✴️ Các triệu chứng mất ngủ và cách khắc phục

1. Các triệu chứng mất ngủ thường gặp nhất

1.1 Khó ngủ vào ban đêm

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với việc nghỉ ngơi, phục hồi của cơ thể. Người bình thường thường ngủ khoảng 7- 8 tiếng/đêm. Thời gian ngủ lý tưởng để lên giường đi ngủ là khoảng 9-10 giờ tối, khoảng 1-2 tiếng sau đó là thời gian chìm vào giấc ngủ. Nhưng đối với những người bị mất ngủ, việc ngủ đúng giờ và đi vào giấc ngủ thường rất khó khăn. Họ thường không cảm thấy buồn ngủ, nằm trằn trọc mà không ngủ được. 

Trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay tỉnh giấc và không ngủ lại được là những triệu chứng của bệnh mất ngủ.

1.2 Khó duy trì giấc ngủ, hay tỉnh giấc vào ban đêm

Không những khó đi vào giấc ngủ mà những người mắc bệnh này còn thường không duy trì được giấc ngủ sâu và ngon. Họ thường tỉnh giấc vào ban đêm và khó ngủ trở lại được. Cũng bởi vậy mà họ thường thức dậy sớm hơn so với người bình thường.

1.3 Không có cảm giác đã được nghỉ ngơi sau khi ngủ dậy

Do chất lượng giấc ngủ kém, cơ thể không được nghỉ ngơi, phục hồi hoàn toàn nên người bênh thường cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, hay buồn ngủ và không thể tập trung vào ban ngày. Thâm chí, nhiều người gặp khó khăn khi phải tập trung chú ý hoặc ghi nhớ một điều gì đó. 

1.4 Khó chịu, trầm cảm hoặc lo âu

Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng, sinh ra chứng lo âu, trầm cảm. Một số người bệnh cảm thấy nhức đầu hay căng thẳng, khó chịu dạ dày và ruột trong khi ngủ. 

 

2. Các triệu chứng của bệnh mất ngủ có thể kéo dài bao lâu?

Mất ngủ được chia làm 2 loại: cấp tính và mạn tính. Đối với mất ngủ cấp tính, các triệu chứng thường ở mức độ nhẹ, tần suất ít và kéo dài dưới 1 tháng. Ngược lại các trường hợp mất ngủ mạn tính (kinh niên), các triệu chứng sẽ xuất hiện trên 1 tháng.

Tình trạng mất ngủ kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào việc bệnh nhân bị mất ngủ cấp tính hay mạn tính.

 

3. Tình trạng mất ngủ kéo dài có gây nguy hiểm không?

Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể khiến cơ thể cảm thấy vô cùng mệt mỏi, thiếu sức sống, thiếu tập trung. Người bệnh luôn trong trạng thái lờ đờ, uể oải vào ban ngày, dẫn đến giảm năng suất làm việc.

Không chỉ vậy, mất ngủ còn gây thoái hóa, ngộ độc tế bào, gây ra các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, trầm cảm, lo âu…  Đặc biệt nguy hiểm nhất là đột quỵ. 

 

4. Cách khắc phục và phòng tránh 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ bao gồm các yếu tố tuổi tác, môi trường, đặc thù công việc, các bệnh lý, thuốc, thói quen sinh hoạt… Việc điều trị mất ngủ bao gồm điều trị giảm các triệu chứng và điều trị nguyên nhân bằng một số biện pháp sau:

4.1 Sử dụng thuốc để cải thiện các triệu chứng mất ngủ

Một số loại thuốc có tác dụng an thần, điều hòa giấc ngủ giúp người bệnh ngủ ngon và sâu hơn như thuốc bình thần, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm,… Tuy nhiên các thuốc này có thể có một số tác dụng phụ khiến cơ thể bị mệt mỏi khi thức dậy. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài còn người bệnh phụ thuộc vào thuốc và chuyển từ mất ngủ cấp thành mất ngủ mạn tính, mất ngủ bệnh lý và làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

Vì vậy, những người bị mất ngủ chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để sử dụng các loại thuốc phù hợp nhất.

Đối với các trường hợp mất ngủ do các bệnh lý, người bệnh thường sẽ được kê các loại thuốc điều trị tương ứng với bệnh lý mắc phải nhằm cải thiện triệu chứng, hạn chế các ảnh hưởng của bệnh, từ đó giảm tình trạng mất ngủ.

Tập luyện, thư giãn hợp lý là phương pháp khắc phục mất ngủ hiệu quả.

4.1 Thay đổi thói quen – Cách giảm các triệu chứng mất ngủ hiệu quả

Các thói quen ngủ nói riêng và thói quen sinh hoạt nói chung có tác động rất lớn đến giấc ngủ. Vì thế để cải thiện tình trạng mất ngủ, người bệnh nên thực hiện các biện pháp sau:

– Đi ngủ đúng giờ và cố gắng đảm bảo số giờ ngủ mỗi ngày. 

– Không hoạt động nhiều hay ăn uống quá no, sử dụng chất kích thích trước khi đi ngủ. 

– Thư giãn, tránh để những áp lực, muộn phiền, lo âu ảnh hưởng tới giấc ngủ.

– Bố trí không gian phòng ngủ hợp lý, luôn thông thoáng và yên tĩnh.

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng và duy trì tập luyện, làm việc hợp lý.

Mất ngủ gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Khi bị những triệu chứng mất ngủ đầu tiên, người bệnh cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được điều trị sớm và khắc phục kịp thời. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top