✴️ Chứng đau nửa đầu nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng chất lượng sống

Nội dung

Đau nửa đầu được xếp vào là 1 trong 20 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật. Chứng đau nửa đầu thường xuất hiện bất ngờ khiến người bệnh có cảm giác đau đầu như búa bổ…

 

Đau nửa đầu là bệnh lý đau đầu do căn nguyên mạch. Đau nửa đầu có đặc điểm cơ bản là đau nửa đầu từng cơn, đau nhức có thể kéo dài liên tục từ 4 -72 giờ. Bệnh gặp nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên, ở nữ giới và đa số có yếu tố gia đình.

Đau nửa đầu có đặc điểm cơ bản là đau nửa đầu từng cơn, đau nhức có thể kéo dài liên tục từ 4 -72 giờ.

 

Triệu chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu thường đi kèm với các triệu chứng sau đây:

  • Cơn đau xuất hiện ở một bên đầu.

  • Cảm giác đau nhức dữ dội như búa bổ.

  • Đau nặng hơn khi cơ thể gắng sức mạnh.

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

  • Người bệnh nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

  • Đau cản trở hoạt động thường xuyên…

Chứng đau nửa đầu thường xuất hiện đột ngột và khiến người bệnh có cảm giác đau như búa bổ.

 

Nguyên nhân đau nửa đầu

Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây đau nửa đầu rất đa dạng. Ở nữ giới, đau nửa đầu có thể do sự thay đổi nội tiết tố. Chế độ ăn uống, căng thẳng stress, yếu tố cân nặng, thay đổi thời tiết, cảm giác kích thích, hoạt động thể lực mạnh, lạm dụng việc dùng một số loại thuốc… và yếu tố di truyền là những nguyên nhân có thể dẫn đến chứng đau nửa đầu.

 

Điều trị đau nửa đầu như thế nào?

Điều trị đau nửa đầu tập trung vào 3 điểm: Tránh yếu tố kích hoạt, điều trị triệu chứng và các loại thuốc dự phòng.

Trẻ em và trẻ ở độ tuổi dậy thì được điều trị ban đầu bằng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các bác sĩ cho biết: Việc thay đổi thói quen ăn các loại thức ăn như xúc xích, sô cô la, pho mát và kem có thể giúp loại bỏ các triệu chứng gây đau nửa đầu ở trẻ.
Đối với những bệnh nhân đau nửa đầu mạn tính, bác sĩ thường chỉ định cho dùng các loại  thuốc làm cắt cơn đau.

Các thuốc dùng trong điều trị đau nửa đầu bao gồm hai nhóm chính là thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng. Cụ thể:

- Nhóm thuốc cắt cơn bao gồm các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol, aspirin hoặc thuốc kháng viêm NSAID như Ibuprofene, ketoprofene… Các loại thuốc này có thể phối hợp với codein hay cafein để tăng tác dụng giảm đau (như paracetamol + codein).

Khi người bệnh bị nôn ói, có thể phối hợp với các thuốc chống nôn như Metoclopramide, Domperidone… Dihydroergotamin và Ergotamin là những Alkaloid của nấm cựa gà có tác dụng duy trì sự cân bằng vận mạch ở não và kháng Serotonin nên được sử dụng trong điều trị cắt cơn đau ở bệnh đau nửa đầu.

Nhóm thuốc Triptan với các thuốc như: Sumatriptan (Imigran), Rizatriptan (maxalt)… thường được sử dụng khi các nhóm thuốc trên không mang lại hiệu quả điều trị giảm đau như mong muốn.

- Nhóm thuốc dự phòng được sử dụng trong điều trị dự phòng, khi bệnh đau nửa đầu thường hay tái phát với tần suất từ 2 lần trở lên mỗi tháng hoặc ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập của người bệnh. Các thuốc được sử dụng gồm có: Thuốc chẹn thụ thể beta (propanolol, atenolol…)thuốc chẹn kênh canxi (nifedipin, verapamil, flunarizine…); thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitryptiline, nortryptiline…); thuốc chống co giật (sodium valproate).

Lưu ý, các loại thuốc nói trên thường có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh không được tự ý sử dụng mà phải có sự chỉ định và theo dõi của các thầy thuốc.

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh đau nửa đầu còn cần thay đổi lối sống, tăng cường tập luyện thể dục, thể thao như đi bộ, bơi lội, tập yoga… và phòng tránh những yếu tố gây khởi phát bệnh!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top