Bạn có biết về phương pháp "10-3-2-1-0" giúp ngủ ngon hơn không?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, người lớn nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm, nhưng có vẻ như nhiều người không làm được điều đó.

Khó ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, vì vậy các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số phương pháp giúp mọi người ngủ ngon hơn. Để giúp những người trằn trọc nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, TS.BS người Mỹ Jess Andrade gợi ý phương pháp ngủ "10-3-2-1-0". Cô lưu ý rằng lời khuyên này không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người có tiền sử bệnh nền. Bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ khi đang có những lo lắng về các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.

Phương pháp "10-3-2-1-0" cụ thể như sau:

10 giờ trước khi đi ngủ không uống caffeine

Theo TS.BS Jess Andrad, 10 tiếng là khoảng thời gian cần và đủ để đào thải caffeine (một chất kích thích, thúc đẩy tỉnh táo) ra khỏi máu. Vì thế, 10 giờ trước khi ngủ bạn không nên sử dụng đồ uống chứa chất kích thích này. Ví dụ như cà phê, trà, nước ngọt có gas...

 

3 giờ trước khi ngủ hạn chế ăn uống

"Kết thúc bữa ăn lớn hoặc uống rượu trước 3 giờ khi ngủ có thể giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày và hạn chế tình trạng gián đoạn giấc dủ do rượu gây ra", TS.BS Jess Andrad cho biết.

 

2 giờ trước khi đi ngủ ngừng làm việc

Dừng mọi công việc ít nhất 2 giờ trước khi lên giường giúp não có thời gian thư giãn, sẵn sàng cho giấc ngủ. Một ngày làm việc dài có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng, thao thức vào ban đêm. Thư giãn nhiều, nghỉ ngơi hợp lý để có thêm năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo.

 

1 giờ trước khi ngủ không xem điện thoại

Các chuyên gia y tế cho rằng, thời gian sử dụng thiết bị điện tử vào đêm khuya là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lệch múi giờ xã hội - sự không phù hợp giữa nhu cầu ngủ tự nhiên của cơ thể và thời gian thực hiện các nhiệm vụ xã hội.

Xem điện thoại là một phần của thói quen thư giãn vào ban đêm, tuy nhiên hãy kết thúc thời gian sử dụng các thiết bị điện tử sớm hơn. TS.BS Jess Andrade khuyến nghị, 1 giờ trước khi đi ngủ, hãy hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử vì ánh sáng xanh sẽ làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể.

 

0 nhấn nút báo thức lại vào buổi sáng

Nhiều người có thói quen hẹn báo thức cách nhau vài phút, nhấn báo thức lại để ngủ thêm. Giấc ngủ thêm có thể làm cho cơ thể mệt mỏi, uể oải. Nên để đồng hồ báo thức cách xa giường ngủ và đặt báo thức gần với thời điểm cần thức dậy vào hôm sau.

Tuy nhiên, TS.BS Jess Andrade lưu ý rằng mẹo này có thể không hiệu quả với tất cả mọi người. Bởi những lợi ích của việc nhấn nút báo thực lại đã được đưa ra tranh luận rất nhiều. Một nghiên cứu vào năm ngoái nhận thấy, gần 1/4 người Mỹ trưởng thành áp dụng thói quen nhấn báo thức lại để ngủ nhiều hơn và họ cho rằng điều đó giúp ích.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top