Dấu hiệu của cơn động kinh

Việc chẩn đoán cũng như điều trị khá phức tạp bởi bệnh có những biến chứng, di hại nặng nề về thể chất, tinh thần.

Bỗng dưng co giật

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến động kinh, có những trường hợp động kinh không tìm được nguyên nhân thì được gọi là động kinh tiên phát và thường được giải thích là do yếu tố di truyền. Nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh gọi là động kinh thứ phát. Nguyên nhân gây bệnh động kinh thứ phát rất đa dạng và phức tạp. Một trong những nguyên nhân có thể gây ra động kinh được kể đến đó là tình trạng nhiễm khuẩn; độc tố của vi khuẩn và các độc tố khác có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân hoặc não (viêm não virus, viêm màng não - não, áp-xe não). Phụ nữ mang thai nếu mắc các bệnh lậu, giang mai thì nguy cơ trẻ mắc bệnh cũng khá cao.

Ngoài ra, nếu bị thương tổn ở não khi bị chấn thương, can thiệp sản khoa, ngạt ở trẻ mới sinh, u não, tai biến mạch máu não,... cũng gây nên bệnh động kinh. Ở những người sử dụng thuốc an thần và rượu trong thời gian kéo dài, nếu ngừng một cách đột ngột cũng dễ mắc cơn động kinh. Hoặc sự thay đổi cấp tính thăng bằng đường và điện giải cũng là một trong những nguyên nhân.

 

Dấu hiệu điển hình

Động kinh có 2 dạng chính: động kinh cục bộ và động kinh toàn thể. Đối với cơn động kinh toàn thể, sự phóng điện bất bình thường của các nơron thần kinh nằm trên một diện tích ít hay nhiều của vỏ não. Cơn động kinh bắt đầu bằng một sự mất tri giác tức thời kéo dài vài phút, bệnh nhân ngã đột ngột, tăng tiết nước bọt và có sự rung giật ở các chi. Những cơn động kinh cục bộ có triệu chứng tương ứng với vùng bị ảnh hưởng như: rối loạn thị giác, có ảo giác, những cử động không tự ý, vắng ý thức kéo dài vài phút (đối với một số bệnh nhân)...

Ngoài những rối loạn tâm thần trong cơn, về lâu dài nếu không được điều trị tích cực có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Biến đổi nhân cách, tính tình: người bệnh trở nên ích kỷ, độc ác, dễ giận dữ, có tính thù vặt, tư duy lai nhai, rất phiền hà cho gia đình và những người mà bệnh nhân tiếp xúc.

Lâu hơn nữa có thể mất trí (sa sút tâm thần do bệnh động kinh). Nếu không kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh có thể lên cơn lúc đang làm việc gây ra tai nạn như bỏng, té xe, ngã sông có thể tử vong nếu không có người cứu kịp thời. Động kinh trong khi mang thai gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé; một số thuốc chống động kinh làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh. Nếu có bệnh động kinh và đang cân nhắc khi mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ. Hầu hết phụ nữ bị bệnh động kinh có thể có thai và có một em bé khỏe mạnh. Sẽ cần phải được theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ và thuốc có thể cần phải được điều chỉnh.

 

Có thể điều trị khỏi?

Hiện nay, bệnh động kinh được điều trị chủ yếu bằng phương pháp hóa trị. Các thuốc chống động kinh có thể kiểm soát hoàn toàn cơn động kinh với tỷ lệ trên 70% trường hợp. Động kinh không phải bệnh tâm thần hay là căn bệnh nguy hiểm chết người; nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh là rất cao. Nghĩa là sau một thời gian dài chữa trị, bệnh thuyên giảm dần và hoàn toàn cắt cơn mà không cần dùng thuốc nữa. Điều chủ yếu và quan trọng là bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần hết sức kiên nhẫn. Trong việc chữa trị bệnh động kinh, sự hợp tác giữa gia đình và thầy thuốc là vô cùng cần thiết. Người bệnh cần uống thuốc đúng và đủ liều, không lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá; tránh thức khuya.

Điều mà người bị bệnh động kinh cần là tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình, người thân, sự thông cảm của bạn bè và những người xung quanh... để không thấy mặc cảm.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, vì vậy, các bậc phụ huynh cần chăm sóc tốt cho trẻ, tránh để tổn thương não cũng như co giật khi sốt,... Bởi lẽ, với những trẻ có tiền sử sốt cao co giật thì nguy cơ mắc bệnh động kinh là rất cao, trẻ sẽ lên cơn động kinh ít nhất là 1-2 lần trong đời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top