✴️ Bệnh alzheimer và cách chăm sóc người bệnh cho đúng

Nội dung

1. Bệnh Alzheimer và “nỗi khổ” của người cao tuổi

Tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh lý càng gia tăng. Sự lão hóa của các tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh, kéo theo nhiều bệnh lý trong đó có bệnh Alzheimer.

Nhiều người nhầm lẫn Alzheimer là hội chứng suy giảm trí nhớ thông thường ở người cao tuổi. Nhưng bệnh Alzheimer không chỉ đơn thuần là sự suy giảm trí nhớ ở người già. Đây là một chứng bệnh khiến nhiều phần của não bộ bị teo đi. Bên cạnh việc suy giảm trí nhớ, bệnh còn kéo theo nhiều hậu quả nguy hiểm: người bệnh không tự phục vụ được nhu cầu cơ bản của bản thân, phụ thuộc vào người khác, nguy cơ mắc các bệnh cơ hội như viêm phổi, nhiễm trùng, chấn thương,… Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất hầu hết trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ và không tự chủ được hành vi của mình. Người bệnh suy nhược cơ thể và có thể nằm trên giường hầu hết thời gian cho đến khi cơ thể ngừng hoạt động.

Bệnh Alzheimer thường xuất hiện từ độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, một số rất ít bệnh có thể xuất hiện từ độ tuổi 30-60 tuổi.

Không chỉ là “nỗi phiền toái” của người già với tình trạng “nhớ nhớ quên quên” mà Alzheimer còn gây nhiều áp lực đè nặng lên tâm lý của người trực tiếp chăm sóc người bệnh.

Bệnh Alzheimer không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý của những người chăm sóc.

 

2. Bệnh Alzheimer và cách chăm sóc người bệnh cho đúng

Quá trình chăm sóc người bệnh Alzheimer gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều người từng bị áp lực, thậm chí “bất lực” trong quá trình này do những triệu chứng mà bệnh Alzheimer gây ra. Nếu không hiểu bệnh Alzheimer và không biết cách chăm sóc người bệnh ở từng giai đoạn thì người chăm sóc sẽ dễ gặp những tổn hại về sức khỏe và tâm lý. Ngược lại, nếu biết chăm sóc người bệnh Alzheimer đúng cách thì quá trình chăm sóc sẽ trở nên dễ dàng hơn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Sau đây là những điều cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân Alzheimer:

 

2.1 Bệnh Alzheimer và cách chăm sóc người bệnh giai đoạn nhẹ

Ở giai đoạn đầu (giai đoạn nhẹ) các triệu chứng của bệnh Alzheimer rất khó phân biệt với chứng suy giảm trí nhớ thông thường ở người lớn tuổi. Người bệnh gặp khó khăn một chút trong việc tự quản lý cuộc sống của mình, nhưng đa số họ vẫn có thể tự làm được các việc như chăm sóc bản thân hàng ngày. Các triệu chứng “nhớ nhớ quên quên” diễn ra ít nhưng bắt đầu có sự thay đổi về hành vi và tâm trạng.

Người bệnh có thể có những cảm xúc tiêu cực như: cáu gắt, sợ hãi, giận dữ, xấu hổ,… Ở giai đoạn này người bệnh và người nhà nên dành thời gian tìm hiểu về bệnh Alzheimer, không nên quá lo lắng hoặc sợ hãi khi được chẩn đoán mắc bệnh. Hãy an ủi, chia sẻ một cách tình cảm và nhẹ nhàng để người bệnh cảm thấy tự tin, vui vẻ và lạc quan hơn trong cuộc sống. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như lái xe, nấu nướng,… người bệnh có thể bắt đầu gặp những khó khăn, bạn hãy thay họ đảm nhận những vị trí này hoặc cùng họ thực hiện các công việc để người bệnh vừa được giám sát và họ vừa có cảm giác vẫn có thể thực hiện các công việc một cách cẩn thận.

Ở giai đoạn đầu hãy an ủi, chia sẻ một cách tình cảm và nhẹ nhàng với người bệnh để người bệnh cảm thấy tự tin, vui vẻ và lạc quan hơn trong cuộc sống.

 

2.2 Bệnh Alzheimer và cách chăm sóc người bệnh giai đoạn trung bình

Ở giai đoạn trung bình, người bệnh bắt đầu gặp khó khăn hơn trong việc tự lập. Họ có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày như chăm sóc bản thân, các công việc đơn giản xung quanh nhà hoặc vườn khi có sự nhắc nhở và yêu cầu từ người khác. Các hoạt động đòi hỏi tính tổ chức cao hơn như nấu ăn, mua sắm, giữ nhà cửa sạch sẽ,… đều cần được nhắc nhở và có sự hỗ trợ.

Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu có hiện tượng quên đường về nhà, họ dễ đi lạc, làm các công việc không cẩn thận và có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Một số hành vi được lặp lại một cách vô thức như đi đi lại lại, quanh quẩn tìm một thứ gì đó, khó diễn đạt bằng ngôn ngữ (khó hiểu những gì người khác nói và nói những điều người khác khó hiểu), dễ nhầm lẫn giữa hiện tại và quá khứ.

Người bệnh giai đoạn này cần sự thông cảm của người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, gia đình và những người thân xung quanh. Đừng quá căng thẳng, đừng ghét bỏ người bệnh. Bên cạnh đó, bạn cần có một nền tảng sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng trước khi chăm sóc bệnh nhân.

Giai đoạn này cần sự thông cảm và chăm sóc của người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, gia đình và những người thân xung quanh.

 

2.3 Bệnh Alzheimer và cách chăm sóc người bệnh giai đoạn nặng

Khi người bệnh Alzheimer ở giai đoạn nặng, sự chăm sóc của những người thân xung quanh là điều vô cùng cần thiết. Việc chăm sóc người bệnh giai đoạn này đòi hỏi sự kiên trì và cố gắng cao. Ở giai đoạn nặng, người bệnh hầu như không thể tự chủ được hành động và suy nghĩ của mình. Họ không thể tự thực hiện các hoạt động chăm sóc bản thân hàng ngày như tắm, rửa mặt, đánh răng, ăn, uống,… Họ thường cảm thấy bồn chồn, áo giác, nhầm lẫn và ít hợp tác với người chăm sóc.

Nếu có điều kiện, bạn có thể đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có nhân viên chuyên chăm sóc cho người bệnh Alzheimer. Điều này có thể giúp người bệnh được chăm sóc một cách tốt hơn và đồng thời giảm bớt gánh năng, áp lực cho những người thân trong gia đình.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về bệnh Alzheimer cũng như cách chăm sóc người bệnh theo từng giai đoạn. Hi vọng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn phần nào trong quá trình chăm sóc bệnh nhân Alzheimer. Nếu có người thân mắc bệnh này, bạn đưa họ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nội thần kinh uy tín để được tư vấn cách điều trị và chăm sóc phù hợp nhất. Hãy đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi ở các mục tiếp theo để có thêm kiến thức về bệnh Alzheimer và nhiều bệnh lý thần kinh khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top