Cẩn thận với một số triệu chứng ở mắt

Các triệu chứng tăng áp lực nội sọ 

Cơ năng:

– Mất thị lực thoáng qua một vài giây, thường cả 2 mắt, xuất hiện khi thay đổi tư thế đột ngột

– Đau đầu, song thị, buồn nôn, nôn, táo bón, lú lẫn…

– Giảm thị lực và khiếm khuyết thị trường ( tầm nhìn bị che khuất)

Thực thể: Soi đáy mắt : Phù gai thị, teo gai là những triệu chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân u nội sọ

 

Cơ chế của phù gai thị trong tăng áp lực nội sọ

Khi có khối u choáng chỗ dẫn tới áp lực trong sọ tăng thì áp lực dịch não tủy cũng tăng . Đến khi áp lực trong sọ tăng cao hơn áp lực động mạch đi vào võng mạc thi các động mạch sẽ co nhỏ, các tĩnh mạch sẽ không dễ dành lưu thông từ võng mạc vào trong sọ qua các xoang tĩnh mạch( chủ yếu là xoang tĩnh mạch hang). Hậu quả tất yếu các tĩnh mạch này dãn to, ngoằn ngoèo, tăng thẩm thấu , ứ đọng dịch trong khoang kẽ dễn tới tình trạng phù gai thị

Phù gai thị là triệu chứng khách quan và có giá trị nhất trong hội chứng tăng áp lực nội sọ nhưng không phải trường hợp nào cũng có và xuất hiện mượn khi các triệu chứng khác đã rõ ràng. Tùy mức độ của tăng áp lực nội sọ mà gai thị diễn biến theo các giai đoạn khác nhau từ nhẹ đến nặng.

– Giai đoạn sớm: rất khó xác định một phù gai bắt đầu. Các dấu hiệu như: gai thị cương tụ, bờ gai  hơi nhòe đi, bờ gai hơi nhô lên, tĩnh mạch hơi giãn ra và không đập gợi ý một phù gai thị bắt đầu.

– Giai đoạn phù gai thị phát triển hoàn toàn: Đĩa thị lồi lên dạng nấm ,mất lõm gai sinh lí. Bờ gai thị bị xóa, các lớp sợi thần kinh quanh nó nổi rõ lên dạng tia màu nâu nhạt, nằm trong một lớp dịch phù lan tỏa. Các gốc mạch máu lớn bị che lấp, tĩnh mạch dãn ra, xoắn vặn. Xuất huyết trên gai quanh gai

– Giai đoạn gai thị mạn tính: gai thị phù kéo dài hàng tháng, xuất huyết và xuất tiết tan dần. Các động mạch co nhỏ, tĩnh mạch bớt căng, sự lỗi lên của đĩa thị cũng giảm dần. Thị trường trung tâm bắt đầu giảm; khuyết thị trường ngoại biên; rối loạn sắc giác

– Giai đoạn teo gai: Giai đoạn cuối cùng, giai đoạn mất bù. Gai thị trở nên bạc màu trắng bệch, mất bóng, bờ nham nhở. Các mạch máu trên gai mất đi, võng mạch co nhỏ. Mất thị lực trầm trọng hoặc mù hẳn

Sự thuyên giảm phù gai: nếu nhanh chóng giải quyết tốt áp lực nội sọ phù gai ( giai đoạn còn bù) sẽ hồi phục gần như bình thường trong vòng 6-7 tháng). Ở trẻ em dưới 5 tuổi do hộp sọ còn có khả năng dãn nở chút ít thường không có đầu đủ các giai đoạn trên, ít khi thấy xuất huyết gai thị mà thường dẫn đến teo gai thị.

Phù gai thị trong tăng áp lực nội sọ thường xuất hiện cả hai bên với mức độ có thể khác nhau. Hiếm gặp phù gai đơn độc một bên. Trong u não thùy trước trán, có thể gặp teo gai thị bên có khối u và phù gai bên đối diện (hội chứng Foster Kennedy).

 

Chẩn đoán chính xác bằng các xét nghiệm lâm sàng

Từ các dấu hiệu bất thường ở mắt, để chân đoán chính xác hơn, cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Nhờ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT Scanner sọ, cộng hưởng từ (MRI), thấy thuốc sẽ thuận lợi hơn trong việc phát hiện sớm các tổn thương ở não, trong đó có u nội sọ. Nếu không xác định được khối thương tổn, các não thất không dãn, phân tích dịch não tủy để xác định áp lực , tìm kiếm nguyên nhân nhiễm trùng bằng cách chọc dịch não tủy

Bệnh nhân có u trong sọ và bị tăng áp lực nội sọ có thể đi khám vì những lý do như: mờ mắt đau đầu, hoặc nhìn đôi (song thị). Vì vậy, khi bệnh nhân có những biểu hiện bệnh lý trên, cần được thăm khám kỹ càng. Đến muộn – khi gai thị đã teo hoàn toàn do u nội sọ chèn ép – thì tiên lượng rất nặng. Một số u ở não nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, thì kết quả sẽ rất tốt (ví dụ như U tuyến yên).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top