✴️ Bị viêm dây thần kinh có nguy hiểm không?

Viêm dây thần kinh khiến cơ thể đau nhức, tê bì, khó chịu, thậm chí mất cảm giác và làm suy giảm khả năng vận động. Nhiều người lo lắng không biết viêm dây thần kinh có nguy hiểm không, liệu có để lại biến chứng gì không? Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm dây thần kinh, mức độ nguy hiểm và cách chẩn đoán, điều trị viêm dây thần kinh, trong bài viết dưới đây.

 

1. Hệ thống dây thần kinh trong cơ thể

Cơ thể mỗi chúng ta gồm rất nhiều dây thần kinh tạo thành hệ thống thần kinh ngoại biên và được ví như một mạng lưới “bí ẩn”. Hệ thống dây thần kinh có chức năng thu nhận, dẫn truyền thông tin đến não bộ và truyền tải các thông điệp tới các cơ quan, giúp cơ thể kiểm soát và duy trì nhiều chức năng.

Nếu như hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống, thì hệ thần kinh ngoại biên gồm các dây thần kinh được chia thành các bộ phận cảm giác (dây hướng tâm) và vận động (dây ly tâm) đóng vai trò cô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin từ bên trong và bên ngoài cơ thể đến thần kinh trung ương và nhận tín hiệu từ thần kinh trung ương tác động đến các cơ quan khác tạo hành động.

Hệ thống dây thần kinh gồm:

1.1 Dây thần kinh sọ

Gồm 12 đôi dây thần kinh sọ bắt nguồn từ não và đi ra ngoài đến vùng đầu, mặt và cổ. Có chức năng cảm giác và vận động.

1.2 Dây thần kinh cột sống

Gồm 31 cặp dây thần kinh cột sống, được phân nhóm theo khu vực của cột sống liên kết. Có cả chức năng cảm giác và vận động.

Hệ thống dây thần kinh trong cơ thể rất phức tạp và dễ bị tổn thương

 

2. Nguyên nhân gây viêm dây thần kinh là gì?

Vì một số lý do nào đó đã khiến dây thần kinh bị tổn thương hoặc không phát tín hiệu đúng, điều này gây ra tình trạng rối loạn thần kinh. Phổ biến nhất là tình trạng viêm dây thần kinh. Viêm dây thần kinh xảy ra do sự chèn ép lâu ngày, dẫn tới tắc nghẽn, tạo điều kiện cho viêm nhiễm hình thành.

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm dây thần kinh, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến sau:

– Thoát vị đĩa đệm: nhân nhầy đĩa đệm bị thoái hóa thoát ra bên ngoài, chèn ép vào dây thần kinh lâu ngày gây viêm dây thần kinh.

– Bệnh tiểu đường: hàm lượng glucose trong máu tăng cao gây tổn thương dây thần kinh, làm giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh.

– Suy giáp.

– Tăng ure trong máu do suy thận.

– Thiếu hụt chất dinh dưỡng (vitamin B12).

– Nghiện rượu.

– Tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư có thể gây nhiễm độc thần kinh.

– Bệnh lý tự miễn và viêm như nhiễm Streptococcus B, nhiễm amyloid, hội chứng Sjogren, bệnh sacoit và viêm mãn tính Demyelin.

– Các bệnh nhiễm trùng như: HIV, bệnh Lyme,…

– Chấn thương.

– Ngoài ra có thể không tìm thấy nguyên nhân (bệnh thần kinh vô căn).

Biến chứng bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới hệ thần kinh, người bệnh cần hết sức lưu ý

 

3. Bị viêm dây thần kinh có nguy hiểm không?

3.1 Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm đây thần kinh phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Dây thần kinh quan trọng không kém gì mạch máu trong cơ thể mỗi chúng ta. Chính vì vậy, khi có biểu hiện bị viêm dây thần kinh nhiều người thường lo lắng không biết viêm dây thần kinh có gây nguy hiểm không, có để lại di chứng gì không? Câu trả lời là viêm dây thần kinh có nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào dây thần kinh bạn bị viêm là dây thần kinh gì, nguyên nhân gây viêm dây thần kinh và thể trạng cơ thể người bệnh ra sao.

Đặc biệt, rất nguy hiểm nếu bệnh nhân bị viêm dây thần kinh khi cơ thể đang có sẵn bệnh lý nền như tiểu đường, suy thận, ung thư,… Và không chỉ viêm 1 dây thần kinh mà cơ thể chúng ta có thể viêm nhiều dây thần kinh (bệnh viêm đa dây thần kinh). Chính vì vậy, ngay khi có biểu hiện nghi ngờ viêm dây thần kinh hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa thần kinh để được thăm khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu để chẩn đoán sớm, đúng bệnh và có phác đồ điều trị hiệu quả.

3.2 Các biểu hiện cảnh báo bệnh viêm dây thần kinh

Tùy thuộc vào vị trí (vùng) mà dây thần kinh đi qua, các biểu hiện viêm dây thần kinh thường giới hạn cụ thể ở một phần của cơ thể như: viêm dây thần kinh cột sống lưng, cổ vai gáy, liên sườn, cánh tay,… gây ra các biểu hiện sau:

– Dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày dẫn tới đau nhức và mất cảm giác ở vị trí bị tổn thương.

– Cảm giác tê bì ở cổ vai gáy, lan xuống hai cánh tay, dị cảm ở tay.

– Dây thần kinh bị viêm gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó nuốt.

– Viêm dây thần kinh vùng thắt lưng: đau thắt lưng lan xuống mông, đùi, chân và hạn chế vận động.

– Viêm dây thần kinh gây rối loạn chức năng bàng quang và ruột, dẫn tới mất kiểm soát khả năng tiểu/đại tiện.

Dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày do thoát vị đĩa đệm dẫn tới viêm dây thần kinh có thể khiến người bệnh cảm thấy đau nhức vùng thắt lưng, hạn chế vận động

 

4. Một số chỉ định được thực hiện khi thăm khám viêm dây thần kinh

Khám lâm sàng: (khám ban đầu) với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để nhận diện các dấu hiệu, thực hiện các bài tập đánh giá chức năng dây thần kinh.

Khám cận lâm sàng: xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ MRI, điện cơ, sinh thiết dây thần kinh, chọc dò thắt lưng,…

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và cơ thể mỗi người bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra chỉ định phù hợp để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Tóm lại, viêm dây thần kinh có nguy hiểm không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nguyên nhân gây bệnh, vị trí tổn thương và thể trạng của người bệnh. Khi có các dấu hiệu của bệnh, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan mà cần thăm khám tại chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Nếu bạn còn có thắc mắc gì về bệnh lý hệ thần kinh hoặc muốn đặt lịch thăm khám với các chuyên gia Nội thần kinh, xin vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top