Người bệnh có hiện tượng sốt nhẹ, trong một vài ngày thì trên da xuất hiện những ban đỏ, cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, các tổn thương trên da thường mọc ở thân mình sau đó mau chóng lây lan đến các vùng khác của cơ thể như da đầu, mặt, chân tay…
Sau 1-2 ngày, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những mụn nước, bóng nước. Mụn nước có kích thước từ 1 đến 3mm, bên trong có chứa dịch trong suốt. Trường hợp các mụn nước có dịch màu đục, chứa mủ, kích thước lớn hơn, thì bệnh đã nặng, bị nhiễm trùng.
Với những trường hợp bình thường, mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày.
Người bệnh là trẻ nhỏ, sẽ có biểu hiện là sốt nhẹ, lười ăn; nếu người bệnh là người lớn, các biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, đau cơ sẽ xuất hiện.
Những biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế ngay: Trong nhiều trường hợp bệnh thủy đậu kèm tình trạng đau da, ban tổn thương bài tiết chất dịch màu xanh – đây là dấu hiệu nhiễm trùng da cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Bệnh thủy đậu nếu kèm dấu hiệu liên tục buồn ngủ, cổ cứng, thờ ơ – thì hãy cẩn thận với các triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm màng não hoặc viêm não.
Cần gặp và hỏi ý kiến bác sĩ về bệnh thủy đậu nếu nghi ngờ triệu chứng thủy đậu. Sau khi thăm khám, nếu đúng bị thủy đậu, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Có thể sử dụng thuốc uống hoặc kết hợp với thuốc bôi ngoài da tùy từng trường hợp.
Cần cách ly người bệnh thủy đậu cho tới khi các mụn nước đã khô và các tổn thương đóng vẩy đã giảm.
Cắt móng tay, hoặc đi tất nếu người bệnh là trẻ nhỏ để tránh việc gãi làm trầy xước, lở loét các mụn nước.
Giữ vệ sinh sạch sẽ, lau rửa cơ thể hàng ngày để cho các tổn thương sạch. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối.
Không tùy ý sử dụng thuốc để uống và bôi cho trẻ khi chưa có thăm khám và chỉ định của bác sĩ, Đặc biệt, không được dùng aspirin cho trẻ mắc bệnh thủy đậu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh