✴️ Dấu hiệu trầm cảm ở nam giới

Nội dung

Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị trầm cảm nhưng các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau.

Mặc dù triệu chứng cơ bản của trầm cảm ở nhiều người thường là cảm giác buồn bã, nam giới có thể có xu hướng cảm thấy tức giận, biểu hiện cảm xúc hung hăng và lạm dụng chất kích thích cao hơn phụ nữ.

Do những triệu chứng khác nhau và vì nam giới thường ít nói và ít tìm cách điều trị trầm cảm hơn phụ nữ nên nhiều nam giới có thể bị trầm cảm không được chẩn đoán.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các dấu hiệu trầm cảm về cảm xúc, hành vi và thể chất ở nam giới. Cùng đọc để biết cách nhận biết và kiểm soát trầm cảm ở nam giới.

 

Nam giới và trầm cảm

Trần cảm khá phổ biến ở nam giới. Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, ước tính khoảng 9% nam giới có cảm giác trầm cảm hoặc lo âm mỗi ngày và 30,6% nam giới trải qua giai đoạn trầm cảm trong suốt cuộc đời của họ.

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, cơ thể và hành vi của bạn. Bác sĩ có thể gọi với những tên gọi khác như là trầm cảm chủ yếu, rối loạn trầm cảm chủ yếu hoặc trầm cảm lâm sàng.

Trầm cảm thường gặp hơn ở phụ nữ, ảnh hưởng đến 10,4% nữ giới so với 5,5% nam giới. Tuy nhiên, số lượng nam giới chết do tự tử lại gấp 4 lần phụ nữ.

Một trong những lý do lý giải điều này có thể là ở nam giới có ít khả năng được chẩn đoán trầm cảm hơn. Trầm cảm là một yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến tự tử.

Hiểu được triệu chứng trầm cảm có thể khác nhau như thế nào giữa đàn ông và phụ nữ rất quan trọng. Nó có thể giúp mọi người nhận thức được chứng trầm cảm của bản thân và những người thân yêu. Nhận biết trầm cảm là bước đầu tiên để phục hồi.

 

Triệu chứng ở nam giới và nữ giới

Một số triệu chứng trầm cảm giống nhau ở cả hai giới, như:

  • Cảm giác buồn bã, muốn khóc, suy nhược, có lỗi hoặc trống rỗng;
  • Mất niềm hứng thú vào những hoạt động giải trí;
  • Thèm ăn hoặc thay đổi cân nặng;
  • Ngủ quá ít hoặc quá nhiều;
  • Cảm thấy kích động hoặc mệt mỏi;
  • Khó tập trung.

Không phải ai bị trầm cảm cũng sẽ gặp những triệu chứng này.

Một số triệu chứng trầm cảm có thể ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn phụ nữ, có thể do các yếu tố di truyền, nội tiết tố, sinh hóa hoặc các yếu tố xã hội. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh trầm cảm ở nam giới.

Các dấu hiệu về hành vi ở nam giới

Các dấu hiệu hành vi của bệnh trầm cảm có thể biểu hiện khác nhau ở cả nam và nữ. Chẳng hạn, việc sử dụng rượu và ma túy thường ảnh hưởng đến nam giới bị trầm cảm nhiều hơn ở phụ nữ, và nam giới có nhiều khả năng bộc lộ sự giận dữ và hành vi chấp nhận rủi ro hơn phụ nữ.

Nam giới mắc chứng trầm cảm có thể có những thay đổi hành vi sau:

  • Uống rượu nhiều hơn hoặc sử dụng ma túy;
  • Tránh tiếp xúc gia đình và xã hội;
  • Làm việc điên cuồng mà không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp;
  • Cảm thấy khó hoàn thành công việc hoặc trách nhiệm gia đình;
  • Trở nên muốn kiểm soát hoặc lạm dụng hơn trong các mối quan hệ;
  • Tham gia vào các hành vi mạo hiểm, như cờ bạc hoặc quan hệ tình dục không an toàn;
  • Có ý định tự tử.

Một giả thuyết được đưa ra rằng những sự thay đổi hành vi này là kết quả của việc cố gắng che giấu trầm cảm và giữ vững cái gọi là “chuẩn mực nam tính”. Nỗ lực để che giấu trầm cảm có thể khiến nam giới bị tổn thương hoặc có những hành vi tự hủy hoại bản thân.

Nam giới mắc chứng trầm cảm cũng có thể mất hứng thú với những thú vui và đam mê hoặc cảm thấy ít động lực để hoàn thành công việc.

Trầm cảm cũng có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của bạn. Nam giới bị trầm cảm có thể mất hứng thú đến chuyện chăn gối và có thể gặp khó khăn khi quan hệ tình dục.

Các dấu hiệu về cảm xúc ở nam giới

Một số người có thể cảm thấy dễ trao đổi về các triệu chứng thể chất hơn là các thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên, Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa tâm trí và cơ thể. Quan trọng là phải chia sẻ tất cả các triệu chứng với bác sĩ, ngay cả khi chúng có vẻ không đáng kể hoặc không liên quan.

Trầm cảm ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của cả nam và nữa, khiến tâm trạng tệ đi.

Phụ nữ bị trầm cảm có thể biểu hiện thành nỗi buồn, nhưng một số đàn ông có thể ít thoải mái hơn khi thể hiện cảm xúc này ra bên ngoài. Do đó, những thay đổi trạng thái cảm xúc có thể trở nên rõ ràng theo những cách khác nhau.

Những dấu hiệu trầm cảm sớm ở nam giới có thể gồm:

  • Sự giận dữ;
  • Chán nản;
  • Hung hăng;
  • Cáu gắt.

Những điểm khác biệt này có thể do sự kì vọng xã hội về cách đàn ông và phụ nữ thể hiện cảm xúc. Hầu như đàn ông sẽ ít sẵn sàng thể hiện những cảm xúc nhất định, như buồn bã, nếu họ cảm thấy người khác có thể đánh giá hoặc chỉ trích họ về điều đó.

Nam giới bị trầm cảm có thể có ý định tự tử.

Ngăn ngừa tự tử

Nếu bạn biết ai đó đang có nguy cơ tự hủy hoại bản thân, tự tử hay muốn làm đau người khác:

  • Hãy hỏi những câu hỏi khó: “Bạn có định tự tử thật không?”
  • Lắng nghe mọi người mà không nên phán xét họ;
  • Gọi tới số điện thoại khẩn cấp tại địa phương để nói chuyện với tư vấn viên có đào tạo;
  • Ở lại với người đó cho đến khi có sự giúp đỡ từ chuyên gia;
  • Cố gắng loại bỏ mọi vũ khí, thuốc men hoặc các đồ vật có thể gây hại.

Các dấu hiệu thể chất ở nam giới

Trầm cảm là một bệnh lý về sức khỏe tâm thần những vẫn có những triệu chứng về thể chất. Nam giới mắc chứng trầm cảm có thể bị:

  • Đau đầu;
  • Tức ngực;
  • Đau khớp, tay chân hoặc đau lưng;
  • Có vấn đề về tiêu hóa;
  • Mệt mỏi;
  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít;
  • Cảm thấy bồn chồn hoặc kích động;
  • Ăn quá nhiều hoặc quá ít;
  • Sụt cân không chủ ý.

Một số triệu chứng trên có thể xuất hiện do ảnh hưởng của trầm cảm đến các chất hóa học trong não của bạn. Trầm cảm làm thay đổi nồng độ serotonin và norepinephrine, là những chất dẫn truyền trong não chi phối cơn đau và tâm trạng.

Triệu chứng ở nam giới và nữ giới

 

Tại sao trầm cảm ở nam giới thường không được chẩn đoán?

Theo số liệu năm 2013-2016 từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm năng gần gấp đôi so với nam giới.

Theo một số ước tính, 2/3 người mắc chứng trầm cảm ở Hoa Kỳ không được chẩn đoán.

Bác sĩ cũng có thể chẩn đoán nhầm chứng trầm cảm ở nam giới. Đàn ông hầu như có thể nói về các triệu chứng thể chất, như khó ngủ, hơn là những thay đổi về cảm xúc. Do đó, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sai.

Ngoài ra, mọi người có thể hiểu sau về các dấu hiệu cảm xúc hoặc hành vi phổ biến của bệnh trầm cảm ở nam giới. Chúng ta có thể coi sự tức giận là một đặc điểm tính cách thay vì một dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Chúng ta cũng có thể hiểu nhầm lý do khiến một người gia tăng hành vi chấp nhận rủi ro hoặc sử dụng chất kích thích.

Một nghiên cứu năm 2013 sử dụng các tiêu chí để điều chỉnh các cách khác nhau ở nam giới và phụ nữ có xu hướng bị trầm cảm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy trầm cảm phổ biến ở cả hai giới.

Cần có nhiều nghiên cứu hơn về trầm cảm và giới tính để xác thực điều này.

 

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Bất kỳ ai gặp phải những thay đổi về cảm xúc, hành vi hoặc thể chất mà chúng ta đã thảo luận trong bài viết này đều có thể đang bị trầm cảm. Nếu rơi vào trường hợp này, việc đi khám là cần thiết.

Bác sĩ có thể giúp chẩn đoán trầm cảm và đưa ra cách điều trị thích hợp giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Chứng trầm cảm không được điều trị có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Trầm cảm là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử. Vì vậy, người bị trầm cảm cần nhận được sự giúp đỡ càng sớm càng tốt.

 

Điều trị

Có nhiều cách điều trị trầm cảm. Mỗi người đáp ứng với điều trị khác nhau nhưng bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về cách điều trị phụ hợp nhất với nhu cầu của bạn.

Các lựa chọn điều trị gồm:

  • Dùng thuốc;
  • Liệu pháp trò chuyện;
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT).

Chiến lược đối phó

Cùng với các phương pháp điều trị, việc thay đổi lối sống và các chiến lược đối phó có thể giúp bạn kiểm soát chứng trầm cảm. Chẳng hạn như:

  • Tập thể dục thường xuyên: Chạy bộ hoặc thậm chí là đi bộ nhanh ngoài trời có thể tạo ra endorphin và giúp nâng cao tâm trạng của bạn;
  • Lập kế hoạch: Gắn bó với một lịch trình hàng ngày có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn một chút;
  • Chia nhỏ nhiệm vụ: Khi bạn cảm thấy không thể quản lý được những nhiệm vụ lớn, hãy chia nhỏ thành những nhiệm vụ nhỏ hơn;
  • Yoga, chánh niệm hoặc thiền: Những phương pháp này có thể làm giảm căng thẳng và hỗ trợ sức khỏe;
  • Nói chuyện với bạn bè và gia đình: chia sẻ những cảm xúc với người khác có thể khiến bạn cảm thấy bớt quá sức;
  • Tránh dùng đồ uống có cồn: Giảm uống đồ uống có cồn có thể cải thiện tâm trạng.

Cách giúp người thân thương mắc chứng trầm cảm

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu trầm cảm ở một người bạn thân, bạn đời hoặc thành viên trong gia đình là nam giới, hãy trò chuyện với họ. Việc hỏi thăm người mắc chứng trầm cảm xem họ đang cảm thấy như thế nào là bước quan trọng đầu tiên. Cố gắng trở thành một người biết lắng nghe rất quan trọng.

Tiếp theo, hãy khuyến khích họ đặt lịch hẹn với bác sĩ. Nếu họ cảm thấy lo lắng về việc trao đổi cảm nhận của mình, hãy nhắc nhờ họ rằng họ có thể bắt đầu bằng cách nói về các triệu chứng thể chất, điều này thường sẽ dẫn đến việc thảo luận rộng hơn về các triệu chứng khác.

Cần phải kiên nhẫn khi hỗ trợ người bị trầm cảm. Đôi khi các dấu hiệu hành vi của chứng trầm cảm ở nam giới có thể gây ra các khó khăn trong mối quan hệ. Hãy thử nói chuyện về các vấn đề mà không phán xét. Một cố vấn quan hệ có thể giúp họ cải thiện việc giao tiếp của mình.

 

Tổng kết

Các dấu hiệu trầm cảm ở nam giới có thể khác biệt với các dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ. Nam giới có thể cảm thấy tức giận, hung hang và lạm dụng chất kích thích hoặc thực hiện các hành vi đầy rủi ro.

Việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu trầm cảm ở nam giới có thể giúp những người mắc chứng này có được sự giúp đỡ.

Tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị trầm cảm là rất cần thiết. Tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới có thể phòng tránh được. Điều trị có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần và cảm xúc của một người đàn ông.

Trầm cảm năng, hay còn gọi là trầm cảm lâm sàng, là một bệnh lý tâm thần nghiêm trọng nhưng có thể kiểm soát được. Khi được điều trị, người mắc chứng trầm cảm có thể kiểm soát được tình trạng của mình và sống khỏe mạnh. Những người bị trầm cảm có thể tiếp tục hồi phục hoàn toàn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top