✴️ Các nguyên nhân gây thay đổi tâm trạng nhanh chóng

Nội dung

Nghiện

Nghiện là căn bệnh khiến một người bị phụ thuộc thể chất và tâm lý vào một số chất như rượu, thuốc, hoặc chất kích thích như cocaine. Những người bị nghiện có thể thay đổi tâm trạng khi đang cai nghiện hoặc lên cơn nghiện ma túy. Bản thân các loại thuốc này cũng có thể gây ra thay đổi tâm trạng.

Những người có tâm trạng thay đổi liên quan đến nghiện ngập có thể tỏ vẻ hung phấn trong giây lát và tức giận hoặc lo lắng trong những giây tiếp theo. Họ cũng có thể gặp phải các triệu chứng thực thể khi cai nghiện như đau đầu hoặc đổ mồ hôi ban đêm.

Điều trị sẽ tập trung vào việc người cai nghiện ma túy kiểm soát các cơn nghiện và giải quyết nguyên nhân cơ bản gây nghiện.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng ảnh hưởng đến sự chú ý và chức năng điều hành của một người. Người bị ADHD có thể khó tập trung, khó sắp xếp suy nghĩ hoặc quá tập trung vào một số hoạt động nhất định. Tình trạng này cũng có thể gây ra hiếu động thái quá, lãng tai, nói lắp hoặc nói quá nhiều.

Những người bị ADHD có thể có tâm trạng không ổn định, như có vẻ lo lắng hoặc phấn khích lúc này, sau đó lại cảm thấy tức giận hoặc bồn chồn vào giây tiếp theo. Những thay đổi tâm trạng này thường xảy ra khi một người bị mất tập trung hoặc khi đang cố chú ý. Ví dụ, khi đang nói chuyện, để chống lại sự thôi thúc làm gián đoạn cuộc trò chuyện có thể khiến người bị ADHD cảm thấy lo lắng.

Một vài người bị ADHD thay đổi tâm trạng khi họ cảm thấy thất vọng hoặc khi ai đó làm gián đoạn việc họ đang làm.

Điều trị ADHD bao gồm thuốc, liệu pháp và các hoạt động hỗ trợ, chẳng hạn như giáo dục gia đình và sự điều chỉnh tại trường học và nơi làm việc.

Cũng cần lưu ý rằng mặc dù ADHD mang đến những thách thức nhưng với các can thiệp y tế và trị liệu được quản lý phù hợp và nhất quán, triển vọng của những người mắc ADHD rất có hứa hẹn.

Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực khiến bạn rơi vào chu kỳ giữa hưng cảm và trầm cảm.

Trong giai đoạn hưng cảm, bạn có thể cảm thấy hung phấn tột độ, đưa ra quyết định bốc đồng, mạo hiểm, ngủ rất ít hoặc trở nên hung hăng. Trầm cảm lại khiến bạn cảm thấy vô dụng, không có động lực, giảm chú ý hoặc buồn ngủ.

Trước khi bác sĩ chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, bạn phải trải qua giai đoạn hưng cảm trong ít nhất 1 tuần và giai đoạn trầm cảm trong ít nhất 2 tuần, nếu không bạn chỉ đang biểu hiện các dấu hiệu của chu kỳ nhanh. Điều nay liên quan đến một người có ít nhất bốn giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ hoặc trầm cảm trong một năm.

Hưng cảm nhẹ được chẩn đoán với rối loạn lưỡng cực độ II. Một giai đoạn hưng cảm nhẹ có thể kéo dài vài ngày. Người bị hưng cảm nhẹ cảm thấy khỏe và hoạt động tốt. Những người khác có thể nhận thấy những thay đổi về tâm trạng hoặc hoạt động, trong khi những người bị hưng phấn nhẹ thì lại không.

Cả hưng cảm và trầm cảm đều có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn và khiến việc giao tiếp với người thân yêu trở nên khó khăn. Có nhiều loại rối loạn lưỡng cực khác nhau, và có người trải qua chu kỳ hưng cảm hay trầm cảm nhiều hơn chu kỳ khác.

Thuốc điều trị lưỡng cực, chẳng hạn như lithium, có thể giúp ổn định tâm trạng. Người mắc chứng lưỡng cực cũng có thể học cách kiểm soát tâm trạng và cơn bốc đồng thông qua các nhóm trị liệu và hỗ trợ.

nguyên nhân gây thay đổi tâm trạng đột ngột

Rối loạn nhân cách ranh giới

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn nhân cách khiến tâm trạng và các mối quan hệ bất ổn. Một trong những điểm nổi bật là quá trình phân tách, nghĩa là người mắc BPD có thể lý tưởng hóa và sau đó lại khinh ghét một người nào đó, đôi khi kéo dài vài tuần, những thường chỉ trong một khoảnh khắc.

Một số triệu chứng khác của BPD bao gồm nỗi sợ hãi bị bỏ rơi đến tột đỉnh, hành vi bốc đồng, như hành vi bốc đồng gây nguy hiểm, cảm giác trống rỗng kéo dài, giận dữ với lý do không đáng, cảm giác bất ổn về bản thân, các mối quan hệ không ổn định, tự làm hại bản thân hoặc có ý định tự tử.

Những người mắc chứng BPD có thể không chấp nhận việc mình bị bệnh và thay vào đó nhận thức vấn đề bắt nguồn từ sự ngược đãi của người khác.

Thuốc có thể giúp giải quyết một số đặc điểm của BPD, như trầm cảm. Tuy nhiên, tiêu chuẩn vàng của việc điều trị là liệu pháp phù hợp với những thách thức của việc sống chung với BPD. Ba trong số các phương pháp điều trị hiệu quả nhất là:

  • Liệu pháp tâm lý tập trung vào sự tương tác giữa bệnh nhân và nhà trị liệu;
  • Trị liệu hành vi biện chứng;
  • Trị liệu dựa trên tâm thần hóa.

Thuốc

Bất kỳ loại thuốc nào ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn cũng có thể gây thay đổi tâm trạng, đặc biệt nếu bạn lạm dụng thuốc. Một số ví dụ về các loại thuốc có thể gây thay đổi tâm trạng:

  • Benzodiazepines (một nhóm thuốc chống lo âu);
  • Chất kích thích, như Adderall và Ritalin;
  • Thuốc ngủ;
  • Thuốc chống trầm cảm.

Thai kỳ

Nhiều người thay đổi tâm trang khi mang thai. Đây là một hiện tượng khá phức tạp và một số yếu tố có thể góp phần, bao gồm:

  • Căng thẳng khi mang thai, như lo lắng về tài chính hay khó nhận được hỗ trợ từ bạn đời;
  • Nhu cầu thể chất của thai kỳ, có thể làm bạn thấy khó chịu và làm cho các công việc hàng ngày trở nên mệt mỏi;
  • Thay đổi lượng đường huyết;
  • Các vấn đề sức khỏe thể chất, như huyết áp cao;
  • Thay đổi nội tiết tố trong suốt thai kỳ và sau khi sinh;
  • Ngược đãi thai phụ, như phân biệt đối xử nơi làm việc.

Trong nhiều trường hợp, các thay đổi về lối sống và chăm sóc bản thân, như nhận được hỗ trợ từ bạn đời, các bài tập thư giãn và một đội ngũ y tế hỗ trợ có thể giúp ích.

Tuy nhiên, các rối loạn tâm trạng như lo lắng và trầm cảm thường gặp trong và sau khi mang thai. Liệu pháp, các nhóm hỗ trợ và thuốc có thể hữu ích trong khi thay đổi lối sống thì không.

Thay đổi nội tiết tố

Hormone là sứ giả hóa học của cơ thể, chúng chuyển tiếp những thông điệp thiết yếu về mọi thứ, từ cảm giác đói đến sức khỏe tâm lý. Bất kỳ tình trạng hoặc loại thuốc nào ảnh hưởng đến nồng độ hormone đều có thể gây ra tâm trạng thất thường. Ví dụ:

  • Dậy thì;
  • Mãn kinh;
  • Nồng độ testosterone thấp hoặc cao;
  • Sử dụng steroid;
  • Bệnh lý tuyến giáp;
  • Liệu pháp hormone thay thế;
  • Rối loạn hoảng loạn tiền kinh nguyệt (PMDD).

Đường huyết

Lượng đường huyết thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của cơ thể. Điều này thường xảy ra khi bạn đói, nhưng cũng có thể xảy ra khi bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc sử dụng insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết khác.

Tương tự, lượng đường huyết cao cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, gây trầm cảm, hung hăng hoặc sương mù não. Những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát có thể lặp đi lặp lại chu kỳ đường huyết cao và thấp, khiến tâm trạng của họ đặc biệt bất ổn.

Để giảm thiểu nguy cơ, bạn nên ăn các bữa ăn bình thường và tránh chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, dù bạn có bị tiểu đường hay không. Người mắc bệnh tiểu đường nên khám bác sĩ về chế độ ăn uống và lối sống để điều chỉnh lượng đường huyết. Một số người có thể cần phải uống thuốc.

Kiệt sức

Kiệt sức khiến ngay cả những hoạt động cơ bản, như chuẩn bị đồ ăn hay chơi với trẻ, cũng có thể quá tải. Nhiều người thay đổi tâm trạng khi cảm thấy kiệt sức.

Ví dụ, một bậc cha mẹ đang kiệt sức có thể la mắng trẻ khi đặt quá nhiều câu hỏi, sau đó cố gắng bù đắp bằng cách chơi đùa thêm.

Trong hầu hết các trường hợp, giải pháp là nghỉ ngơi nhiều hơn. Tuy nhiên, một số tình trạng có thể gây ra mệt mỏi dữ dội ngay cả khi bạn được nghỉ ngơi đầy đủ. Những người cảm thấy kiệt sức cho dù họ đã ngủ bao nhiêu đi nữa nên đi khám bác sĩ.

Tóm tắt

Thay đổi tâm trạng thường cảnh báo về một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể điều trị được. Nếu nguyên nhân của việc thay đổi tâm trạng liên quan đến một bệnh lý, bạn nên tìm cách điều trị nó.

Có thể hiểu được việc một số người cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm khi người khác chú ý đến những thay đổi tâm trạng này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem tâm trạng thất thường như một vấn đề sức khỏe hơn là một thất bại cá nhân.

Đến khám một chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm và được điều trị phụ hợp sẽ giúp ích cho bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top