Trầm cảm không những làm cho công việc và cuộc sống hàng ngày trở nên khó khăn dường như không thể vượt qua mà còn khiến con người cảm thấy cô đơn, trơ trọi. Dưới đây là một số chỉ dẫn giúp bạn nhận ra các dấu hiệu của bệnh trầm cảm để phòng ngừa.
Luôn cảm thấy buồn, trống rỗng, vô vọng hoặc chán nản… với cảm giác kéo dài hàng ngày. Bạn có thể không còn quan tâm tới những điều trước đây mình thích, không thích gặp mặt, nói chuyện với bạn bè và thậm chí mất đi hứng thú tình dục. Bạn sẽ mất bình tĩnh, dễ nổi cáu, luôn lo lắng và rất khó cảm thấy thư giãn tinh thần.
Trầm cảm khiến bạn không còn suy nghĩ được rõ ràng hoặc tập trung vào bất cứ một việc gì ngay cả việc đưa ra một sự lựa chọn đơn giản cũng trở nên khó khăn.
Hơn nữa, bạn còn có cảm giác mình là người tội lỗi, vô dụng về nhiều điều mặc dù đó không phải là tội lỗi của chính bạn gây ra, thậm chí bạn còn nghĩ đến cái chết thông qua việc tự tử. Có những người mắc bệnh trầm cảm mong được chết và cảm thấy thế giới sẽ tốt hơn nếu như không có họ.
Nhìn chung mọi người đều có những hiểu biết về những dấu hiệu về tâm lý của bệnh trầm cảm nhưng chưa biết đến dấu hiệu về thể chất của căn bệnh này.
Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân trầm cảm có cảm giác đau đớn trên cơ thể. Đau đầu là chứng phổ biến nhất đối với những người mắc chứng trầm cảm. Nếu những người mắc bệnh trầm cảm đã bị chứng đau nửa đầu, đau lưng hay các bệnh mãn tính từ trước thì những bệnh này sẽ nặng thêm theo thời gian.
Điều quan trọng nhất là khi bạn bị đau ngực thì bạn phải đi khám bác sĩ ngay để xem có phải là dấu hiệu của các bệnh tim mạch hay không. Tuy vậy, đau ngực cũng liên quan đến bệnh trầm cảm.
Bạn cũng có thể gặp những vấn đề về đường tiêu hoá như đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón thường xuyên. Thậm chí, lúc nào bạn cũng cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức ngay cả khi bạn vừa ngủ dậy. Nhiều người mắc bệnh trầm cảm không thể có một giấc ngủ ngon. Họ dậy rất sớm vào buổi sáng và khó có cảm giác buồn ngủ vào buổi tối, nhưng ngược lại, có một số người lại ngủ nhiều hơn bình thường.
Một số bệnh nhân trầm cảm trở nên chán ăn và sụt cân, bên cạnh đó có một số người lại ăn nhiều và chỉ ăn một thức ăn lặp đi lặp lại.
Những dấu hiệu về thể chất của bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến đầu óc mà còn gây ra những thay đổi thực sự trong cơ thể người bệnh. Dường như bệnh trầm cảm có liên quan tới sự mất cân bằng các chất trong não. Một trong số những chất hoá học đó đóng vai trò quan trọng trong việc bạn cảm thấy đau như thế nào.
Nhiều nhà khoa học cho rằng: Trầm cảm khiến bạn có cảm giác đau khác với những người bình thường. Trên thực tế, có nhiều người mắc chứng trầm cảm nhưng trong số đó nhiều người chỉ ở mức độ nhẹ thoáng qua trong thời gian ngắn, sau đó họ lập lại được sự cân bằng trong cuộc sống.
Để phòng bệnh trầm cảm, tốt hơn hết bạn cần có một lối sống lành mạnh, đặc biệt phải vận động cơ thể một cách thường xuyên, hợp lý để cho bộ não lập lại cơ chế cân bằng. Mặt khác, bạn không nên sống khép mình, cần gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người, khi đó cảm giác cô đơn, tuyệt vọng sẽ dần vơi đi và ý muốn chia sẻ với mọi người cũng sẽ dần tăng. Và như thế lâu dần, chứng trầm cảm của bạn sẽ giảm đi một cách hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh