✴️ Đau đầu về chiều là bị gì?

Nội dung

Đau đầu về chiều là gì?

Đau đầu về chiều trên cơ bản giống như một cơn đau đầu thông thường, có thể xảy ra ở một phần hoặc trên toàn bộ vùng đầu. Điểm khác biệt duy nhất chính là người bệnh thường bị đau đầu vào buổi chiều.

Các cơn đau này thường không nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm vào buổi tối. Trong những trường hợp hiếm gặp, cơn đau sẽ trở nên dữ dội hoặc kéo dài.

 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với đau đầu về chiều là gì?

Đau đầu về chiều thường hiếm khi là tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi các cơn đau lại là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Khi có các triệu chứng như sau, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám:

  • Đau đầu dữ dội đột ngột, cảm giác khác với những cơn đau trước đây
  • Cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn hoặc trở nên trầm trọng hơn
  • Cứng cổ
  • Lơ mơ
  • Chóng mặt, mất thăng bằng và dễ té ngã
  • Mất thị lực, nhìn mờ, nhìn đôi (song thị)
  • Co giật
  • Giọng khàn, nói ngọng, khó nói
  • Tê hoặc yếu ở cánh tay hoặc chân
  • Nôn dữ dội và đột ngột mà không rõ lý do
  • Mất ý thức
  • Đau đầu sau chấn thương

Những người bị đau đầu mạn tính nên tham vấn ý kiến bác sĩ nếu:

  • Cơn đau xuất hiện kèm theo sốt, cứng cổ, lú lẫn, co giật, nhìn đôi hoặc khó nói
  • Những thay đổi trong lối sống và thuốc giảm đau không mang lại tác dụng
  • Cơn đau xuất hiện thường xuyên hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn theo thời gian
  • Vị trí đau ở đầu thay đổi

 

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây đau đầu về chiều tối là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hay đau đầu về chiều, chẳng hạn như:

  • Mất nước. Đau đầu buổi chiều có thể do cơ thể bị thiếu nước trong cả ngày dài. Bên cạnh đó, cơ thể cũng có các triệu chứng khác chẳng hạn như: khô miệng, khát nước, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, chóng mặt, cáu gắt…
  • Đau đầu do căng thẳng. Đây là loại đau đầu phổ biến nhất, thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Người bệnh có thể cảm thấy đầu như bị căng ra và đau nhiều ở 2 bên đầu do cơn đau bắt nguồn từ các cơ vùng cổ, vai hoặc hàm lan lên vùng đầu.
  • Đau đầu chùm là một nguyên nhân hiếm gặp hơn của tình trạng hay đau đầu về chiều. Đau đầu chùm gây ra những cơn đau dữ dội quanh mắt, ở một bên đầu và thường theo từng đợt, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi thuyên giảm nhưng vẫn có thể tái phát đột ngột.
  • Hạ áp lực nội sọ tự phát (SIH). Dạng đau đầu này còn được gọi là đau đầu do áp suất thấp. Tình trạng này rất hiếm, chỉ ảnh hưởng đến 1 trên 50.000 người và có khả năng bắt đầu ở độ tuổi 40 hoặc 50. Phụ nữ có nguy cơ mắc cao gấp đôi nam giới. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn hoặc nôn mửa, ù tai, chóng mặt, thay đổi thính giác, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, tê mặt và ngứa ran cánh tay.
  • Suy giảm tuần hoàn máu não: Một vấn đề khác cũng có thể gây triệu chứng đau đầu về chiều là tình trạng suy giảm tuần hoàn máu não. Lưu lượng máu đến não giảm sẽ gây đau đầu dữ dội, thường kèm tình trạng yếu hoặc tê ở chi.
  • Dấu hiệu của bệnh lý, chẳng hạn như tụ máu trong sọ, u não, đột quỵ hoặc phình động mạch. Khi này, các cơn đau đầu có thể xuất hiện vào buổi chiều.

 

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau đầu về chiều?

Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu bệnh lý, nhiễm trùng hoặc các vấn đề về thần kinh cũng như hoàn cảnh xảy ra, cường độ và mức độ các cơn đau đầu của người bệnh. Nếu nguyên nhân gây đau đầu về chiều vẫn chưa xác định rõ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI.

 

Những phương pháp điều trị đau đầu về chiều

Người bệnh có thể giảm đau đầu về chiều bằng những cách sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, ibuprofen, naproxen hoặc một số loại thuốc giảm đau kết hợp aspirin/paracetamol với caffeine.
  • Sử dụng thuốc kê đơn trong điều trị bệnh lý như thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp hoặc thuốc chống động kinh hằng ngày để ngăn ngừa đau đầu. Nếu có những bệnh lý liên quan, người bệnh cần tuân thủ chỉ định từ bác sĩ và không nên tự ý ngưng thuốc.
  • Chườm lạnh. Chườm 1 túi đá lạnh lên vùng đầu hoặc cổ bị đau nhức trong khoảng 15 phút mỗi lần. Bạn nên lót khăn sạch để giảm độ lạnh khi tiếp xúc trực tiếp với đá. Biện pháp này thường hiệu quả nếu đau đầu do căng thẳng.
  • Chườm nóng. Nếu cơ bị căng cứng là nguyên nhân gây đau đầu, người bệnh có thể chườm nóng bằng túi chườm. Cần cẩn thận nhiệt độ nước nóng trong túi để tránh bị bỏng.
  • Massage. Massage nhẹ vùng đầu bị đau cũng là một cách thư giãn đơn giản nhưng hiệu quả nhằm giảm đau đầu về chiều.
  • Châm cứu. Người bị nhức đầu, mệt mỏi về chiều mạn tính do căng thẳng có thể cân nhắc áp dụng phương pháp châm cứu. Thông thường, tác dụng của châm cứu sẽ kéo dài ít nhất trong 6 tháng.

 

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau đầu về chiều?

Để ngừa những cơn đau đầu về chiều, bạn cần nắm được tác nhân gây đau để hạn chế hoặc kiểm soát. Một số phương pháp có thể thực hiện là:

  • Tránh các yếu tố có thể gây khởi phát cơn đau đầu buổi chiều
  • Thay đổi tư thế làm việc. Tránh ngồi ở tư thế khiến lưng bị cong khòm hoặc ngước nhìn quá lâu có thể khiến cơ bắp căng mỏi, dễ đau nhức cổ, đầu, vai gáy
  • Nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ học hoặc làm việc, thỉnh thoảng kéo giãn cơ bắp và đứng lên đi lại
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, không bỏ bữa và uống đủ nước mỗi ngày
  • Hạn chế rượu bia
  • Giải tỏa căng thẳng thường xuyên, ngủ đủ giấc
  • Thức uống chứa caffeine nên dùng vào đầu ngày
  • Nếu có vấn đề với thị lực hoặc mắt cần nhanh chóng thăm khám

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top