và đánh giá tình trạng bên trong của đại tràng nhờ sử dụng một ống dài linh động có gắn camera và đèn sáng ở đầu

2. Chuẩn bị trước khi nội soi đại tràng

Để đảm bảo chất lượng hình ảnh và độ chính xác trong chẩn đoán, người bệnh cần được chuẩn bị đầy đủ trước khi tiến hành thủ thuật:

  • Trao đổi với bác sĩ điều trị về các thuốc đang sử dụng (đặc biệt là thuốc chống đông máu, thuốc tim mạch, thuốc điều trị đái tháo đường...), tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh lý nội khoa kèm theo.

  • Làm sạch đại tràng hoàn toàn là bước bắt buộc, thường được thực hiện bằng:

    • Chế độ ăn lỏng (cháo loãng, súp...) vào ngày trước nội soi.

    • Nhịn ăn hoàn toàn ít nhất 6 giờ trước thủ thuật.

    • Uống thuốc tẩy ruột theo chỉ định hoặc thực hiện thụt tháo.

  • Nếu nội soi gây mê hoặc tiền mê, người bệnh cần nhịn ăn 12 giờ trước thủ thuật và có người thân đi cùng để hỗ trợ sau khi kết thúc.

Nội soi đại tràng có đau không là quan tâm của rất nhiều người đặc biệt là những người đang có ý định đi nội soi đại tràng.

Nội soi đại tràng có đau không là quan tâm của rất nhiều người đặc biệt là những người đang có ý định đi nội soi đại tràn

 

3. Nội soi đại tràng có gây đau không?

Mối quan tâm phổ biến của nhiều bệnh nhân là liệu nội soi đại tràng có gây đau hay không. Trong phần lớn các trường hợp:

  • Người bệnh chỉ cảm thấy căng tức nhẹ hoặc khó chịu vùng bụng do hơi được bơm vào đại tràng để giúp làm căng và quan sát rõ hơn.

  • Cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng biến mất sau khi kết thúc thủ thuật và lượng hơi được hút ra ngoài.

  • Một số ít trường hợp có thể cảm thấy đau do căng mạc treo đại tràng, đặc biệt ở những đoạn cong gập hoặc có dính ruột; khi đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh lượng hơi hoặc tư thế nằm để giảm khó chịu cho người bệnh.

Đối với người bệnh có ngưỡng chịu đau thấp hoặc có tiền sử thủ thuật khó, có thể được chỉ định nội soi gây mê hoặc tiền mê, giúp đảm bảo thoải mái trong suốt quá trình thực hiện.

4. An toàn và lưu ý sau nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là thủ thuật tương đối an toàn, ít biến chứng nếu được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và tuân thủ đầy đủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Sau nội soi, người bệnh cần lưu ý:

  • Không nên uống rượu, lái xe hoặc vận hành máy móc trong vòng 24 giờ nếu có sử dụng thuốc an thần/gây mê.

  • Nên nghỉ ngơi, ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước và theo dõi các dấu hiệu bất thường như đau bụng dữ dội, chảy máu hậu môn...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top