Vitamin D là một loại vitamin tan trong dầu, giúp cho xương chắc khỏe, cần cho sự phát triển của tế bào và tăng cường miễn dịch.
Cơ thể của bạn hấp thu vitamin D chủ yếu thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mặc dù một số thực phẩm cũng cung cấp vitamin này. Tình trạng thiếu vitamin D xảy ra khi cơ thể không hấp thu đủ lượng khuyến cáo và có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề sau:
- Chứng nhuyễn xương
- Loãng xương (mật độ xương giảm)
- Thoái hóa khớp
- Bệnh tim
- Ung thư
- Bệnh còi xương ở trẻ em
Mối liên quan giữa vitamin D và trầm cảm
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa sự thiếu hụt vitamin D và trầm cảm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người bị trầm cảm có nồng độ vitamin D thấp. Theo thống kê, những người có lượng vitamin D thấp cũng tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Bởi vì vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với chức năng của não bộ nên thiếu hụt vitamin này có thể gây ra trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2005 đã tìm thấy các thụ thể tiếp nhận viatmin D ở vùng não liên quan đến bệnh trầm cảm.
Yếu tố nguy cơ gây thiếu vitamin D
Rát nhiều yếu tố có thể gây thiếu vitamin D, phổ biến nhất là ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, lối sống, tuổi tác...
- Tắm nắng: Phơi nắng là cách cung cấp vitamin D chủ yếu ở hầu hết mọi người. Nếu bạn không tiếp xúc với ánh nắng hoặc bôi kem chống nắng quá nhiều có thể dẫn đến thiếu vitamin D. Thời gian tắm nắng cũng tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống cũng như mùa nào trong năm. Những người có da sáng màu thường hấp thu vitamin D nhanh hơn. Bạn cần phơi nắng ít nhất 15 phút mỗi ngày để có đủ lượng vitamin D cần thiết.
- Chế độ ăn: một số loại thức ăn giàu vitamin D mà bạn có thể sử dụng như:
- Cá hồi
- Cá thu
- Các loại cá béo khác
- Dầu cá
- Mỡ động vật
- Nước cam, ngũ cốc
Nếu bạn ăn chay thì bạn rất có khả năng bị thiếu vitamin D.
- Màu da: Những người da màu có lượng melanin lớn, làm giảm sản xuất vitamin D. Theo một nghiên cứu năm 2006 ở Mỹ, sự thiếu hụt vitamin D gặp ở người da đen nhiều hơn.
- Sống ở vùng có ít ánh nắng mặt trời: Nếu nơi bạn ở có ít ánh nắng mặt trời, bạn có thể cần nhiều thời gian ở ngoài trời hơn để tăng tiếp xúc với ánh nắng.
- Béo phì: Có mối liên quan giữa sự thiếu hụt vitamin D và những người có chỉ số BMI từ 30 trở lên. Những người béo phì cần hấp thu một lượng vitamin D nhiều hơn những người có cân nặng trung bình để đạt được nồng độ khuyến cáo.
- Tuổi tác: khi bạn càng già thì khả năng tổng hợp vitamin D của da bạn càng giảm. Những người lớn tuổi thường ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có chế độ ăn nghèo vitamin D.
Triệu chứng
Nếu thiếu vitamin D, bạn có thể có các biểu hiện:
- Đau xương
- Mệt mỏi, uể oải
- Đau cơ, khớp
Bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm, bao gồm:
- Chán nản, vô vọng, và bất lực
- Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự sát
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Không còn hứng thú với các sở thích của mình
- Thờ ơ
- Giảm cân quá mức hoặc tăng cân
- Chán ăn
- Kém tập trung
- Hay quên
- Giảm hứng thú tình dục
- Đau đầu hoặc đau lưng
- Lo âu
Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào nêu trên, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán thiếu vitamin D, bác sĩ cần xét nghiệm nồng độ vitamin D trong máu của bạn.
Nhưng bác sĩ không thể chẩn đoán trầm cảm thông qua xét nghiệm máu mà họ cần khai thác các triệu chứng, thăm khám và cho bạn làm một bài tự đánh giá. Bạn cũng có thể được làm những xét nghiệm khác để xác định bệnh lí nguyên nhân hoặc nếu những triệu chứng trầm cảm của bạn có liên quan đến thiếu vitamin D.
Điều trị
Bạn có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin D bằng các biện pháp:
- Uống các sản phẩm bổ sung vitamin D
- Tắm nắng
- Ăn các thực phẩm giàu vitamin D
Để điều trị trầm cảm, liệu pháp tâm lí và các thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng. Bác sĩ có thể sử dụng riêng rẽ hoặc phối hợp các biện pháp tùy thuộc vào triệu chứng của bạn và mục đích điều trị.
Nếu bệnh trầm cảm của bạn có liên quan đến sự thiếu hụt vitamin D thì việc bổ sung vitamin D có thể cải thiện các triệu chứng.
Tốt nhất là bạn nên nói chuyện với bác sĩ để tìm ra lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân.
Bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp sau để hạn chế các triệu chứng của bệnh trầm cảm:
- Tập luyện thường xuyên: Tập luyện hàng ngày có thể giảm các triệu chứng trầm cảm do kích thích não giải phóng các chất hóa học “hưng phấn” như endorphin. Nó còn làm giảm các chất hóa học của hệ miễn dịch – những chất khiến tình trạng trầm cảm tồi tệ hơn.
- Ngủ nghỉ đúng giờ: Mất ngủ, ngủ quá nhiều và các vấn đề khác của giấc ngủ có liên quan đến trầm cảm. Để đối mặt với những triệu chứng này, bạn nên tạo cho mình thời gian ngủ hợp lí, đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Điều đó sẽ giúp bạn nâng cao chất lượng của giấc ngủ.
- Ở bên những người thân yêu của bạn: Bạn bè và gia đình sẽ giúp bạn đối mặt với trầm cảm. Điều quan trọng là hãy để họ được giúp đỡ bạn vượt qua khó khăn.
Tiên lượng
Vitamin D cần thiết cho sự khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có trầm cảm. Một vài biện pháp để điều trị trầm cảm liên quan đến thiếu vitamin D như:
- Tắm nắng
- Tăng cường ăn các sản phẩm giàu vitamin D
- Duy trì cân nặng hợp lí
- Uống các sản phẩm bổ sung vitamin D
Điều quan trọng là bạn cần nói chuyện với bác sĩ để có được lựa chọn tốt nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp