Bị rối loạn giấc ngủ dễ bị đột quỵ

Ước tính rằng khoảng 50-70 triệu người ở Mỹ bị rối loạn giấc ngủ ở một dạng nào đấy và có ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy chứng bệnh này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Vào tháng 2 năm 2014, Tạp chí Tin tức Y học Ngày nay đã đăng một nghiên cứu cho thấy rối loạn giấc ngủ làm đau toàn thân trong khi một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 12 cùng năm cho thấy rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ mất trí nhớ.

Trong nghiên cứu mới nhất về giấc ngủ này, giáo sư Valery Gafarov và đồng nghiệp ở Viện Khoa học Y tế Nga đã tiến hành đánh giá mối tương quan giữa rối loạn giấc ngủ với nguy cơ đau tim và đột quỵ, mà gây ra 80% ca tử vong trong các bệnh tim mạch.

“Rối loạn giấc ngủ liên quan chặt chẽ đến các bệnh tim mạch,” Giáo sư Gafarov nhận định. “Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào trên quy mô dân số đánh giá tác động của rối loạn giấc ngủ đối với đau tim hoặc đột quỵ.”

Nghiên cứu trên được công bố tại hội nghị thường niên năm 2015 của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu và nằm trong chương trình Theo dõi Xu hướng và Tác nhân gây Bệnh tim mạch của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nghiên cứu được bắt đầu vào năm 1994 bao gồm một nhóm đại diện gồm 657 đàn ông từ 25-64 tuổi ở Nga mà không có tiền sử tiểu đường, đột quỵ hoặc đau tim.

Vào đầu thời điểm nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng Thang đo Giấc ngủ Jenkins để xác định tần suất ngủ và những khó khăn trong khi ngủ của người tham gia. Những người rơi vào các nhóm “kém”, “tệ” hoặc “rất tệ” được xem là bị rối loạn giấc ngủ.

Sau đó nhóm nghiên cứu đánh giá tỷ lệ đau tim và đột quỵ ở người tham gia trong 14 năm tiếp theo. So với những người có giấc ngủ bình thường, những người bị rối loạn giấc ngủ có nguy cơ bị đau tim cao hơn 2,6 lần và nguy cơ bị đột quỵ cao hơn từ 1,5-4 lần. 

Đối với người bị rối loạn giấc ngủ, nguy cơ bị đau tim và đột quỵ cao nhất ở những người góa vợ hoặc đã ly dị, những người làm công việc chân tay từ trung bình đến nặng và những người chưa tốt nghiệp cấp ba.

Bình luận về phát hiện trên, giáo sư Gafarov nói:

“Ngủ không phải là chuyện nhỏ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rối loạn giấc ngủ có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ bị đau tim và tăng gấp bốn nguy cơ bị đột quỵ.

Rối loạn giấc ngủ cần được xem là một yếu tố nguy cơ điều chỉnh được của bệnh tim mạch cùng với hút thuốc, không tập thể dục thể thao và chế độ ăn nghèo nàn. Ngủ cần được thêm vào các hướng dẫn phòng ngừa bệnh tim mạch như là một yếu tố nguy cơ.”

Theo Quỹ Giấc Ngủ Quốc gia Hoa Kỳ, người trưởng thành từ 18-64 tuổi nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm trong khi người từ 65 tuổi trở lên nên ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top