Bệnh nhồi máu não và cách điều trị

Nội dung

Nhồi máu não chiếm từ 80 đến 85% số trường hợp người bệnh bị đột quỵ não. Trong khi có đến một nửa ca đột quỵ não dẫn tới tử vong. Vì vậy, bệnh nhồi máu não vô cùng nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 

 

Nhồi máu não chiếm từ 80 đến 85% số trường hợp người bệnh bị đột quỵ não.

 

BỆNH NHỒI MÁU NÃO LÀ GÌ?

Nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một vùng não không được cung cấp đầy đủ máu, thông thường là do hẹp hay tắc một động mạch não hoặc do hạ huyết áp. Phần não bị ngừng cung cấp máu này được gọi là thiếu máu não. Nếu sự cung cấp máu đến não không được khắc phục và kéo dài thì phần não đó sẽ bị tổn thương và hoại tử do thiếu oxy và glucose. Vùng não bị hoại tử này được gọi là nhồi máu não.

 

NGUYÊN NHÂN GÂY NHỒI MÁU NÃO

Nhồi máu não do nhiều nguyên nhân gây ra:

  • Xơ vữa huyết khối của mạch máu lớn
  • Bệnh tim gây huyết khối: rung nhĩ, van tim, hẹp hai lá, viêm nội tâm mạc…
  • Phình tách động mạch chủ
  • Tắc các mạch máu nhỏ trong não
  • Bệnh động mạch không xơ vữa
  • Bệnh về máu…

Bên cạnh đó, có một số yếu tố thúc đẩy bệnh nhồi máu não dễ xảy ra, bao gồm:

  • Mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, đa hồng cầu…
  • Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ, tai biến thiếu máu não

 

TRIỆU CHỨNG NHỒI MÁU NÃO

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của não cũng như vị trí của vùng não bị tổn thương mà bệnh nhân nhồi máu não gặp một số triệu chứng như sau:

  • Đau đầu dữ dội đột ngột mà không biết rõ nguyên nhân. Đau đầu kèm hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực khó thở, đi đứng loạng choạng, mắt mờ nhìn không rõ.
  • Yếu liệt nửa người và tê bì, mất cảm giác nửa người hoặc tê liệt toàn thân. Tê liệt tay chân và cơ thể mất hoạt động, không phối hợp được các hoạt động tay chân thân người.
  • Méo miệng, liệt mặt, nói ngọng, khó nói thậm chí có thể không nói được, nôn ói, chảy nước dãi.
  • Rối loạn ý thức, suy giảm trí nhớ và lú lẫn. Không thể nhận biết rõ xung quanh.
  • Có thể bị co giật, đại tiểu tiện dầm dề không tự chủ hoặc hôn mê.

 

Để chẩn đoán bệnh nhồi máu não bác sĩ cần dựa vào triệu chứng lâm sàng (đã nêu trên) và hình ảnh chụp cắt lớp

 

CHẨN ĐOÁN NHỒI MÁU NÃO

Để chẩn đoán bệnh nhồi máu não bác sĩ cần dựa vào triệu chứng lâm sàng (đã nêu trên) và hình ảnh chụp cắt lớp:
Hình ảnh chụp cắt lớp não: Trong giai đoạn tối cấp 3-6 giờ của nhồi máu não, các thay đổi trên hình ảnh chụp cắt lớp não thường rất kín đáo, chủ yếu là do phù não ở vùng thiếu máu não gây ra. Các dấu hiệu sớm của bệnh trên chụp cắt lớp vi tính não bao gồm mất ranh giới chất trắng chất xám, mờ rãnh cuộn não, hẹp khe Sylvius, mất dải băng thuỳ đảo, hẹp não thất và bể đáy, tăng tỷ trọng mạch máu trong khu vực đa giác Willis do cục máu đông, đặc biệt là động mạch não giữa. Trong giai đoạn sau khi ổ nhồi máu não đã hình thành thì hình ảnh chụp cắt lớp não là ổ giảm tỷ trọng ở vùng vỏ não, vùng dưới vỏ não hoặc ở vùng chất trắng hay chất xám trong sâu theo vùng chi phối tưới máu của động mạch.

 

ĐIỀU TRỊ NHỒI MÁU NÃO

Khi mắc bệnh nhồi máu não, các bệnh nhân sẽ được điều trị theo cách thức sau:

  • Điều trị tiêu huyết khối: Đây là biện pháp điều trị đặc hiệu của nhồi máu não. Tuy nhiên, để áp dụng được biện pháp này người bệnh phải đáp ứng được một loạt tiêu chuẩn xét nghiệm và thời gian trong đó tiêu chuẩn bắt buộc là thời gian trong vòng 3 giờ kể từ khi khởi phát.
  • Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu khác: Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu là các thuốc được lựa chọn trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng hoặc không dung nạp với aspirin.
  • Các thuốc chống đông khác được chỉ định điều trị trong đột quỵ nhồi máu não có rung nhĩ, bệnh van tim và ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Dùng thuốc hạ huyết áp: Tăng huyết áp là nguy cơ chính của đột quỵ não. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp chưa bị đột quỵ, nếu điều trị huyết áp trung bình giảm được 5,8mmHg thì nguy cơ đột quỵ giảm 42%. Việc lựa chọn loại thuốc hạ huyết áp tùy từng trường hợp cụ thể.
  • Điều trị tiểu đường với người bệnh nhồi máu não có mắc tiểu đường: Cần đưa mức đường máu về bình thường và HbA1c dưới 7%. Trong đột quỵ não nếu mức đường máu > 10mmol/L thì nên dùng insulin để kiểm soát đường máu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top