1. Ho ra máu là di chứng của bệnh lao phổi
Ho ra máu có thể lượng ít, vừa hay nhiều. Ho ra máu rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong nhanh chóng. Đây là một di chứng của bệnh lao phổi do điều trị muộn.
2. Giãn phế quản
Vi khuẩn lao phá hủy nhu mô phổi, tổ chức xơ phát triển, dây xơ co kéo làm phế quản bị biến dạng hẹp lại, có khi trong lòng phế quản cũng bị tổn thương. Phế quản của vùng phổi bị lao trước đó có thể bị di chứng giãn phế quản. Đây là di chứng rất thường gặp ở cả trẻ em và người lớn.
Khi bị giãn phế quản, người bệnh lao phổi sẽ thấy xuất hiện triệu chứng khạc đờm mạn tính. Đờm nhày để lắng thành nhiều lớp, khi có nhiễm trùng thì thành mủ. Trong một số trường hợp, giãn phế quản khu trú và khi có nhiều biến chứng như nhiễm trùng tái diễn, ho ra máu lượng nhiều, có chỉ định mổ cắt bỏ phần phổi bệnh.
3. U nấm phổi Aspergillus
Vi khuẩn lao tấn công vào nhu mô phổi sẽ tạo thành những hoại tử bã đậu, sau khi điều trị ổn sẽ để lại những hang lao. Những hang lao này nếu nhỏ sẽ bị xơ hóa và biến mất, nhưng trường hợp nhu mô phổi tổn thương nhiều tạo thành những hang lớn thì rất khó bị xơ hóa và lấp đầy hang. Hang lao tồn tại lâu ngày có thể bị nấm Aspergillus fumigatus trong không khí bám vào rồi sinh sôi, phát triển thành cục nấm gọi là u nấm. U nấm sẽ làm người bệnh ho ra máu, lượng nhiều, dai dẳng.
4. Xơ phổi là di chứng của bệnh lao phổi nguy hiểm
Vùng nhu mô phổi bị lao lâu ngày sẽ dẫn tới hóa xơ. Nếu ít, không ảnh hưởng đến chức năng phổu. Nếu nhiều quá, phần phổi bị xơ không hoạt động trao đổi khí được, bệnh nhân bị suy hô hấp. Có nhiều người khi chụp phim phổi tình cờ phát hiện có tổn thương xơ, di chứng của lao trước đó đã tự khỏi.
5. Tràn khí màng phổi
Các tổn thương dạng bóng khí nằm ở sát bên màng phổi có thể bị vỡ làm không khí tràn vào khoang màng phổi gọi là tràn khí màng phổi. Đây là biến chứng nặng, gây suy hô hấp nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Biến chứng có thể xảy ra sau một gắng sức hoặc không có tác nhân nào cụ thể. Bệnh nhân đột ngột thấy đau ngực, khó thở nhiều hay ít là tùy tình trạng hô hấp trước đó của bệnh nhân.
Nếu là người đã suy hô hấp do di chứng của bệnh phổi khác có sẵn, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính .. thì tràn khí màng phổi sẽ gây suy hô hấp cấp nguy hiểm đến tính mạng.
6. Suy hô hấp mạn tính
Nếu bệnh lao quá nặng, tổn thương phổi nhiều thì sau khi chữa khỏi di chứng cũng rất nặng nề. Phổi bị xơ hóa nhiều, không hoạt động trao đổi khí được, bệnh nhân sẽ suy hô hấp. Cũng cần nhắc lại việc nghiện hút thuốc lá sẽ thúc đẩy diễn tiến của bệnh nhanh chóng đi đến kết thúc hơn.
Để tránh các di chứng của bệnh lao phổi để lại cũng như ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc tái khám định kỳ cũng góp phần quan trọng nhằm theo dõi và điều chỉnh đơn thuốc chữa lao phổi phù hợp, đồng thời xử lý kịp thời biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh