Bệnh Parkinson có thể là nguyên nhân của vấn đề tiêu hóa

Nội dung

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa mạn tính tiến triển, thường thấy ở người cao tuổi (tuổi khởi bệnh trung bình từ 58 - 60). Xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung bình tăng. Trên thực tế, ngoài bệnh Parkinson còn nhiều người bệnh có biểu hiện tương tự, người ta gọi là hội chứng Parkinson.

Hội chứng Parkinson có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thoái hóa thần kinh, nhiễm khuẩn (viêm não), nhiễm độc (trong đó có một số thuốc an thần kinh…),  chấn thương, tổn thương mạch máu não (đột quỵ, đái tháo đường, vữa xơ mạch não, tăng huyết áp)...

Các biến chứng thường xảy ra ở những người bệnh Parkinson giai đoạn trễ

- Té ngã: Rất thường gặp, gây chấn thương, gãy xương. Đặc biệt gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi.

- Sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ).

- Nhiễm trùng phổi, đường tiểu.

- Sụt cân, suy kiệt.

Ngoài ra còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc levodopa như dao động vận động, loạn động. Biến chứng này thường khó tránh, vì hầu hết người bệnh đều cần điều trị levodopa trong một thời gian dài. Nói cách khác là dùng levodopa suốt đời.

 

Mối tương quan thuận - nghịch

Đối với hệ thống tiêu hóa, bệnh Parkinson có thể gây các triệu chứng trên hệ tiêu hóa dưới nhiều mức độ khác nhau. Đôi khi, việc sử dụng một số thuốc điều trị lại là yếu tố chính dẫn tới các rối loạn này. Tuy vậy, bản thân bệnh Parkinson cũng gây tổn thương đến các sợi thần kinh kiểm soát hoạt động của đường ruột.

Táo bón là một trong những triệu chứng ngoài vận động, hay gặp nhất đối với người bệnh Parkinson, đồng thời cũng nằm trong nhóm các dấu hiệu thường xuất hiện đầu tiên. Táo bón có thể là triệu chứng trực tiếp từ bệnh Parkinson. Tuy nhiên, chúng có thể nặng hơn do:

- Uống ít nước hơn.

- Thay đổi chế độ ăn.

- Ít vận động.

- Sử dụng một số thuốc điều trị.

Cảm giác đầy hơi, khó tiêu xuất hiện thường do sự làm rỗng dạ dày bị chậm lại (sự chậm làm rỗng dạ dày). Nó cũng có thể gây buồn nôn và đau bụng. Buồn nôn đôi khi xảy ra do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị.

Ở chiều ngược lại, các rối loạn trên hệ tiêu hóa có thể tác động đến hiệu quả điều trị của một số thuốc. Trong đó bao gồm cả levodopa- loại thuốc được sử dụng nhiều nhất đối với bệnh Parkinson.

- Chậm làm rỗng dạ dày có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu.

- Thức ăn cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự hấp thu levodopa.

Do đó thực hiện một chế độ ăn phù hợp trong khẩu phần, thời gian ăn và số lượng bữa ăn không những góp phần cải thiện hệ tiêu hóa, mà còn hỗ trợ tốt cho quá trình sử dụng thuốc.

Với vấn đề táo bón, có thể sử dụng các biện pháp như:

- Tăng cường sử dụng những thực phẩm giàu chất xơ: Ngũ cốc nguyên cám; Các sản phẩm từ yến mạch nguyên hạt; Quả mận, mơ sấy khô; Các loại đậu.

- Uống nhiều nước.

- Bổ sung những sản phẩm từ sữa lên men có kèm lợi khuẩn như sữa chua trong bữa ăn.

- Tăng cường vận động và tập thể dục.

Với vấn đề chậm làm rỗng dạ dày:

- Hạn chế các loại thực phẩm chứa phô mai, đồ ngọt và chất béo.

- Tránh ăn quá nhiều.

- Chia làm 3 bữa chính mỗi ngày.

- Tránh ngủ trưa/ngủ tối ngay sau khi ăn.

 

Khi nào cần dùng thuốc?

Nếu lối sống và chế độ ăn kiêng không giúp cải thiện các triệu chứng trên đường tiêu hóa, hãy trao đổi với bác sĩ để có những biện pháp toàn diện, an toàn và hiệu quả, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.

Táo bón: Các thuốc làm tăng khối lượng phân như Metamucil (chất xơ dạng viên) là một trong những lựa chọn đầu tiên. Một số chế phẩm từ thảo dược như trà Senna cũng thường được sử dụng. Nếu chúng vẫn không hiệu quả, có thể phải sử dụng một số thuốc nhuận tràng dưới dạng viên, bột hoặc dung dịch. Các thuốc làm tăng nhu động ruột cũng có thể hữu ích.

Chậm làm rỗng dạ dày: Thức ăn sẽ lưu lại trong dạ dày bạn lâu hơn mức bình thường. Chúng thường xuất hiện trên những người bệnh vừa bị Parkinson và bị đái tháo đường. Nếu bạn bị đái tháo đường, hãy đảm bảo kiểm soát đường huyết của bạn trong giới hạn cho phép. Bác sĩ điều trị sẽ giúp bạn xây dựng một chương trình luyện tập đi kèm chế độ ăn và sử dụng thuốc hợp lý.

 

Thực phẩm chức năng và Parkinson

Nhiều người cho rằng, các thực phẩm chức năng và sản phẩm bổ sung có thể giúp ích cho bệnh nhân Parkinson. Nhưng thực tế không có bằng chứng khoa học nào về hiệu quả của chúng đối với bệnh Parkinson. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định hoặc khuyến nghị bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng phù hợp, nhằm giảm những tác dụng không mong muốn của các thuốc điều trị cũng như phòng ngừa các vấn đề sức khỏe ở bệnh nhân. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về các thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bổ sung.

- Các thuốc điều trị Parkinson có thể làm giảm nồng độ vitamin B trên một số người bệnh. Thiếu hụt B12 có thể làm các triệu chứng Parkinson thêm trầm trọng. Vì vậy, đối với nhiều trường hợp, bổ sung thêm vitamin kết hợp có thể có hiệu quả.

- Vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với xương. Nó giúp ngăn cản quá trình loãng xương, một dấu hiệu rất phổ biến và có thể gây ra gãy xương với những người bệnh có nguy cơ té ngã cao. Tắm nắng thường xuyên là cách tự nhiên nhất để tăng hấp thu vitamin d cho cơ thể. 

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa mạn tính tiến triển, thường thấy ở người cao tuổi (tuổi khởi bệnh trung bình từ 58- 60). Xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung bình tăng. Trên thực tế, ngoài bệnh Parkinson còn nhiều người bệnh có biểu hiện tương tự, gọi là hội chứng Parkinson.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top