✴️ U xơ dây thanh quản – Căn bệnh ai cũng cần đề phòng

1. Giải đáp những vấn đề không phải ai cũng biết về xơ dây thanh quản

Là căn bệnh phổ biến, nhưng chưa có nhiều người thực sự hiểu đúng về bệnh lý dây thanh quản.

1.1. U xơ dây thanh quản – Bệnh lý nhiều tên gọi

Trong hệ hô hấp hiện hữu hai dây thanh quản mang chức năng phát âm, truyền dẫn hơi thở. Dây được tạo từ các sợi dây chằng, kết hợp cơ và sụn.
U xơ dây thanh, viêm xơ dây thanh quản, hay viêm xơ thanh,… đều là những tên gọi cho tình trạng tổn thương dây thanh quản. Hai dây xuất hiện đối xứng những khối u nhỏ, chân rộng, gọi là hạt xơ dây thanh. Các hạt xơ thanh có kích thước tương đương nhau.

Xơ dây thanh quản có thể gặp ở mọi đối tượng, lứa tuổi. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người nói nhiều, nói to trong thời gian dài. Bệnh thường đi kèm tình trạng niêm mạc sưng huyết, phù nề.

Giải đáp những vấn đề không phải ai cũng biết về xơ dây thanh quản

Hình ảnh mô phỏng hạt xơ dây thanh quản

1.2. Biến chứng của xơ dây thanh quản

Nhìn chung, u xơ dây thanh là bệnh không quá nghiêm trọng và nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, cuộc sống. Bệnh cần được điều trị đúng cách và kịp thời, nếu không có thể dẫn tới các biến chứng tiêu cực. Bệnh càng ủ lâu, hệ quả càng trầm trọng như:

– Khan tiếng, hụt hơi: Người bệnh bị khan tiếng kéo dài, ho khan, ho có đờm. Khi giao tiếp bị hụt hơi, khó nói. Về lâu dài có thể dẫn tới mất giọng

– Viêm thanh quản: Các hạt xơ thanh góp phần làm tăng nguy cơ gây bệnh

– Sưng họng: Những cơn đau họng dồn dập kéo đến khi người bệnh phải nuốt thức ăn hay nói to. Các hạt xơ càng lớn, tình trạng càng nặng. Cuối cùng có thể chèn vào đường thở hay làm xuất huyết thanh quản

– Ung thư thanh quản: Đây là biến chứng nặng nề nhất, tuy nhiên tỷ lệ không quá cao

Nhằm sớm đề phòng những hệ quản trên, người bệnh cần phát hiện các dấu hiệu u xơ dây thanh ngay từ giai đoạn khởi phát. Từ đó chữa trị kịp thời, triệt để.

U xơ dây thanh quản - Bệnh lý nhiều tên gọi

Viêm thanh quản – Biến chứng của viêm xơ dây thanh

 

2. Chẩn đoán và điều trị u xơ dây thanh quản

Sau khi hiểu bản chất của u xơ dây thanh, mọi người cần nắm được những thông tin cơ bản trong việc điều trị bệnh lý này.

2.1. Bác sĩ chẩn đoán u xơ thanh quản như thế nào?

Để đưa ra được phương án chữa trị, trước hết bác sĩ cần nắm được tình trạng bệnh và mức độ tổn thương của dây thanh quản. Có 2 kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán thường dùng.

Nội soi thanh quản

Bằng cách đưa ống nội soi có gắn camera vào trong cổ họng, bác sĩ có thể quan sát, phát hiện được vị trí, kích thước các hạt xơ. Kết hợp với các triệu chứng của bệnh nhân, kết quả chẩn đoán được đưa ra chính xác hơn.

Sinh thiết

Phương pháp này được chỉ định khi bệnh nhân bị nghi ngờ mắc ung thư thanh quản. Sau khi nội soi và lấy được mô tế bào, bác sĩ soi và phân tích trên kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu của khối u.

Dựa theo kết quả thăm khám, phác đồ điều trị được bác sĩ đưa ra sao cho phù hợp với hiện trạng của người bệnh.

2.2. Những cách điều trị xơ dây thanh quản phổ biến

Nguyên tắc xử lý viêm xơ dây thanh quản là loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh và phẫu thuật cắt polyp. Hiện nay, được điều trị theo 2 phương pháp phổ biến.

Điều trị nội khoa

Kỹ thuật này được áp dụng trong trường hợp u xơ dạng nhẹ với hạt xơ nhỏ, ít. Phác đồ đưa ra với mục đích giảm dần các triệu chứng bệnh và ức chế sự phát triển của các hạt xơ. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Đồng thời trong sinh hoạt, người bệnh cần duy trì một số thói quen như:

– Súc miệng hàng ngày bằng nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý

– Tránh xa rượu bia, đồ uống có cồn, nước đá

– Hạn chế nói chuyện

– Bổ sung đầy đủ nước

– Không tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá

– Tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ

Chẩn đoán và điều trị u xơ dây thanh quản

Đeo khẩu trang khi ra ngoài giúp giảm áp lực cho dây thanh và họng

Nhược điểm của phương pháp chữa nội khoa là bệnh không khỏi dứt điểm. Nếu bệnh nhân không đảm bảo được các thói quen tốt sẽ dễ dàng tái phát. Ngoài ra, người bệnh không tự ý mua thuốc bên ngoài mà không theo đơn của bác sĩ. Điều này rất dễ dẫn tới biến chứng và tác dụng ngược.

Điều trị ngoại khoa

Khi các hạt xơ phát triển quá lớn, dây thanh tổn thương nghiêm trọng đe dọa tới khả năng nói và thở, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật bóc tách xơ. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ giúp loại bỏ các hạt xơ lớn. Các hạt nhỏ vẫn có khả năng tồn tại. Do vậy bệnh nhân vẫn cần dùng thuốc như điều trị nội khoa, đồng thời áp dụng thói quen hữu ích cho thanh quản.

Dù là phương pháp chữa trị nào, trong mọi trường hợp đều cần sự chủ động của người bệnh tới bệnh viện thăm khám khi có các dấu hiệu ban đầu. Sau đó sự phối hợp với bác sĩ giúp bệnh nhân chóng hồi phục và ngăn nguy cơ tái phát về lâu dài.

2.3. Tìm hiểu cách phòng ngừa u xơ dây thanh quản

Biện pháp phòng ngừa xơ dây thanh quản cần thiết cho cả người chưa mắc và những người đã mắc tránh tái phát. Mọi người cần chú ý một số vấn đề với thanh quản như:

– Không áp lực lên giọng nói, không nói quá to, la hét trong thời gian dài

– Vệ sinh mũi, họng thường xuyên bằng nước ấm, nước muối

– Uống nước ấm để dịu giọng, nhanh lành họng

– Nghỉ ngơi đủ giấc, đúng giờ

– Hạn chế uống nước đá, rượu bia, nước ngọt có ga

– Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, tránh tiếp xúc khói bụi

– Kiểm tra sức khỏe thường xuyên và định kỳ

Rõ ràng, viêm xơ dây thanh quản là bệnh lý dễ dàng chữa trị. Sẽ không khó khăn nếu mỗi người tự chủ giữ gìn sức khỏe của mình và có đủ kiến thức bảo vệ bản thân đúng cách – đúng lúc

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top