✴️ Bệnh thần kinh do đái tháo đường

Nội dung

Bệnh thần kinh do đái tháo đường là một biến chứng của bệnh đái tháo đường dẫn đến tổn thương hệ thần kinh. Đây là bệnh lý có xu hướng tiến triển và các triệu chứng sẽ ngày càng xấu đi theo thời gian.

Bệnh lý thần kinh xảy ra khi lượng chất béo hoặc lượng đường tăng cao trong máu làm tổn thương đến các dây thần kinh. Nó có thể ảnh hưởng đến hầu như tất cả các dây thần kinh trong cơ thể, với một loạt các triệu chứng.

Các dây thần kinh đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động sống của cơ thể. Chúng giúp cơ thể trong việc di chuyển, gửi thông điệp về sự cảm nhận mọi thứ và điều khiển các chức năng tự chủ của cơ thể, chẳng hạn như việc hít thở.

Hệ thống thần kinh bao gồm nhiều loại. Một số thuộc hệ thần kinh ngoại biên, bên cạnh đó là các dây thần kinh điều khiển hoạt động các cơ quan nội tạng, chẳng hạn như tim, bàng quang và ruột. Bằng cách này, nó có thể ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể.

Phân loại bệnh thần kinh do đái tháo đường

Có bốn loại biến chứng thần kinh chính có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, bao gồm:

  • Biến chứng thần kinh ngoại biên đối xứng: xảy ra ở bàn chân và bàn tay. Đây là dạng bệnh thần kinh do đái tháo đường phổ biến nhất.
  • Biến chứng thần kinh tự chủ: xảy ra ở các dây thần kinh chi phối các chức năng không tự chủ của cơ thể, chẳng hạn như tiêu hóa, tiểu tiện hoặc nhịp tim.
  • Rễ thần kinh vùng ngực và thắt lưng, hoặc các thần kinh gốc: đây là tổn thương các dây thần kinh dọc theo một khu phân bố cụ thể trong cơ thể, chẳng hạn như thành ngực hoặc vùng chân.
  • Bệnh đơn dây thần kinh: có thể ảnh hưởng đến bất kỳ dây thần kinh nào.

Các triệu chứng của bệnh thần kinh phụ thuộc vào loại và các dây thần kinh liên quan.

Các triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh do đái tháo đường thường mất vài năm mới hình thành. Các dấu hiệu và triệu chứng sẽ phụ thuộc vào loại bệnh và dây thần kinh mà nó ảnh hưởng.

Các triệu chứng

Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm:

  • Cảm giác tê, đau, ngứa châm chích và nóng bừng bắt đầu ở ngón chân và ngón tay sau đó tiếp tục lan dần lên cẳng chân hoặc tay;
  • Mất trương lực cơ ở bàn tay và bàn chân;
  • Mất cảm giác nhận biết nóng, lạnh hoặc các chấn thương cơ thể;
  • Mất thăng bằng;
  • Khớp Charcot, đây là tình trạng một khớp bị gẫy trật vì các vấn đề về thần kinh, thường là ở bàn chân.

Bệnh thần kinh ngoại biên ảnh hưởng đến bàn chân có thể gây khó khăn trong việc đứng và đi lại, vì thế làm tăng nguy cơ bị ngã. Và khi không thể nhận biết được cảm giác nóng, lạnh hoặc khi bị thương, điều này sẽ dẫn đến các vấn đề khác.

Ví dụ, bàn chân khi bị phồng rộp lên có thể sẽ dẫn đến bị lở loét vì người bệnh không cảm thấy đau trong giai đoạn đầu. Khi nhiễm trùng tăng lên, sẽ khiến bàn chân bị hoại thư. Cuối cùng, có thể cần phải cắt cụt chi.

Bệnh thần kinh tự chủ

Các tác động của bệnh thần kinh tự chủ bao gồm:

  • Ợ nóng và đầy hơi;
  • Buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy;
  • Hạ đường huyết không nhận biết, là tình trạng người bệnh không nhận biết được khi mức đường huyết xuống thấp;
  • Khó nói hoặc khó nuốt;
  • Cảm giác chán ăn;
  • Nôn mửa vài giờ sau khi ăn;
  • Hạ huyết áp tư thế, hoặc cảm thấy choáng váng và chóng mặt khi đứng lên;
  • Nhịp tim nhanh hơn bình thường;
  • Đổ mồ hôi nhiều, ngay cả khi ở nhiệt độ mát mẻ hoặc khi nghỉ ngơi;
  • Các vấn đề về bàng quang, ví dụ như tiểu không hết, dẫn đến tiểu không tự chủ;
  • Rối loạn các khả năng liên quan đến tình dục ở nam và nữ;
  • Rối loạn cảm giác hoặc cảm xúc bị lẫn lộn;
  • Liệt mặt và sụp mí mắt;
  • Co rút và yếu cơ.

Các loại khác

Có nhiều loại bệnh lý thần kinh.

Bệnh thần kinh gốc có thể dẫn đến đau ở phần dưới cơ thể, thường ở một bên và yếu ở chân.

Các triệu chứng của bệnh thần kinh khu trú có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Bệnh thần kinh khu trú và bệnh thần kinh sọ đều có thể dẫn đến rối loạn thị giác, chẳng hạn như nhìn đôi. Những người bị bệnh thần kinh do đái tháo đường thường không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi các triệu chứng dần rõ rệt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top